Lời tạm biệt chát chúa từ Ngọt

Hơn 10 năm xuất hiện ở bản đồ nhạc Việt, Ngọt tạm biệt khán giả theo cách ồn ào. Nhóm tan rã qua thông báo trên mạng xã hội, hủy bỏ hai đêm nhạc và không có lời giải thích rõ ràng. Những gì còn lại với những người yêu mến Ngọt chỉ còn là sự tức giận, hụt hẫng, không hề ngọt ngào mà chỉ toàn vị đắng.

Vũ Đinh Trọng Thắng (thủ lĩnh, giọng ca chính của Ngọt) cho biết anh gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần, không thể diễn lúc này. Anh hứa đền bù cho khán giả dịp sau nhưng không phải với tư cách của Ngọt.

Sự sụp đổ của nhóm nhạc Việt-1
Ngọt tan rã "không kèn không trống" sau hơn 10 năm đồng hành cùng khán giả.

Những người hâm mộ có lý do để trút giận, rất nhiều bình luận chỉ trích cách hành xử của Ngọt, cách nhóm chọn kết thúc bẽ bàng sau 10 năm đồng hành.

Nhìn lại, 10 năm là con số khá dài đối so với tuổi thọ trung bình của nhiều nhóm nhạc Việt. Với Ngọt, nhóm đã xây dựng được cộng đồng fan nhất định qua ngần ấy năm, chủ yếu là thế hệ 9X, 2K. Âm nhạc của Ngọt mang chính tiếng lòng thế hệ hiện tại, mộc mạc nhưng chứa đựng nhiều suy tư, hoài bão, xen kẽ chất lãng mạn.

Một năm về trước, Cá Hồi Hoang – hiện tượng Indie được xem là đối trọng của Ngọt miền Bắc – nói lời chia tay khán giả sau một thập kỷ. Kém may mắn hơn, nhóm Lộn Xộn - quán quân chương trình Sing my song 2018 - chỉ đi cùng nhau trong hành trình 4 năm ngắn ngủi.

Tất cả những cái tên này đều tạo được chỗ đứng, đậm bản sắc Việt nhưng chưa đủ sức để đi đường dài, vươn xa so với ca sĩ solo tại thị trường Việt.

Không rõ nguyên nhân thực sự đằng sau sự chia ly của Ngọt có đơn giản là chuyện kinh phí, nhân lực, nhưng ít nhiều đã để lại sự bỏ ngỏ về công thức tồn tại của các nhóm nhạc trên bản đồ showbiz Việt.

Nhóm nhạc Việt: Nhiều lỗ hổng chưa thể lấp đầy

Nhiều năm gần đây, dòng nhạc Indie - xu hướng âm nhạc độc lập - phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, trái ngược với tinh thần đại chúng của pop. Indie được nhiều người trẻ tìm đến và chinh phục, một số nhóm nhạc tiêu biểu là Ngọt, Cá Hồi Hoang, Chillies, Da LAB, Lộn xộn band, The Cassette…

Với mô hình này, các nhóm nhạc tự chủ trong mọi khâu, từ sáng tác, cách phối khí, thu âm… Họ thỏa sức sáng tạo theo góc nhìn nghệ thuật riêng. Với nhiều nhóm nhạc, hoạt động này chỉ hữu hiệu trong khoảng thời gian ngắn, khi chưa phải lo mưu sinh.

Ngoài khó khăn trong việc sản xuất nhạc, họ phải đối diện với việc định hướng phát triển, môi trường và điều kiện hoạt động. Không phải nhóm nhạc hoạt động độc lập nào cũng có cơ hội biểu diễn, doanh thu cao.

Những đứa trẻ và Chú cá lơ từng chia sẻ một trong những khó khăn lớn nhất đó là vấn đề tài chính. Họ phải làm thêm những công việc khác nhau bởi hoạt động âm nhạc không đủ chi trả. Vì thế, các thành viên khó toàn tâm toàn ý vào làm nhạc, việc ra sản phẩm mới cũng khó khăn hơn cả.

Sự sụp đổ của nhóm nhạc Việt-2Sự sụp đổ của nhóm nhạc Việt-3Sự sụp đổ của nhóm nhạc Việt-4

Nguyễn Bá Trường Sơn - thành viên ban nhạc Những đứa trẻ - cho biết mối bận tâm của họ thay đổi so với thời sinh viên. Bước vào độ tuổi 25-26, họ gặp nhiều áp lực, phải lo lắng cho cuộc sống. Nhóm giữ chân được lượng khán giả riêng, được mời show diễn nhưng doanh thu vẫn chẳng thể lấp các khoản chi khác.

Các hoạt động của nhóm indie đều là cây nhà lá vườn, nhưng vẫn rất cần ê-kíp định hướng rõ ràng nếu muốn đi đường dài, hoạt động chuyên nghiệp. Huy Tuấn (nhóm Limebócx) cho hay mọi khâu master, mix... đều tự mày mò, trong khi những phần này ca sĩ chuyên nghiệp đều có người hỗ trợ.

Trước đây, Da Lad đứng trước nguy cơ tan rã sau ít năm hoạt động vì áp lực cơm áo gạo tiền. Nhóm nói trong quá khứ từng thiếu nợ dẫn đến suy nghĩ tan rã. Cơn sốt Thanh xuân chính là cứu tinh kéo Da Lad bên bờ sụp đổ.

Chật vật tính kế sinh nhai, để âm nhạc giới indie tiếp cận được đại đa số công chúng không hề dễ dàng. Những nhóm nhạc này đều định hình cá tính riêng biệt, không cố gồng mình theo sở thích khán giả.

Cá Hồi Hoang từng nói giai điệu, câu từ mà nhóm thích mới là thứ quan trọng, bởi họ đặt tính chân thật trong cảm xúc, không hô hào, nhạc buồn thì cứ đi đến tận cùng của nỗi buồn.

Khai tử sớm hơn những nhóm nhạc Indie là mô hình học hỏi theo Kpop. Thực tế Vpop đã có nhiều trường hợp ra mắt từ các công ty quản lý nổi tiếng, có chiến lược quảng bá thậm chí đưa hẳn thực tập sinh sang công ty Hàn Quốc đào tạo… nhưng “sớm nở tối tàn”, đơn cử là trường hợp Lime. Các nhóm nhạc đời sau như Lip B, Monstar, Zero9… cũng đi theo lối mòn tương tự.

Một vài trường hợp công chúng còn chưa kịp nhớ mặt đặt tên đã bỗng dưng tạm biệt khán giả vào một ngày đẹp trời, điển hình là D1Verse – nhóm nhạc nam được công ty quản lý nhạc Mamamoo đầu tư, tan rã ngay khi phát hành MV duy nhất.

Cách thức hoạt động của các nhóm nhạc này không phù hợp với thị trường nhạc Việt. Họ thiếu màu sắc riêng biệt, ảnh hưởng quá nhiều từ Kpop khiến khán giả không mấy hứng thú, bởi Kpop không thiếu và thậm chí đang làm quá tốt mảng này.

Việc không được ưa chuộng tạo áp lực về mặt tài chính. Khác với ca sĩ solo, dự án nhóm nhạc cần chi phí đầu tư gấp nhiều lần. Ở thị trường nhạc Việt luôn là bài toán khó để các nhóm nhạc hoạt động bởi rủi ro lớn, lợi nhuận thấp.

Theo Tiền Phong