Nhắc đến Phong lá đỏ, người ta sẽ liên tưởng ngay đến biểu tượng của nhiều nước trên thế giới, điển hình là Canada, Nhật, Hàn Quốc... Loại cây này cứ đến mùa đông lại thay màu lá đỏ rực một góc trời, tạo thành một không gian vô cùng đẹp mắt, hút khách du lịch.
Không chỉ vậy, Phong lá đỏ còn mang ý nghĩa phong thủy, mang lại may mắn. Vì thế, có rất nhiều quốc gia du nhập loại cây này, trong đó có Việt Nam.
Cách đây ít năm, cây Phong lá đỏ được trồng tại đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, Hà Nội. Tuy nhiên, sau một thời gian loại cây này đã khô héo, không thể sinh trưởng và ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị.
Mới đây, chính quyền Hà Nội có thông tin muốn phá bỏ và thay thế bằng một loại cây khác.
Rặng cây Phong lá đỏ được trồng ở Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng cách đây 3 năm đã héo khô, mất thẩm mỹ đô thị (ảnh Tuổi Trẻ)
Thông tin này khiến dư luận xôn xao, nhiều người tiếc nuối, đặt câu hỏi, tại sao Phong lá đỏ ở khu Ngoại giao đoàn (Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cạnh Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam lại sinh trưởng tốt, mùa đông lá cây chuyển sang màu đỏ rất đẹp mắt? Còn rặng cây ở Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng lại chết khô?
Thực tế, trước giờ nhiều người luôn nhầm lẫn hai loại cây này với nhau. Loại cây được trồng ở khu vực Ngoại giao đoàn không phải là Phong lá đỏ mà là một loại cây có tên gọi Sau sau.
Rặng cây ở khu vực Ngoại giao đoàn luôn bị nhầm là cây Phong lá đỏ (Ảnh Tuổi trẻ)
"Theo tôi tìm hiểu, đây là cây Sau sau. Loài cây này có lá rất giống Phong lá đỏ, tới mùa đông lá lại ngả sang màu đỏ nên nhiều người bị nhầm lẫn", ông Nguyễn Đức Mạnh, phó tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội (đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc trồng và chăm sóc hàng Phong lá đỏ tại tuyến đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng), cho hay.
Thực tế đây là loại cây có tên Sau sau, rất giống với cây Phong
Ông Lê Huy Cường, chuyên gia thuộc Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam, cũng xác nhận cây trồng ở khu Ngoại giao đoàn là Sau sau, một loài cây bản địa của Việt Nam chứ không phải Phong lá đỏ như mọi người đang lầm tưởng.
Lá của cây này cũng rất giống với lá của cây Phong lá đỏ, nên người thường khó phân biệt (ảnh Tuổi Trẻ)
Vào mùa đông, cây Sau sau cũng chuyển lá màu vàng đỏ, được giới trẻ chọn làm địa điểm check-in
Theo kế hoạch, rặng cây tại đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng sớm sẽ được thay thế bằng một loại cây mới. Tuy nhiên, theo các nhà chức trách, cần tìm một loại cây phù hợp với khí hậu, mang tính thẩm mỹ cao để tránh tình trạng trồng không hợp đất, lãng phí tài nguyên và công sức.
Cây Phong lá đỏ rực rỡ sắc màu khi hợp khí hậu, thời tiết (Ảnh internet)
Khung cảnh nên thơ, trữ tình, các cặp đôi luôn chọn nơi đây làm địa điểm du lịch (Ảnh internet)
Mùa đông, Phong lá đỏ chuyển màu đỏ rực cả góc trời, ai nhìn cũng đắm say (Ảnh internet)
Như vậy, cư dân mạng hoàn toàn có thể trông đợi vào một con đường ngập tràn màu sắc tại Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, tạo nên một khung cảnh Hà Nội đầy nên thơ, trữ tình trong thời gian tới.
Cây Sau sau phân bố tại các tỉnh miền Bắc như Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang. Tại Hà Nội, giống cây này được trồng nhiều tại khu đô thị Ngoại giao đoàn, tây Hồ Tây, khu vực Đại sứ quán Hàn Quốc... Tại nhiều nơi như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan... cũng có Sau sau. Lá cây Sau sau có hình dạng khá giống lá Phong, để phân biệt người ta dựa vào thùy lá: lá Sau sau xẻ thành 3 thùy và lá phong có 5-6 thùy tùy sinh cảnh sống. Ngoài ra cây sau sau có quả, trong khi Phong lá đỏ không có. Ở các tỉnh miền Bắc, lá non của cây Sau sau được người dân dùng làm thực phẩm. |
Thanh Tú (tổng hợp)
Theo Vietnamnet