Dài 50 km, vắt qua 2 tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận, con đường mòn Tà Năng - Phan Dũng được xem là cung trekking (đi bộ đường dài) đẹp nhất Việt Nam.

Đọc lời giới thiệu, bắt gặp cụm từ khóa "đẹp nhất Việt Nam" cùng những bức ảnh long lanh của những người đi trước, nhóm chúng tôi (hầu hết là nữ) như bị mê hoặc và quên đi mất cụm từ khóa chính, không kém phần quan trọng: dài 50 km.

Tại sao mình lại ở đây?

Sau chuyến xe đêm đi từ TP. HCM, mặt trời vừa lên thì chúng tôi có mặt ở xã Tà Năng (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) để khởi hành. Cuối năm, bầu trời cao nguyên trong vắt, tiết trời lành lạnh hứa hẹn một ngày ngát xanh.

Bước chân rộn rã đi qua những con đường mòn len trong ruộng rẫy, những cánh rừng thông và những vạt cỏ hồng còn đọng sương, chúng tôi ai nấy đều nghe như trong lòng vang khúc hoan ca.

Càng về trưa, trời vẫn còn rất đẹp với những trận gió ào ạt làm dịu cái nắng đã bắt đầu chói chang. Nhưng kèm theo đó là những con dốc cao như chạm trời khiến khúc hoan ca lịm dần theo những tiếng thở phì phò mệt nhọc. Đi dưới rừng thông cổ thụ cao vòi vọi nhưng hình như chẳng ai có tâm trí để thưởng thức thiên nhiên.

Cắm mặt rướn chân, đu vào những rễ thông nổi chằng chịt, tôi khó nhọc leo lên từng con dốc và nghe cảm giác hối hận dần len vào lòng: "Tại sao mình lại ở đây, tại sao phải khổ như thế này?". Đó là thứ cảm giác thường thấy của những tay phượt nghiệp dư, thích "sống ảo" nhưng ngại hành xác.

Tà Năng, bạn muốn đi lần nữa?-1
Đường Tà Năng - Phan Dũng mùa cỏ úa

Bắt đầu từ lúc này, chúng tôi mới lờ mờ nhớ ra cụm từ "dài 50 km" và cứ thi thoảng lại có người hỏi Trung - anh chàng dẫn đoàn: "Mình đi được bao nhiêu km rồi hả em".

Trung, mới 25 tuổi, có kinh nghiệm dẫn đoàn đi Tà Năng - Phan Dũng hơn 10 lần vừa kiên nhẫn trả lời các chị, vừa nói những lời động viên nghe rất phấn khởi: "Ráng một chút nữa tới điểm nghỉ trưa, ăn cơm, mát lắm chị; ráng một chút nữa mình tới đồi cỏ cháy tha hồ mà sống ảo; ráng một chút nữa để tới nơi kịp dựng lều, ngắm hoàng hôn...".

Thật ra những lời "dụ dỗ" đó chẳng có tác dụng gì với những đôi chân mỏi nhừ. Nhưng đã leo lên Tà Năng, không ráng thì chẳng lẽ ngồi lại giữa rừng xanh núi thẳm?

Tôi không nhớ mình đã trèo, bò qua bao nhiêu ngọn đồi, con dốc mà chỉ nhớ mình tâm niệm một câu duy nhất: "Đây là chuyến trekking cuối cùng!".

Tình chỉ đẹp khi ngồi nhìn lại

Nhưng lời hứa gió bay, nhất là khi về lại đô thị ồn ào, nhìn lại những tấm hình mình đã "ráng chụp cho được dù mệt muốn chết". Lúc đó, chuyến đi hành xác rã rời sẽ nhường chỗ cho những ký ức đẹp lịm người.

Đó là bữa ăn trưa đơn giản dưới tán rừng thông mát rượi. Là những ngọn đồi vàng tươi màu cỏ úa nối tiếp nhau in trên nền trời xanh nhức mắt. Là con đường mòn vẽ đường nét dịu dàng vắt qua những vạt cỏ lau bạc màu phất phới.

Là buổi hoàng hôn nắng vàng như mật, tối không trăng để mặc dải ngân hà dát bạc trên bầu trời đen kịt, sớm bình minh lạnh buốt ngồi ôm tách cà phê bốc khói nóng hổi...

Tà Năng, bạn muốn đi lần nữa?-2
Một đỉnh dốc cao vòi vọi như chạm trời xanh

Và dù chẳng có bức hình nào ghi lại được nhưng chúng tôi không thể nào quên cái gió bạt ngàn của Tà Năng mùa cỏ úa. Cái gió khiến rừng thông tấu lên những khúc nhạc lúc rì rầm êm dịu, lúc ồn ào rượt đuổi, nôn nao.

Rồi khi lướt qua những ngọn đồi trống, gió tạo sóng trào trên cỏ và chỉ chực cuốn quăng đám người thành thị lăn xuống triền đồi. Đêm ngủ, gió cũng không tha, quần thảo điên cuồng quanh lều khiến trong giấc mộng tôi thấy mình cùng gió chu du qua ngọn đồi kế bên.

Tà Năng - Phan Dũng là cung trekking đẹp nhất Việt Nam. Với tôi, dùng từ "đẹp" thôi chưa đủ mà phải gọi là "chất" nhất. Chất từ cảnh trí, khả năng hành xác đến sự thăng hoa của cảm xúc.

Đi trên Tà Năng - Phan Dũng, bạn sẽ biết đâu là giới hạn của mình và làm thế nào để vượt qua nó. Ở đây, bạn sẽ thấy đời sống và những lo toan hằng ngày xét cho cùng chỉ như gió, đến rồi đi...

Nếu mình đứng thẳng, trụ chân, gió tràn qua, để lại cảm giác tươi mát, hưng phấn đến rực lòng. Nếu mình ngồi hay nằm xuống trên cỏ, gió khi đó là một đặc ân cùng với trời xanh, mây trắng, mùi cỏ ngai ngái vuốt ve êm dịu... 

Theo Người lao động