Những ngày vừa qua, cư dân mạng liên tục chia sẻ bài viết có nội dung về 5 ngày đặc biệt của tháng 10. Dù chưa được kiểm chứng hay căn cứ khoa học, thông tin thổi phồng cho rằng đây là chuyện lạ hơn 800 năm mới có một lần, được gọi là túi tiền.

Ngoài khuyến khích người dùng mạng xã hội chia sẻ để hút tiền tài, lấy may, nội dung này còn hù dọa “người không coppy sẽ không có tiền”.

“Năm nay tháng 10 có 5 ngày thứ Ba, 5 ngày thứ Tư và 5 ngày thứ Năm. Điều này xảy ra một lần mỗi 823 năm. Theo phong thủy Trung Quốc, đây gọi là túi tiền. Vì vậy, hãy sao chép bài này vào trạng thái của bạn và tiền sẽ về trong vòng 4 ngày. Người không copy, sẽ không có tiền, sao chép trong vòng 11 phút đọc", là nội dung được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội.

Sự thật về Tháng 10 có 5 ngày đặc biệt thu hút tài lộc, 800 năm mới có một lần-1Sự thật về Tháng 10 có 5 ngày đặc biệt thu hút tài lộc, 800 năm mới có một lần-2Sự thật về Tháng 10 có 5 ngày đặc biệt thu hút tài lộc, 800 năm mới có một lần-3Sự thật về Tháng 10 có 5 ngày đặc biệt thu hút tài lộc, 800 năm mới có một lần-4
Nội dung chưa được kiểm chứng, không có cơ sở được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội.

Chuyện lạ hơn 800 năm mới có chỉ là trò lừa bịp

Sau khi được phát tán, nhiều người cho rằng đây là thông tin bị thổi phồng quá mức. Thực tế, những tháng có 31 ngày bắt đầu từ thứ Ba sẽ có 5 ngày thứ Ba, 5 ngày thứ Tư và 5 ngày thứ Năm.

Trao đổi với Tiền Phong, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nhận định những trùng lặp về ngày trong tháng, tháng trong năm theo Âm lịch của người phương Đông không có cơ sở khoa học liên quan đến chuyện may rủi hay giàu nghèo, chỉ là sự vận động của tự nhiên trong mối quan hệ với con người.

Theo chuyên gia, việc một số tài khoản mạng xã hội lấy hiện tượng tự nhiên để áp đặt sự may rủi, nhằm đánh vào tâm lý mê muội, cũng như cuồng tín của con người chỉ là chiêu trò câu view, tăng tương tác phục vụ mục đích cụ thể. Tuyệt nhiên, nó không mang lại giá trị tích cực cho những ai nhìn thấy nội dung đó.

Thậm chí, một số tài khoản mạng xã hội còn đính kèm các link xấu độc, chứa virus để người dùng khi click vào các link đó có thể bị chiếm quyền kiểm soát tài khoản. Các đối tượng xấu sẽ sử dụng tài khoản được chiếm đoạt trên vào mục đích phi pháp. Đây là hiện tượng tội phạm mạng rất phổ biến hiện nay.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nhấn mạnh phong thủy hay tôn giáo không dạy con người không làm, không lao động mà có trái ngọt. Phong thủy là thuyết khoa học nghiên cứu mối quan hệ giữa con người với tự nhiên - cái mà chúng ta thường nghe gọi là trường khí. Còn tôn giáo dạy con người cách sống chân - thiện - mỹ, có niềm tin để vượt qua những giông bão của cuộc sống thường ngày.

Việc làm ra của cải vật chất phải là sự vận động của trí tuệ, kỹ năng và sự trải nghiệm trong cuộc sống, chứ không phải nằm ở thượng đế hay đấng siêu nhiên nào.

Hệ lụy

Trước tình trạng lợi dụng tôn giáo, phong thủy để câu view, câu share khá phổ biến hiện nay, chuyên gia phân tích nguyên nhân chính do con người thiếu niềm tin vào cuộc sống, công việc nên họ phải tìm kiếm niềm tin tinh thần ở một nơi nào đó.

Đối với những người không theo tôn giáo, hoặc không có điều kiện tiếp nhận kiến thức phong thủy, khi một trang mạng xã hội đưa tin về phép màu hay một phương pháp phong thủy có thể giúp họ vượt qua được vấn nạn thường ngày thì ngay lập tức những thông tin đó khiến họ tin và làm theo. Đây cũng là diễn biến tâm lý thường gặp ở mỗi người.

“Việc để phổ biến tình trạng tráo đổi các nội dung thông tin không đúng về bản chất của phong thủy, tôn giáo nhằm câu view, câu tương tác có nguy cơ dẫn đến mất an ninh trật tự xã hội. Nhiều người tin và làm theo nội dung phi thực tế, không có cơ sở khoa học có thể khiến gia đình tan nát, thậm chí có người bỏ mạng.

Tôi từng xem một vài clip hướng dẫn con người cách cải vận, cắt duyên âm và nhiều người đã làm theo. Kết quả là có người quay lưng lại với gia đình, có người bỏ xứ biệt tăm, thậm chí có người suýt mất mạng. Cho nên hệ luỵ từ những thông tin không được kiểm chứng trên mạng xã hội là rất lớn, nếu như không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời”, chuyên gia cho hay.

Theo chuyên gia, để khắc phục tình trạng trá hình các nội dung phong thủy, tôn giáo trên mạng xã hội cần đòi hỏi sự vào cuộc của cơ quan chức năng như Ban tôn giáo chính phủ, Bộ thông tin và truyền thông, Bộ văn hóa thể thao và du lịch.

Mặt khác, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nói chung, người dùng mạng xã hội nói riêng hiểu về bản chất của tôn giáo và phong thủy đối với đời sống con người.

Phong thủy hay tôn giáo chỉ là phương tiện để hỗ trợ con người trong cuộc sống, chứ không phải là thuyết “định mệnh” định đoạt tương lai, số phận của mỗi người.

Tương lai mỗi chúng ta là do bàn tay và khối óc quyết định, tư duy đúng sẽ có hành động đúng và ngược lại. Chiêu tài hay cải vận cũng phải xuất phát từ năng lực, trình độ của bàn tay, khối óc con người chứ không phải từ những thứ siêu nhiên mơ hồ.

Theo Tiền Phong