Ảnh: GlobalEurope.eu
Sự trở lại của ông Donald Trump
Theo tờ Global Europe, năm mới 2025 bắt đầu với một sự kiện quan trọng mà không ai có thể phủ nhận việc nó sẽ định hình cả năm, đó là sự trở lại của ông Donald Trump. Ngày 20/1, ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ lần thứ 2. Được thúc đẩy bằng chương trình nghị sự bảo hộ mạnh mẽ, các chính sách của ông Trump có thể định hình lại an ninh xuyên Đại Tây Dương, việc hỗ trợ cho Ukraine, các quan hệ kinh tế và thương mại, chính sách công nghệ...
Không bị ràng buộc bởi áp lực tái tranh cử và được các cố vấn trung thành vây quanh ngay từ ngày đầu, ông Trump có thể theo đuổi một chương trình nghị sự mang tính thay đổi nhiều hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên. Cho tới giờ, các đề cử của ông Trump cho nội các và các vị trí quan trọng khác trong chính phủ cho thấy điều này là có cơ sở.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiệm kỳ 2 có thể rút Mỹ khỏi NATO hoặc ít nhất là làm suy yếu cột trụ Mỹ trong liên minh, đặt ra các cam kết an ninh có điều kiện về tăng mạnh chi tiêu quốc phòng của châu Âu. Mỹ có thể cắt giảm hỗ trợ cho Ukraine và áp thuế với hàng xuất khẩu của châu Âu, dẫn tới căng thẳng trong quan hệ kinh tế giữa hai bên.
Người dân ở 33 quốc gia đưa ra những dự đoán về năm 2025 như xung đột ở Trung Đông và Ukraine, AI. Ảnh: Statista
Các cuộc bầu cử then chốt
Theo tờ Conversation, các cuộc bầu cử quan trọng sẽ diễn ra ở 3 lục địa khi các chính phủ thiên tả tìm cách tái đắc cử. Tại Đức, Thủ tướng Olaf Scholz thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SDP) sẽ tìm kiếm nhiệm kỳ 2. Cuộc bầu cử cũng thách thức sức mạnh của phe cực hữu, song ông Scholz có lẽ vẫn nắm quyền vì theo truyền thống, người Đức thường trao cho Thủ tướng đương nhiệm vài nhiệm kỳ.
Tại Australia, Thủ tướng Anthony Albanese của Công đảng sẽ cố gắng để được bầu lại và tiếp tục nắm quyền. Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau có thể phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức khi bước vào cuộc bầu cử mới. Tại Australia lẫn Canada, các đảng cầm quyền đều phải đối mặt với những trở ngại lớn, khiến kết quả không chắc chắn.
Các cuộc xung đột toàn cầu
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ hành động nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine, kết thúc các cuộc giao tranh giữa ở Gaza cũng như các khu vực khác ở Trung Đông. Quan điểm theo chủ nghĩa biệt lập của ông Trump là Mỹ không được lợi gì nhiều khi tham gia các cuộc xung đột quá xa đất nước. Tuy nhiên, việc lùi lại và tìm kiếm hòa bình dễ nói hơn làm.
Việc trao ảnh hưởng cho Nga ở Ukraine để chấm dứt xung đột sẽ chấm dứt giao tranh song sẽ không xoa dịu được các đồng minh phương Tây hoặc một số người Mỹ. Theo các chuyên gia, hiện hãy mong ông Trump hành động để giảm bớt căng thẳng và thương vong.
Các nhà lãnh đạo của Triều Tiên, Iran và những nước khác sẽ tìm kiếm cơ hội trong năm mới để thúc đẩy lợi ích của họ và dò xét các siêu cường. Như thường lệ, Trung Đông sẽ vẫn là điểm nóng của thế giới với sự giao thoa của nhiều yếu tố.
Sự sụp đổ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và chính quyền rơi vào tay lực lượng đối lập chỉ là sự xáo trộn mới nhất trong khu vực. Việc loại bỏ ông Assad không đem lại một Syria ổn định mà có thể làm tăng sự bất ổn trong vùng.
Năm mới sẽ không có sự kiện thống nhất toàn cầu nào như World Cup hay Olympic. Điều đó có nghĩa là khả năng phục hồi từ tình trạng hỗn loạn chính trị và quân sự cũng như biến động kinh tế trong năm 2025 là rất thấp.
Bất ổn kinh tế
Những nguy cơ kinh tế vẫn ám ảnh năm 2025. Sự cường điệu hóa về trí tuệ nhân tạo (AI) khiến giá thị trường của Nvidia (nhà sản xuất chip cho các ứng dụng AI) từ 400 tỷ USD hồi hai năm trước tăng lên 3,3 nghìn tỷ USD như hiện nay là một điều đáng lo ngại.
Tiền điện tử cũng là một mối lo. Khi bong bóng giá của loại tiền này vỡ, suy thoái và khủng hoảng sẽ diễn ra.
Theo Vietnamnet