Theo Insider, hành khách trên tàu lặn Titan phải trả 250.000 USD/người để đảm bảo có vị trí trong chuyến đi thám hiểm xác tàu Titanic. Chuyến đi trở thành thảm họa "một đi không trở lại" khi tàu ngầm mất tích sau gần hai tiếng xuống đáy biển. Năm người trên chuyến đi đều thiệt mạng trong "vụ nổ thảm khốc", theo tuyên bố của Lực lượng tuần tra biển Mỹ.
Chuyến thám hiểm tử thần đã làm sáng tỏ sự gia tăng của những chuyến du lịch rủi ro cao trong giới giàu có. Một người làm việc tại các điểm bán vé những chuyến đi đắt đỏ nói với New York Times rằng du khách, đặc biệt là giới siêu giàu thích vượt qua ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ để theo đuổi cảm giác mạnh và quyền được khoe khoang.
Vẻ đẹp chết người của xác tàu Titanic.
Khoe sự giàu có
Tính từ ngày mở dịch vụ thám hiểm xác tàu Titanic, OceanGate Expeditions chỉ tổ chức được 18 lần. Nghĩa là chỉ số ít tỷ phú USD bỏ số tiền lớn để lặn xuống biển trong vài giờ. Nhìn được xác tàu Titanic "từ ô cửa nhỏ như cửa lồng máy giặt", theo nhà sản xuất The Simpsons, một trong những hành khách từng có mặt trên tàu Titan chỉ là phụ, cái chính là họ luôn được nhắc tên trong mỗi cuộc trò chuyện về giới siêu giàu.
Bên cạnh chuyến đi khám phá độ sâu của đại dương, du hành vũ trụ - chuyến đi được cho là nguy hiểm hơn khoảng 10.000 lần so với bay thương mại - và chuyến thám hiểm đến Nam Cực là một trong những trải nghiệm du lịch mạo hiểm thịnh hành với giới siêu giàu.
Đối với một số tỷ phú, thám hiểm mạo hiểm trở thành một lối sống. Victor Vescovo, người đã kiếm được hàng triệu USD từ vốn cổ phần tư nhân, thám hiểm cả 5 đại dương lớn, lặn sâu 8.300 m dưới đáy rãnh Puerto Rico. Tỷ phú Hamish Harding, người thiệt mạng trong vụ tàu Titan phát nổ, cũng đã du hành vũ trụ.
Tàu Titan được cho là nổ tung do thay đổi áp suất quá lớn.
Nếu khám phá đáy đại dương tốn khoảng 250.000 USD (5,8 tỷ đồng), giới siêu giàu phải bỏ ra đến 450.000 USD để mua suất du hành vũ trụ.
Ellen Langer, nhà tâm lý học Harvard của Đại học Harvard, phân tích lý do khiến giới siêu giàu sẵn sàng chi số tiền lớn để phá vỡ cuộc sống "nhàm chán" thường ngày.
“Nhiều người trong chúng ta đôi lúc có khoảnh khắc cuộc sống này thật nhàm chán, phần lớn vô tâm với những gì xung quanh. Làm điều gì đó nguy hiểm, đặc biệt phải bỏ số tiền lớn, khiến người ta có cảm giác lưu tâm đến cuộc sống này hơn", Langer nói.
Nhưng theo chuyên gia của Đại học Harvard, nhiều người trong số họ, nhất là những người thừa tiền, không biết rằng "thật dễ dàng tìm thấy chánh niệm" mà không phải mạo hiểm mạng sống.
Peter Anderson, giám đốc điều hành của công ty du lịch sang trọng Knightsbridge Circle, nói với New York Times rằng gần đây có khách hàng muốn đến thăm Nam Sudan - một trong 19 quốc gia mà Bộ ngoại giao Mỹ cho là không an toàn khi du lịch. Dù được giải thích quá trình lên kế hoạch du lịch có sự tham vấn của chuyên gia an ninh về cách giảm thiểu nguy cơ tiềm ẩn, họ càng phấn khích.
“Giới siêu giàu đã quá quen với những gì họ coi là kỳ nghỉ điển hình (bao gồm nghỉ dưỡng trên du thuyền, khách sạn đắt đỏ...) đến mức họ bắt đầu tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo hơn, nhiều trong số đó liên quan đến một mức độ rủi ro”, Anderson nói với New York Times.
Ngoài ra, người thành công có xu hướng theo đuổi, chinh phục những điều khó có người làm được, đặc biệt là lĩnh vực mạo hiểm, họ không có chút kinh nghiệm nào, như chuyến lặn thám hiểm xác tàu Titanic.
Sức hấp dẫn "chết người" của tàu Titanic
"Titanic thật đẹp, dù giờ đây chỉ là xác tàu hoen gỉ. Nó như nam châm hút mọi người đến dù chễm chệ ở độ sâu 3.800 m từ 111 năm trước. Dù đụng phải tảng băng trôi và chìm sâu, sức hấp dẫn của Titanic không hề lụi tàn", India Today bình luận.
Câu hỏi là nó có gì để thu hút giới siêu giàu bỏ tiền chiêm ngưỡng?
Xác tàu Titanic được tìm thấy năm 1985 bởi nhà thám hiểm Robert Ballard của National Geographic và nhà hải dương học người Pháp Jean-Louis Michel. Từ đó, nhiều nhà nghiên cứu lặn sâu dưới đáy đại dương để thám hiểm và săn kho báu.
Deep Ocean Expeditions, Anh là một trong những công ty đầu tiên bán vé chuyến đi xem tàu Titanic năm 1998 với mức giá 32.500 USD. James Cameron, đạo diễn bộ phim bom tấn Titanic năm 1997, cũng đã đến thăm địa điểm đắm tàu sâu và tối tăm.
Trả 250.000 USD để ngắm vẻ đẹp chết người của tàu Titanic.
Để hình dung độ sâu của xác tàu, kỷ lục lặn với bình dưỡng khí là sâu 330 m, trong khi cá nhà táng chỉ đến dưới độ sâu 2.250 m. Trong khi đó, tàu lặn Titan do Ocean Gate vận hành lại đi đến độ sâu gần 4.000 m.
Theo chuyên gia, hành trình xuống đáy biển sâu tới 4.000 m không phải chuyện đùa. Thợ lặn phải mặc quần áo chuyên dụng, sử dụng hỗn hợp khí heli để lặn khoảng vài trăm mét so với mặt nước biển.
Khi xuống sâu hơn, ánh sáng mặt trời không xuyên qua được. Vùng nước trở nên lạnh lẽo và tối tăm. Áp suất ở độ sâu như vậy hoàn toàn đè bẹp bất cứ thứ gì, kể cả tàu Titan.
Hành khách biết mọi nguy hiểm khi thám hiểm xác tàu, đồng ý ký vào giấy miễn trừ trách nhiệm vì "có thể chết bất cứ lúc nào", tàu Titan không có khoang thoát hiểm, cửa không thể mở từ bên trong. Vì vậy, chuyến đi giá 250.000 USD được cho là "sức hấp dẫn chết người".
"Lần đầu nhìn thấy tàu, phản ứng của tôi hơn những gì mình mong đợi. Tôi ngạc nhiên trước vẻ đẹp của xác tàu đắm. Nó không còn là câu chuyện trong lịch sử nữa mà tôi đang chứng kiến", Richard T, người tham gia chuyến hành trình năm 2022 của OceanGate, chia sẻ trên trang web của công ty.
Một người tham gia khác lại nói thấy một số mảnh vỡ, đồ đạc gì đó trên xác tàu.
"Khi đi tàu xuống, chúng tôi nhìn phía dưới thông qua ánh đèn chùm và phát hiện các viên pha lê", một phụ nữ trong đoàn thám hiểm xác tàu Titanic nói.
Tàu lặn Titan chở 5 người thám hiểm xác tàu Titanic dưới đáy đại dương mất liên lạc ngày 18/6. Bốn ngày sau, Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cho biết phương tiện điều khiển từ xa (ROV) phát hiện các mảnh vỡ cách tàu Titanic khoảng gần 500 m. Chuẩn đô đốc John Mauger nói đã có vụ nổ thảm khốc xảy ra do sốc áp suất. Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ mở cuộc điều tra về nguyên nhân vụ tai nạn. Đại úy Jason Neubauer, cho biết họ hy vọng thu hồi được các mảnh vỡ Titan, đề phòng trường hợp tìm thấy thi thể, mặc điều đó khó xảy ra. Chuyên gia phân tích hành khách khả năng cao chết sau khi tàu phát nổ. Danh tính 5 nạn nhân thiệt mạng trong vụ tàu lặn Titan phát nổ gồm cha con tỷ phú người Pakistan Shahzada Dawood, tỷ phú người Anh Hamish Harding, Stockton Rush - nhà sáng lập kiêm CEO OceanGate, đơn vị vận hành chuyến đi - và nhà thám hiểm người Pháp Paul-Henri Nargeolet. |
Theo Tiền Phong