7 ngày trước khi đến gặp bác sĩ cô gái phát hiện nhiều mụn nhỏ li ti kèm cảm giác ngứa ở má. Khó chịu Mai tự dùng kim chọc mụn, rồi đắp thuốc đông y để hút mủ. Tuy nhiên, tình trạng mụn của cô không thuyên giảm mà còn nghiêm trọng hơn. Mai sốt nhẹ, nửa mặt sưng phù, mụn mủ lan rộng khắp vùng mặt, đặc biệt là mắt và mũi.
Không từ bỏ hy vọng tự chữa trị, cô gái 24 tuổi tiếp tục mua thuốc giảm viêm, giảm đau, sử dụng thêm thuốc nam để hút mủ. Sau hai ngày tự điều trị cho mình, vùng má, mắt của Mai sưng to, căng tức, kèm cảm giác đau nhức không ngừng, khiến cô mất ngủ, mệt mỏi, phải tìm đến bác sĩ.
Qua thăm khám, bác sĩ nhận thấy cô gái bị áp xe nghiêm trọng ở vùng má phải, sưng nề lan rộng đến vùng trán, mắt phải.
Vùng mặt của bệnh nhân nổi lên cục áp xe lớn đầy máu, mủ.
Áp xe da thường có các biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, có thể dẫn đến hoại tử vùng da, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Bác sĩ thực hiện các thủ thuật dẫn lưu mủ, vệ sinh vùng da tổn thương hàng ngày cho cô gái. Đồng thời, bệnh nhân được điều trị bằng laser và ánh sáng để giảm viêm hạn chế nguy cơ để lại sẹo, kết hợp với thuốc bôi kiểm soát tình trạng viêm nhiễm. Sau một tuần điều trị tích cực, khuôn mặt của Mai hết sưng đỏ, mủ được loại bỏ.
BSCKII Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam, cảnh báo việc tự ý nặn mụn tại nhà, đặc biệt là ở vùng giữa mặt và mũi, có thể dẫn đến những hậu quả như nhiễm trùng, áp xe lan rộng, thậm chí là nhiễm khuẩn huyết đe dọa tính mạng.
Bác sĩ khuyến cáo, khi mụn xuất hiện kèm dấu hiệu sưng, nóng, đỏ, đau, bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được thăm khám, điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nặng.
"Chúng ta không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị", bác sĩ Thành nói và cho biết, để giảm thiểu nguy cơ nổi mụn và nhiễm khuẩn da, bác sĩ khuyên mọi người nên vệ sinh da sạch sẽ và thường xuyên, tránh tự ý nặn mụn khi chúng còn sưng đau, hạn chế đưa tay lên mặt.
Theo Vtcnews