Không cần kiêng đồ tanh
Bệnh sốt xuất huyết hiện đang ở “đỉnh dịch” tại miền Bắc và miền Nam. Số ca mắc sốt xuất huyết liên tục tăng. Sốt xuất huyết là bệnh cấp tính, lây truyền qua muỗi cắn. Nếu bệnh nhẹ có thể chăm sóc tại nhà dưới sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
Chế độ ăn uống có vai trò rất quan trọng giúp cho bệnh nhân sốt xuất huyết nâng cao sức đề kháng để nhanh chóng khỏe mạnh.
Tuy nhiên, hiện nay khi chăm sóc cho bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn còn tồn tại một số quan niệm sai lầm. Nhiều người cho rằng khi bị mắc sốt xuất huyết thì kiêng không ăn tanh, ăn cá, trứng sẽ làm cho bệnh thêm nặng. Hay như quan niệm khi mắc sốt xuất huyết thì kiêng tắm để bệnh không ngấm vào trong.
Bệnh nhân sốt xuất huyết cần phải được cung cấp đủ nước, nên cho bệnh nhân uống nhiều loại nước hoa quả.
Theo TS.BS Nguyễn Duy Cường, Trưởng khoa Truyền Nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), quan niệm kiêng ăn những đồ ăn tanh, kiêng tắm khi bị sốt xuất huyết không có cơ sở và không khuyến cáo. Bệnh nhân bị sốt xuất huyết vẫn ăn uống bình thường, cân bằng về dinh dưỡng. Điều quan trọng nhất khi bệnh nhân bị sốt xuất huyết là uống bổ sung dịch. Khi bị sốt cao cần cho bệnh nhân uống bổ sung điện giải để bù dịch đẳng trương mất đi, trong đó bù dịch bằng oresol là tốt nhất (nước và điện giải).
Nếu không có oresol thì có thể dùng các dung dịch khác thay thế như: nước đun sôi để nguội, nước lọc, nước dừa, nước cam, nước chanh, nước canh để bù nước. Nước hoa quả giàu vitamin C làm bền thành mạch, tăng cường đề kháng giúp giảm thoát huyết tương trong máu. Bệnh nhân khi còn uống được thì nên bổ sung nước và điện giải theo đường uống sẽ an toàn hơn so với truyền.
Trường hợp bệnh nhân sốt cao kèm theo nôn nhiều, bác sĩ Cường khuyến cáo cần phải được bù dịch bằng đường truyền.
“Khi bị sốt xuất huyết bệnh nhân thường rất chán ăn, người mệt mỏi. Quá trình hồi phục bệnh sốt xuất huyết thường mất vài tuần.Vì vậy, người nhà nên khuyến khích bệnh nhân ăn thật nhiều, ăn tăng cường chất đạm. Nên chế biến thức ăn ở dạng lỏng giúp cho bệnh nhân dễ ăn và dễ hấp thu hơn. Tránh trường hợp kiêng kỵ quá mức làm cho bệnh nhân không có sức để phục hồi”, bác sĩ Cường nói.
ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, sốt xuất huyết làm cho bệnh nhân sốt cao, mệt mỏi nên thường không muốn ăn. Ngoài việc bổ sung nước đầy đủ cho bệnh nhân nên cho bệnh nhân ăn các loại thức ăn dạng lỏng và mềm (cháo, súp). Nên chọn những thực phẩm giàu protein và kẽm để tăng sức đề kháng. Bệnh nhân khó khăn trong việc ăn uống nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày.
Ngoài ra, chú ý tăng cường một số thực phẩm chứa vitamin A, vitamin C, kẽm, sắt, chất đạm,... để tăng cường hệ miễn dịch cho bệnh nhân. Ăn đủ 4 nhóm thực phẩm, chất bột đường (gạo, mỳ, bún, phở), chất đạm (thịt, cá, tôm), chất béo, vitamin và khoáng chất (rau xanh, hoa quả). Ăn đúng và đủ dinh dưỡng giúp cơ thể nâng cao hệ miễn dịch và giảm nhẹ được biến chứng.
Chăm sóc tại nhà như thế nào?
Bác sĩ Cường cho hay, không phải bệnh nhân nào cũng cần tới viện điều trị nội trú khi bị sốt xuất huyết. Nếu bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể uống thuốc hạ sốt, bù dịch tại nhà, sau khoảng 1 tuần bệnh nhân sẽ hồi phục. Trong thời gian theo dõi này vẫn cần phải khám lại hoặc có sự giám sát của bác sĩ. Hàng ngày bệnh nhân vẫn cần phải được xét nghiệm máu (nếu cần).
Chăm sóc tích cực bằng cách:
Theo dõi nhiệt độ thân nhiệt người bệnh thường xuyên.
Cho người bệnh quần áo mỏng, vải cotton, nằm chỗ thoáng mát.
Lau mát cơ thể bằng nước ấm, lau toàn thân và đắp khăn ở vùng nách, bẹn khi sốt cao.
Dùng thuốc hạ sốt Paracetamol theo đúng chỉ định (tránh dùng Aspirin, Ibuprophen để hạ sốt vì có thể gây xuất huyết tiêu hoá và chuyển hóa toan máu.
Khuyến khích trẻ uống nhiều nước: nước đun sôi để nguội, bù nước Oresol.
Lưu ý nếu sốt trên 38,5 độ mới dùng thuốc, sau 4-6 giờ mới được dùng tiếp.
Theo Khỏe và đẹp