Gần nửa đêm ngày 31/8, thông tin về vụ việc “chặt tay cướp điện thoại giữa Sài Gòn” được đăng tải trên một trang Facebook có tên Tý Nhóc Lóc Chóc. Sau đó, “vụ việc” này đã được cư dân mạng, các diễn đàn… chia sẻ, dẫn lại với tốc độ chóng mặt, gây hoang mang, lo sợ cho nhiều người.

Theo đó, trên trang cá nhân của mình, Tý Nhóc Lóc Chóc kể lại câu chuyện vừa chứng kiến với giọng điệu rất chắc chắn: “Khoảng 10h tối ngày 31/8, trên địa bàn quận 1, Tp.HCM, một phụ nữ tầm 30 tuổi đang đi xe hướng từ cầu Khánh Hội đến ngã sáu Phù Đổng thì dừng lại để nghe điện thoại. Bất ngờ phía sau, 2 đối tượng lạ mặt chạy tới áp sát nạn nhân, dùng mã tấu chém mạnh vào tay để cướp chiếc điện thoại chị đang nghe. Do quá bất ngờ cùng cú ra đòn quá mạnh của 2 tên cướp, người phụ nữ không kịp phản kháng, và bất tỉnh vì cánh tay bị chém đứt lìa. 2 tên cướp nhanh chóng tẩu thoát, người dân nhanh chóng đưa nạn nhân vào bệnh viện để cấp cứu. Hiện trường, công an đang tiến hành điều tra làm rõ vụ việc”.


Thông tin về vụ "chặt tay cướp điện thoại giữa Sài Gòn"
xuất hiện trênFacebook đêm 31/8.


Thậm chí, khi có người vào hỏi thêm về “vụ việc kinh hoàng” này, Tý Nhóc Lóc Chóc còn nhiệt tình kể chi tiết hơn: “Một phụ nữ đang chạy xe máy trên đường Hồ Xuân Hương, khi đến gần khu vực cà phê S thì tấp vào lề để nghe điện thoại. Lúc này có hai thanh niên chạy xe Wave đỏ kè vào. Người ngồi sau rút dao được giấu sẵn trong bụng chém mạnh vào tay để cướp chiếc điện thoại và nhanh chóng tẩu thoát, hiện trường còn lại là vũng máu. Người dân đã đem bàn tay bị đứt của nạn nhân bỏ vào thùng đá và nhanh chóng đưa nạn nhân vào bệnh viện để cấp cứu”...

Thông tin trên được đăng kèm hình ảnh hai thanh niên đang khiêng một người phụ nữ có vẻ đang bất tỉnh, xung quanh có nhiều người chứng kiến.


Hình ảnh được người tung tin đính kèm để tăng độ tin cậy.

Ngay lập tức, câu chuyện đáng sợ này đã trở thành tâm điểm chú ý, bàn luận và được chia sẻ, like bởi rất nhiều thành viên mạng xã hội Facebook. Nhiều trang diễn đàn, fanpage khác cũng đăng lại câu chuyện này với những cái title như “Sài Gòn ghê quá”, “Sợ quá, chặt tay cướp điện thoại giữa phố”…

Hàng ngàn người đã tin câu chuyện trên là có thật, qua đó tỏ ra vô cùng hoang mang, lo sợ, “không dám ra đường trong dịp nghỉ lễ nữa”.

Thế nhưng, sáng 1/9, khi trả lời một tờ báo điện tử, chính Tý Nhóc Lóc Chóc đã thú nhận: “Em có chứng kiến một vụ cướp tài sản ở khu vực đường Cách Mạng Tháng 8 (P.Bến Nghé, Q.1). Khi chen vào thì thấy nạn nhân là nữ, bị ngất xỉu, hiện trường là vũng máu nên đã chụp ảnh hai bảo vệ cùng người dân đang khiêng nạn nhân vào taxi đi cấp cứu”.

"Em nghe mọi người bàn tán nên đã viết chế thêm thông tin bị chặt lìa tay, đăng với mục đích câu like và sub (yêu thích và lượt theo dõi) trên Facebook mà không để ý đến hậu quả gây ra”, Tý Nhóc Lóc Chóc hối hận.

Trả lời báo chí, lãnh đạo Công an phường Bến Thành (quận 1, TP HCM) khẳng định: “Từ đêm qua đến giờ công an phường chưa tiếp nhận bất cứ thông tin liên quan đến chặt tay và cướp trên địa bàn. Không biết thông tin này từ đâu ra, mà sáng nay lãnh đạo phường, và nhiều người cũng gọi điện tới công an phường để hỏi. Nếu có thì đây là vụ đặc biệt nghiêm trọng chứ đâu phải chuyện đùa”.

Cơ quan công an quận 1 cũng khẳng định: “Không hề có vụ chặt tay cướp iPhone nào xảy ra trên địa bàn quận 1vào đêm qua”.
Hiện Tý Nhóc Lóc Chóc đã xóa bài viết không đúng sự thật gây xôn xao cộng đồng mạng, khiến dư luận bất an suốt từ tối qua đến sáng nay, đồng thời đóng luôn trang Facebook này.


Lời xin lỗi đăng trên một địa chỉ Facebook khác của nhân vật "quăng bom".


Khoảng 15h chiều 1/9, trên một trang Facebook khác của mình, nhân vật “quăng bom” trên đã đưa ra lời xin lỗi: “Em chân thành xin lỗi các anh chị. Sự thật là hôm qua em chỉ thấy dì chạy xe bị cướp rồi ngất đi, và đưa đến bệnh viện. Chứ không to tát như em ghi đâu. Em xin hứa sẽ không bao giờ tái phạm”.

Nhiều thành viên mạng xã hội Facebook đã vào comment phê phán hành động tung tin sai sự thật để câu like, nhiều người tuyên bố chặn Facebook của người này. Không lâu sau khi đăng status xin lỗi, nhân vật này cũng đóng luôn Facebook còn lại.

Được biết chủ nhân của Facebook tung tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận này đang kinh doanh trên mạng, vì thế đã đăng tải câu chuyện bịa đặt này nhằm lôi kéo người theo dõi, để có thể quảng bá sản phẩm kinh doanh tốt hơn.


Nhiều cư dân mạng đã dẫn lại thông tin sai sự thật trên kèm theo sự hoang mang, lo sợ.

Sau khi biết sự thật về câu chuyện bịa đặt trên, nhiều cư dân mạng đã tự nhắc nhở mình và bạn bè phải cảnh giác hơn để không bị lừa bởi những thông tin thất thiệt như vậy nữa.

Sở dĩ một vụ việc động trời như vậy lại có thể khiến không ít người nhanh chóng tin “sái cổ”, không một chút nghi ngờ là bởi trước đó, vào cuối năm 2012, trên địa bàn TP HCM cũng đã từng xảy ra một số vụ cướp điện thoại với cách thức chặt tay ghê rợn như trong câu chuyện kia.

Trước đó, một vụ việc tung tin đồn sai sự thật gây hoang mang dư luận cũng đã xảy ra và bị xử lý. Cụ thể, vào đầu tháng 5/2013, rộ lên nhiều thông tin về việc ba nữ sinh bị rạch đùi trước Nhà hát Lớn Hà Nội với dao lam dính máu nhiễm HIV khiến nhiều người dân hoang mang, đặc biệt là các bạn học sinh. Công an Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ thông tin trên để tránh hoang mang dư luận. Qua rà soát, cơ quan điều tra chưa ghi nhận thông tin về nữ sinh về rạch đùi, cũng như chưa có trường hợp nào tới cơ quan công an trình báo về sự việc trên. Cơ quan điều tra xác định thông tin trên hoàn toàn không có thật.

Chiều ngày 9/5, kẻ tung tin đồn trên đã bị cơ quan công an tạm giữ. Kẻ tung tin đồn thất thiệt được làm rõ là Nguyễn Khánh Thành (sinh năm 1986, ở phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội). Thành khai nhận mục đích tung thông tin bịa đặt trên nhằm để tăng lượng truy cập cho một website do người này đang làm quản trị.

Các chuyên gia luật cho biết, dù xuất phát ban đầu chỉ là trò đùa thiếu hiểu biết hoặc thực hiện với ý đồ xấu thì người tung tin đồn thất thiệt gây hậu quả nghiêm trọng cần phải bị xử lý nghiêm để răn đe. Pháp luật hiện hành đã có những điều khoản quy định để xử lý các trường hợp tạo ra, phát tán tin đồn sai sự thật. Tùy trường hợp cụ thể, cơ quan thẩm quyền có thể căn cứ vào các quy định hiện có để xử lý.

Theo các luật sư, hành vi tung tin đồn thất thiệt thực hiện trên mạng Internet thì sẽ bị xử lý theo Điều 226 Bộ luật Hình sự về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet”, với mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù giam, phạt tiền 200 triệu đồng.

Tin đồn thất thiệt, bịa đặt không những tác động trực tiếp đến tâm lý, làm đảo lộn cuộc sống của người dân mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, chính trị, tình hình trị an… Nhiều cá nhân, tổ chức đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề về tinh thần, vật chất trước những tin đồn sai sự thật do những kẻ “giết người không dao” tung ra. Rõ ràng, tin đồn thất thiệt, dù được tạo ra và phát tán một cách vô tình hay có chủ ý, là một loại “giặc” nguy hiểm cần kiên quyết dẹp bỏ.

Qua những vụ việc trên, người dân, nhất là người dùng Internet, cần hết sức cảnh giác trước những thông tin có tính chất giật gân, ghê rợn, chưa được kiểm chứng để tránh bị lừa, trở thành nạn nhân để kẻ xấu lợi dụng, thậm chí còn có thể vướng vòng lao lý khi vô tình hoặc cố ý phát tán những thông tin sai sự thật kiểu này.

Theo Trí thức trẻ