Năm 2018, phim Thiên Bồng Nguyên Soái 1: Đại náo thiên cung vừa chiếu thử đã bị cấm chiếu vì chi tiết cải biên Thái Thượng Lão Quân và La Sát xuất hiện trong bộ dạng thiếu vải, có động tác âu yếm nóng mắt.
Vào thời điểm đó, bộ phim đã bị khán giả và Hiệp hội Đạo giáo Trung Quốc phản ứng dữ dội.
Người dùng mạng xứ này chỉ ra trước đây, mạng Weibo từng lưu truyền một giả thuyết rằng Hồng Hài Nhi là con của La Sát do thông gian với Thái Thượng Lão Quân sinh ra; tin rằng biên kịch phim Thiên Bồng Nguyên Soái 1 đã lấy ý tưởng từ giả thuyết này để cải biên phản cảm nguyên tác.
Cảnh phim bị chỉ trích dữ dội trong "Thiên Bồng Nguyên Soái 1".
Giả thuyết lưu truyền mạng về nguồn gốc của Hồng Hài Nhi
Giả thuyết nói trên chỉ ra Hồng Hài Nhi là con của Ngưu Ma Vương nhưng lại mang ngoại hình "da trắng như bột, môi đỏ hồng hào" của con người, không có sừng, đuôi hay móng guốc. Bên cạnh đó, tuyệt kỹ của Hồng Hài Nhi là tam muội chân hỏa, không giống với các kỹ năng của bố mẹ.
Giả thuyết này cũng cho biết, Hồng Hài Nhi hoàn toàn không giống một yêu quái thông thường. Nhân vật này có rất nhiều pháp bảo quý, khẩu khí hống hách không xem thần tiên ra gì, dám mắng cả Quán thế âm Bồ tát là "ăn hại". Tuy nhiên sau khi thu phục, Quán thế âm cũng không trách phạt gì, còn cho Hồng Hài Nhi làm Thiện tài đồng tử đi theo mình.
Vì vậy, người thêu dệt giả thuyết tin rằng Hồng Hài Nhi được chống lưng bởi một nhân vật cao hơn cả thần Phật.
Các tạo hình của La Sát trên phim.
Bên cạnh đó, thân phận của La Sát cũng bị nghi ngờ. La Sát căn nguyên là yêu quái, được giữ làm việc như một tiên cô bình thường trong cung Đâu Suất ở tầng mây thứ 33. Với phẩm cấp này, không rõ vì đâu La Sát được nhiều đãi ngộ như vậy.
Chẳng hạn như cùng phạm lỗi trong vụ để Tôn Ngộ Không phá hoại lò bát quái nhưng chỉ vị đạo sĩ phụ lò bị Lão Quân đày làm thổ địa Hỏa Diệm Sơn; trong khi La Sát làm chủ núi Túy Vân, có cơ ngơi trong động Ba Tiêu và được cấp bảo vật là quạt Ba Tiêu. Nhờ bảo vật này mà La Sát mới được tôn xưng là Thiết phiến công chúa.
Giả thuyết tin rằng, nếu quan hệ không đủ sâu sắc với Lão Quân, La Sát sẽ không nhận được bất cứ đãi ngộ nào chứ chưa kể món bảo vật như quạt Ba Tiêu.
Khán giả mạng bị nhiễu thông tin vì không đọc kỹ nguyên tác
Khán giả mạng hoang mang khi đọc giả thuyết nói trên vì chưa tìm hiểu kỹ nguyên tác Tây du ký.
Trong thần thoại Đạo giáo, Thái Thượng Lão Quân là vị thần tiên tối cao có trước cả trời đất, được nguyên khí thời hỗn mang ngưng kết mà thành. Ông được xưng tôn hiệu là Đạo Đức Thiên Tôn, cùng Nguyên Thủy Thiên Tôn và Linh Bảo Thiên Tôn là Tam thanh của Đạo giáo.
Sự thật, trong Tây du ký có đến... 2 cây quạt Ba Tiêu với tên gọi giống nhau nhưng công năng khác nhau.
Cây quạt thứ nhất do La Sát giữ. Tất cả thông tin về quạt Ba Tiêu này đều nằm trong lời kể của Linh Cát Bồ Tát: "Nguyên gốc cây quạt ấy sanh tại núi Côn Lôn, từ thuở khai thiên lập địa, nó thuộc âm nên quạt tắt lửa. Nếu quạt người thời bay tới tám muôn bốn ngàn dặm mới ngừng". Như vậy, cây quạt này có tinh túy của Thái Âm, chuyên sinh gió âm để dập lửa.
Quạt Ba Tiêu của La Sát có thể phóng to thu nhỏ tùy ý còn quạt của Lão Quân chỉ có một kích cỡ.
Cây quạt thứ hai của Lão Quân, là vật chí dương, chuyên dùng để sinh lửa. Hồi 35 Tây du ký có nhắc đến bảo bối này khi Kim Giác dùng quạt này để thổi lửa khi giao chiến với Tôn Ngộ Không. Lão Quân thường giao quạt này cho các tiên đồng quạt lò; Kim Giác và Ngân Giác là hai đồng tử trông lò vàng, lò bạc đã trộm quạt này cùng 4 món bảo vật khác bỏ trốn.
Không có thông tin nào cho thấy cây quạt Ba Tiêu thổi gió âm của La Sát là do Lão Quân cho. Khán giả tự suy diễn vì cho rằng La Sát phẩm cấp quá thấp để sở hữu một bảo vật như thế. Còn cây quạt thổi lửa của Lão Quân đã "vật về chủ cũ" sau khi thu phục Kim Giác, Ngân Giác.
Thứ hai, suy diễn rằng tuyệt kỹ tam muội chân hỏa của Hồng Hài Nhi bị cho là có nguồn gốc từ lửa luyện đan của Lão Quân là không có cơ sở.
Thổ địa Hỏa Diệm Sơn từng nói về Hồng Hài Nhi ở hồi 40: "Nó đã tu hành 300 năm ở Hỏa Diệm Sơn, luyện được cả thứ lửa tam muội, thần thông quảng đại".
Trong bài thơ của Ngô Thừa Ân tả rõ hơn: "Lửa trời, lửa đất đều không phải... Ngũ hành sinh hóa lửa kia thành". Như vậy, Hồng Hài Nhi dùng "tâm hỏa" và đạo ngũ hành để tự luyện lửa ở Hỏa Diệm Sơn thành lửa tam muội của riêng mình.
Lửa tam muội qua kỹ xảo thô sơ, nghèo nàn của "Tây du ký" bản 1986.
Trong khi đó, ở hồi 7, dẫn lời Lão Quân nói với Ngọc Hoàng Đại Đế: "Hay là bệ hạ giao nó cho tôi mang về bỏ vô lò bát quái, dùng lửa văn vũ mà đốt nó, hễ chảy thuốc kim đơn ra hết thì nó phải ra tro”. Như vậy, lửa phép trong lò bát quái của Lão Quân là lửa văn vũ.
Về ngoại hình của Hồng Hài Nhi, dù Ngưu Ma Vương là trâu nhưng La Sát lại có hình người. Nếu chiếu theo kinh nghiệm dân gian "con trai giống mẹ" thì Hồng Hài Nhi mang hình người giống La Sát là hợp lý. Bên cạnh đó, không phải hễ ngưu yêu thì có sừng. Đơn cử, em trai Ngưu Ma Vương là Như Ý chân tiên núi Giải Dương cũng không hề có sừng.
Về thói hống hách, ngạo mạn của Hồng Hài Nhi cũng rất dễ lý giải. Trong yêu quái đại đạo, có vô vàn yêu quái thọ đến nghìn năm. Hồng Hài Nhi mới 300 tuổi, dĩ nhiên tuổi tác, ngoại hình và tính cách đều là trẻ con.
Giả thuyết La Sát thông gian với Lão Quân sinh ra Hồng Hài Nhi là suy diễn sai, phản cảm.
Tuy còn nhỏ nhưng nhân vật này đã có bản lĩnh hơn người, tự mình luyện thành tuyệt kỹ, chiếm núi xưng vương, thu thập một đám lâu la, trấn áp toàn bộ sơn thần, thổ địa quanh vùng nên tính cách ngang tàng cũng là điều dễ hiểu.
Về vị trí, Quán thế âm Bồ tát là người được thọ ký sẽ tiếp quản chánh pháp và cõi cực lạc khi Đức Phật A Di Đà nhập niết bàn. Không có lý do gì, ngài phải e sợ hay tức giận khi thu phục một tiểu yêu như Hồng Hài Nhi, kể cả khi tiểu yêu này có lai lịch như thế nào. Việc Quán thế âm thu phục Hồng Hài Nhi, bắt đi theo hầu mình chính là một hình phạt chứ không phải ban chức tước.
Vì vậy, không có căn cứ thuyết phục nào để đặt nghi vấn Hồng Hài Nhi do La Sát thông gian với Lão Quân sinh ra.
Theo Vietnamnet