Ngày 31/8, Khmer Times đưa tin Thủ tướng Hun Sen yêu cầu xem xét lại cuộc thi sắc đẹp Miss Grand Cambodia 2022 (Hoa hậu Hòa bình Campuchia), sau khi nhận được hàng loạt khiếu nại về trang phục trình diễn phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục của các thí sinh.
Tờ Straits Times nhận định lĩnh vực sắc đẹp châu Á đang bị bao trùm bởi sự nhạy cảm và dung tục quá đà đặc biệt là trong bối cảnh các đài truyền hình và đơn vị tổ chức đang tìm mọi cách để khắc phục hậu quả, nâng cao thành tích người xem và thu hút thêm nhiều quảng cáo do dịch Covid-19 kéo dài.
Tràn ngập yếu tố gợi dục
Tranh cãi tại Miss Grand Cambodia 2022 nổ ra sau đêm chung kết hôm 24/8. Chính quyền Poipet và Bavet phàn nàn về việc thí sinh mặc trang phục giống lá bài và xúc xắc để đại diện cho thành phố.
Trong khi đó, chính quyền Stung Treng đưa ra khiếu nại khi một thí sinh trình diễn trang phục đại diện cho tỉnh nhưng lộ ngực và vùng nhạy cảm trước ống kính. "Đây là sự xúc phạm nghiêm trọng tới văn hóa truyền thống tốt đẹp của Campuchia, đặc biệt là danh dự phụ nữ Campuchia", tuyên bố nêu.
Trang phục dạ hội phản cảm của thí sinh tỉnh Stung Treng trong Miss Grand Cambodia 2022. Ảnh: Khmer Times.
Khmer Times cho rằng mức độ nhạy cảm trong cuộc thi Miss Grand Cambodia 2022 vi phạm pháp luật, chứa yếu tố bôi nhọ văn hóa. Trang tin lo ngại cuộc thi truyền đi thông điệp sai lệch về lĩnh vực sắc đẹp, đặc biệt với đối tượng người xem chưa trưởng thành.
Trước đó vào ngày 20/8, cuộc thi Hoa hậu khẩu trang Hong Kong cũng bị chỉ trích vì cố tình gây chú ý bằng nội dung khiêu khích. Top 50 thí sinh được yêu cầu mặc áo ngắn khoe lỗ rốn và thuyết trình về tính thẩm mỹ của chúng. Sau đó, họ được giám khảo chấm điểm bàn chân để tìm người vào top 20.
Ê-kíp gây tranh cãi khi liên tục quay cận, chậm cơ thể của các thí sinh nữ và đặt tiêu đề gây sốc về sắc vóc. Không chỉ vậy, họ còn yêu cầu một số người đẹp dùng chân gắp dâu cho giám khảo ăn.
Đỉnh điểm gây phẫn nộ là ban tổ chức cho phép toàn bộ giám khảo nam trong Hoa hậu khẩu trang Hong Kong dùng kính thực tế ảo nhìn cận vòng 2, chạm vào cơ thể của thí sinh như nắm tay, ôm nhau để đánh giá. Họ thậm chí bày tỏ sự phấn khích, nhận xét về mùi cơ thể của các người đẹp.
Trên mạng xã hội, khán giả chỉ trích Hoa hậu khẩu trang Hong Kong vô bổ và phản cảm khi tràn ngập yếu tố gợi dục, không chú trọng đến tài năng của thí sinh. Ban tổ chức từng để một thí sinh thi nhét cam vào ngực để mua trống, nhảy thoát y vào top 50.
Nội dung phản cảm của Hoa hậu khẩu trang Hong Kong khiến giới truyền thông bàng hoàng. "Cảnh này là đang thi hoa hậu ư? Vì sao những phân cảnh như phim khiêu dâm như vậy có thể được phát sóng trên truyền hình?", On đặt câu hỏi.
Thí sinh của các cuộc thi hoa hậu ở Trung Quốc Đại lục thường xuyên phải trình diễn áo tắm trên phố. Ảnh: Sina.
Tại Trung Quốc Đại lục, nhiều năm qua, khán giả dễ dàng bắt gặp các thí sinh thi hoa hậu mặc bikini tạo dáng uốn éo, nhảy múa trên đường phố hay ở trung tâm thương mại. Sina phê phán phần thi áo tắm tại các đấu trường nhan sắc Trung Quốc không khác nào show khoe thân rẻ tiền.
Năm 2019, Hoa hậu Hàn Quốc hứng chỉ trích xúc phạm và bôi nhọ hình ảnh quốc phục khi để thí sinh mặc trang phục truyền thống cách tân hở hang, phản cảm.
Các bộ hanbok được cách điệu với phần áo trông như nội y kết hợp chân váy cắt ngắn, xẻ tà. Áo khoác ngoài cũng chuyển thành chất liệu xuyên thấu.
Cuộc thi Miss 3 App ở Thái Lan từng gây bàn tán khi để thí sinh mặc thiết kế dạ hội "kiệm vải" trên sân khấu. Hình ảnh dàn người đẹp mặc trang phục như không mặc khiến truyền thông đặt câu hỏi về vai trò của ban tổ chức trong khâu kiểm duyệt váy áo trước khi trình diễn.
Sanook cho rằng đây là chiêu trò của ban tổ chức vì Miss 3 App vốn là cuộc thi "ao làng", không được ai quan tâm trước vụ lùm xùm.
Vấn đề đáng lo ngại của các cuộc thi nhan sắc
Theo Straits Times, gợi cảm là tiêu chí được hướng đến hàng đầu trong các cuộc thi nhan sắc. Thiết kế cắt xẻ táo bạo được cho là tôn vinh vẻ đẹp hình thể, phong thái tự tin và phá vỡ rào cản giới tính của phụ nữ.
Vì vậy, vài năm trở lại đây, váy áo để lộ vai trần, xẻ ngực sâu, ôm sát cơ thể ngày càng phổ biến trên sân khấu các cuộc thi sắc đẹp.
Tuy nhiên, khi sự tự do ăn mặc và thể hiện bản thân này bị lạm dụng, thậm chí bị lợi dụng, đã dẫn đến thực trạng hình ảnh gợi cảm trở thành vấn nạn phản cảm trên sân khấu.
Thực trạng là cơ thể thí sinh được phơi bày hoàn toàn hoặc che kín một cách mỏng manh xuất hiện nhan nhản trong các cuộc thi nhan sắc.
Hoa hậu Hàn Quốc 2019 từng bị chỉ trích nặng nề vì cách tân hanbok quá đà, làm mất hình ảnh và giá trị của trang phục truyền thống. Ảnh: Newsen.
Theo Sina, các cuộc thi hoa hậu ngày nay đã trở nên phổ biến và không còn sức hút. Vì vậy, mỗi đơn vị nắm bản quyền đều nhảy vào cuộc cạnh tranh trong các bối cảnh đấu trường nhan sắc được tổ chức dồn dập.
Họ nỗ lực thu hút khán giả bằng những chiêu thức khác nhau, kể cả sử dụng yếu tố tình dục, hình ảnh kích thích và phản cảm nhằm câu khách.
Sina nhận định đây là một chiến lược không hợp lý và là vấn đề nan giải của lĩnh vực sắc đẹp. Theo trang tin cuộc thi hoa hậu không giống các show truyền hình thực tế để lồng ghép các chủ đề giật gân với mục đích gây chú ý.
Bởi danh xưng hoa hậu không đơn thuần đại diện cho vẻ đẹp tri thức, hình thể, bản sắc văn hóa của cá nhân, còn đại diện cho cả quốc gia. Vì vậy, các yếu rẻ tiền được đưa vào các cuộc thi mang tầm ảnh hưởng xã hội sẽ hạ thấp, gây ra những suy nghĩ lệch lạc về tiêu chuẩn thẩm mỹ, văn hóa đại chúng.
Tờ Straits Times bình luận thi hoa hậu ở châu Á đang bước vào thời "loạn". Nhiều cuộc thi tổ chức đại trà, bội thực yếu tố tình dục khiến lĩnh vực sắc đẹp hoen ố hình ảnh, danh hiệu nhan sắc ngày càng mất giá trị.
Theo Zing