Tây du ký bản 1986 là tác phẩm kinh điển sử dụng nhiều kỹ xảo, tái hiện vô số khung cảnh thần tiên như thiên cung, hội bàn đào… Tuy nhiên, bộ phim được sản xuất vào thời điểm khó khăn, kinh phí hạn hẹp. Bởi vậy, đoàn làm phim phải cố gắng tiết kiệm chi phí bằng cách tự chế tác đạo cụ, cho dù phải làm thủ công. Nhờ bàn tay khéo léo của ê kíp sản xuất, những món đồ huyền thoại như đào tiên trường sinh bất lão, nhân sâm nghìn năm đã ra đời, khiến người xem thích thú.

Đào tiên trường sinh bất lão thực chất là khung tre và bột giấy

Trong nguyên tác Tây du ký của tác giả Ngô Thừa Ân, đào tiên ra hoa kết quả mất mấy nghìn năm, quả chín mất thêm 9.000 năm. Ai có phúc ăn được đào tiên sẽ trường sinh bất lão. Để làm ra thứ quả “thần thánh” trên, đạo diễn Dương Khiết xác định đào trong phim phải thuộc dạng ngoại cỡ và vườn đào cũng phải nặng trĩu quả. Bà còn yêu cầu phải có cảnh Tôn Ngộ Không ăn đào tiên nhằm tăng thêm sức hấp dẫn cho bộ phim.

Sự thật về nhân sâm, đào tiên trường sinh bất lão trong ‘Tây du ký-1
Đào tiên trường sinh bất lão trong Tây du ký được tạo ra từ những vật liệu thô sơ như khung tre và bột giấy. 

Tuy nhiên, tìm ra một vườn đào thật có quả khổng lồ ăn được là một chuyện gần như bất khả thi. Đoàn làm phim Tây du ký lúc đó cũng không có nhiều kinh phí thuê vườn đào lớn để quay dựng trong nhiều ngày. Sau khi tính toán, đạo diễn Dương Khiết quyết định thuê địa điểm tại cung thể dục thể thao trong một trường học. Sau đó, ê kíp làm phim đã sắp xếp và cải tạo đơn giản toàn bộ cung thể thao để có thể bố trí đạo cụ, máy móc thuận lợi cho việc ghi hình. Họ lắp đặt hệ thống chiếu sáng, máy ghi âm, phông nền dạng tròn, bao quanh tứ phía và treo trên trần nhằm tạo cảnh bầu trời.

Các chuyên gia thiết kế mỹ thuật cùng người đứng đầu là Mã Vận Hồng đã cử nhân viên khảo sát một vườn đào ở ngoại ô Bắc Kinh, mua hàng chục gốc đào về cung thể thao. Họ khéo léo sắp xếp những gốc đào trong cung thể thao, rồi nhanh chóng tạo ra những chiếc lá đào giả, tạo thành từng tán, từng chùm lá gắn lên thân cây. Khung cảnh ấy chân thực đến mức ngay cả nhân viên trong đoàn khi đứng gần cũng khó phân biệt được thật - giả.

Hoàn thành xong vườn đào, đội ngũ quay phim còn một nhiệm vụ khó nhằn khác là tạo ra đào tiên khổng lồ. Tại thời điểm đó, ê-kíp sản xuất không thể tìm ra loại đào nào có kích cỡ lớn như mong muốn.

Họ đành dùng những vật liệu đơn giản như khung tre, bột giấy để tạo ra những quả đào tiên. Ê-kíp làm phim sử dụng tre đan thành hình tròn và cố định bằng dây thép. Tiếp đến, họ phủ bột giấy tạo hình trái đào và sơn màu để mô phỏng chân thật nhất hình ảnh những quả đào tiên thường thấy trong nhiều bức họa dân gian.

Sự thật về nhân sâm, đào tiên trường sinh bất lão trong ‘Tây du ký-2
Cảnh Tôn Ngộ Không ăn trộm đào tiên mang lại cảm giác chân thực, sinh động, không giả tạo một chút nào. 

Kết quả, ê-kíp làm phim đã tạo ra hàng trăm quả đào với nhiều kích cỡ khác nhau. Quá trình này mất khá nhiều thời gian và đòi hỏi cả sự khéo léo, tỉ mỉ. Nhờ vậy mà khi lên phim, những quả đào tiên trông khá chân thực, không bị “nhựa” một chút nào.

Trong một cảnh quay ở vườn đào, Tôn Ngộ Không (Lục Tiểu Linh Đồng) sẽ hái trộm và cắn đào tiên mọng nước, tạo ra âm thanh sồn sột khi nhai. Thế nhưng vấn đề đặt ra là tất cả quả đào đều được làm bằng khung tre và bột giấy, không thể ăn được. Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia đạo cụ đã nhanh trí khoét sẵn một lỗ trên một vài quả đào nhất định được đánh dấu sẵn, sau đó nhét quả đào thật vào bên trong.

Khi ghi hình, Lục Tiểu Linh Đồng buộc phải hướng phần đào thật về miệng và ăn một cách ngon lành, trong khi phần đào giả sẽ hướng về phía ống kính máy quay. Khán giả theo dõi kỹ có thể thấy khi Tôn Ngộ Không thưởng thức loại quả trường sinh bất lão trên, có một phần nước đào chảy ra, bám vào lông mặt, lông tay của nhân vật. Chi tiết này phần nào giúp cảnh Tề Thiên Đại Thánh ăn trộm đào tiên trở nên sống động và chân thực.

Nhân sâm nghìn năm được tạo ra từ củ đậu

Bên cạnh đào tiên, Tây du ký còn một loại quả khác gây tò mò không kém là nhân sâm mang hình hài đứa trẻ sơ sinh. Trong nguyên tác, tác giả Ngô Thừa Ân miêu tả loại nhân sâm trên 3.000 năm mới ra hoa, 3.000 năm sau nữa mới kết quả, muốn quả chín ăn được lại phải đợi thêm 3.000 năm nữa. Người nào có phúc được ngửi quả ấy một lần thì sẽ sống thọ 360 tuổi, ăn được một quả thì sẽ sống mãi 47.000 năm.

Sự thật về nhân sâm, đào tiên trường sinh bất lão trong ‘Tây du ký-3
Nhân sâm nghìn năm mô phỏng hình dáng trẻ sơ sinh trong Tây du ký thực chất là củ đậu được gọt đẽo, phủ màu một cách khéo léo và tỉ mỉ. 

Vì đó là giống cây không có thực nên nữ đạo diễn Dương Khiết phải lao tâm khổ tứ tìm cách tạo ra nhân sâm có hình em bé. Bà cho mời nghệ sĩ mỹ thuật Trương Liệt Quân từ Kịch viện Nghệ thuật Nhân dân Tứ Xuyên tới giúp sức. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, họ quyết định sử dụng củ đậu của vùng Tứ Xuyên để tạo nên những quả nhân sâm huyền thoại.

Trương Liệt Quân dùng dao khắc củ đậu thành hình em bé trong tư thế ngồi, sau đó phủ lớp màu thực phẩm bên ngoài một cách khéo léo sao cho giống trái cây nhất có thể.

Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, vị chuyên gia mỹ thuật này đã đã tạo ra hàng trăm quả nhân sâm như mong muốn của đạo diễn Dương Khiết. Khi xem Tây du ký, nếu tinh mắt, khán giả sẽ thấy lúc Tôn Ngộ Không cắn một miếng từ quả nhân sâm, lòng bàn tay của nhân vật bị dính một ít phẩm màu.

Theo Zing