Theo người dân, thời gian cách ly xã hội, không có công ăn việc làm, Chính phủ đã hỗ trợ cho người nghèo gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng rất kịp thời.

Tuy nhiên, tiền chưa đến tay người dân thì trưởng thôn đến từng nhà vận động ký đơn tự nguyện hỗ trợ lại cho Nhà nước.

Sự thật phía sau những lá đơn không nhận tiền hỗ trợ ở Thanh Hóa-1
Chị Luyện cho biết, nếu không ký đơn, Trưởng thôn sẽ gọi xã về rà soát lại

Là người đồng ý ký vào đơn tự nguyện, nhưng thực chất khi chia sẻ với PV họ lại cho rằng bị ép buộc “tự nguyện".

Mặc dù mới có chủ trương gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, nhưng Trưởng thôn Hạnh Phúc Lê Công Ngân đã khoe về thành tích đi vận động được hơn 20 hộ cận nghèo ký đơn không nhận tiền hỗ trợ.

Ông bảo, cả thôn có 391 hộ, 1.219 nhân khẩu, trong đó có 17 hộ nghèo, 76 hộ cận nghèo. Những hộ cận nghèo ông đến vận động gần như hộ nào cũng ký vào đơn được đánh máy sẵn.

Tự nguyện trong ép buộc

Chị Nguyễn Thị Luyện (xóm 2, thôn Hạnh Phúc) thuộc diện hộ cận nghèo. Thông qua báo, đài chị có nghe về gói hỗ trợ 62.000 tỷ.

Ít hôm sau, chị thấy có đoàn của Trưởng thôn xuống nhà vận động gia đình ký đơn không nhận số tiền trên.

“Ông Ngân, Trưởng thôn còn nói nếu không đồng ý ký, xã sẽ về rà soát lại (đưa ra khỏi danh sách hộ cận nghèo - PV)”, chị Luyện nói.

Sự thật phía sau những lá đơn không nhận tiền hỗ trợ ở Thanh Hóa-2
Đơn soạn sẵn đi vận động người dân ký

Nghe vậy, nhà chị Luyện đành phải ký dù không biết số tiền sẽ được hỗ trợ là bao nhiêu.

“Nghe nói số tiền được hưởng lên đến gần 4 triệu đồng. Đây là số tiền lớn với người làm nghề tự do, đang còn phải lo ăn từng bữa như nhà tôi”, chị Luyện nói.

Theo những người dân ở đây, sở dĩ họ phải ký vào đơn vì con cái họ đang đi học và còn vay vốn chính sách. Nếu bị cắt đi suất cận nghèo, cuộc sống sẽ rất khó khăn.

Cũng theo người dân nơi đây, trưởng thôn chỉ ép được những hộ cận nghèo đang có con cái học hành, vay vốn. Những hộ cận nghèo khác không đồng ý ký đơn.

Đơn cử như ở thôn Đồng Minh, số hộ cận nghèo lên đến 78 hộ, trưởng thôn chỉ vận động được 6 trường hợp đồng ý.

“Trưởng thôn có đến nhà tôi vận động ký đơn ủng hộ lại số tiền nhà nước hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19 nhưng nhà tôi không đồng ý. Nhà nước quan tâm hỗ trợ, chính quyền thôn, xã không chia sẻ với người dân lại đi vận động trả lại", một người dân thôn Đồng Minh cho biết.

Có chuyện vận động

Chủ tịch UBND xã Hải Ninh Lê Đình Phương thừa nhận có việc vận động các hộ cận nghèo ký đơn không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ.

Sự thật phía sau những lá đơn không nhận tiền hỗ trợ ở Thanh Hóa-3
Thôn Hạnh Phúc có số người ký đơn không nhận tiền hỗ trợ nhiều nhất xã

“Khi Chính phủ có chủ trương về gói 62.000 tỷ đồng cho người dân bị ảnh hưởng trong đợt Covid-19, huyện có công văn yêu cầu rà soát lại tất cả đối tượng. Nếu đối tượng nào (chủ yếu cận nghèo) không đủ điều kiện mà vẫn có trong danh sách thì đề nghị người ta làm đơn không nhận chế độ chính sách.

Xã rất khó xử lý. Vận động hộ cận nghèo không nhận tiền hỗ trợ là sai so với chủ trương, mà họ nhận tiền thì các hộ khó khăn khác sẽ thắc mắc”, ông Phương cho biết.

Theo Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Tĩnh Gia Hoàng Khắc Đạo, việc rà soát đối tượng sai là do thôn, xã. Dù thế nào thì huyện vẫn chi trả chế độ chính sách theo đúng danh sách.

Theo Vietnamnet