Tấm ảnh nạn nhân Syria 3 tuổi chết bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ gây chấn động dư luận. Ảnh: IndependentTấm ảnh nạn nhân Syria 3 tuổi thiệt mạng bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ gây chấn động dư luận. Ảnh: Independent

Zing.vn giới thiệu quan điểm của phóng viên Nick Ut về bức ảnh cậu bé Syria gây chấn động dư luận thế giới các ngày gần đây: 

Tôi đã xem bức ảnh này, một em bé nằm úp mặt bất động trong dòng nước biển. Đối với tôi, đây là bức hình rất đau buồn. Nó cũng rất quan trọng đối với báo chí.

Một số nhà báo nước ngoài đã hỏi chuyện tôi, vì sao tấm ảnh Em bé Napalm năm xưa được đăng trong khi bức hình bé trai Syria lần này gây tranh cãi về chuyện đăng hay không. 

Đối với tôi, hai tấm ảnh có nhiều điều tương tự. Hoàn cảnh của Kim Phúc là một hiện thực của chiến tranh ở Việt Nam. Còn cậu bé Syria là một trong rất nhiều người phải rời khỏi đất nước chìm trong nội chiến để đi tị nạn. Cả hai bức ảnh đều để lại cảm xúc đau buồn cho người xem.

Những người phản đối đăng ảnh cô Kim Phúc của tôi năm xưa viện lý do rằng, cô bé hoàn toàn khỏa thân trong hình. Tuy nhiên, sau đó họ đã bị thuyết phục rằng, đây là hình ảnh về nạn nhân chiến tranh và cần phải sử dụng.

Phóng viên ảnh Nick Ut bên bức hình Em bé napalm. Ảnh: VICE
Phóng viên ảnh Nick Ut bên bức hình Em bé Napalm. Ảnh: VICE

Do vậy, hoàn cảnh của bức ảnh nạn nhân Syria 3 tuổi cũng tương tự tấm hình Em bé Napalm năm xưa. Việc đăng hay không đăng ảnh em bé Syria lần này tiếp tục là một chủ đề gây tranh cãi trong giới báo chí phương Tây.

Một số tòa soạn ngần ngại sử dụng khi cân nhắc đến phản ứng của công chúng. Khi chứng kiến thảm cảnh của những người di cư từ Trung Đông, rất nhiều người dân đã phản đối chính phủ các nước châu Âu, chất vấn lãnh đạo của họ rằng, vì sao chính quyền không giúp đỡ những người tị nạn.

Những người ủng hộ đăng tải các bức ảnh như Em bé Napalm hoặc cậu bé Syria đều có mục đích là phơi bày sự thật kinh hoàng mà phần lớn người dân thế giới không biết đến. Qua đó, họ mong muốn những bi kịch như này sẽ không tái diễn. 

Tôi cho rằng, bức ảnh này cần được đăng tải trên báo chí chân thực nhất, không cần qua xử lý, để người dân khắp thế giới đều được biết đến. Đối với tôi, bức ảnh không quá ghê rợn nhưng để lại cảm xúc rất đau thương và các báo cần sử dụng.

Hãy nhìn lại vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 ở nước Mỹ. Những hình ảnh như một người nhảy từ tầng cao của tòa tháp để thoát thân và sau đó tử nạn cũng được truyền thông đăng tải. Vậy tại sao tấm ảnh em bé Syria này lại không? 

Vì vậy, tôi cho rằng bức ảnh cần được sử dụng, báo chí không cần che giấu nó. Nhiều đồng nghiệp chia sẻ quan điểm này của tôi. Họ ủng hộ các báo đăng ảnh về nạn nhân di cư Syria vì nó giúp thế giới hiểu rõ về thảm cảnh của người Syria tị nạn rõ ràng nhất.

Hiện tại, một số báo vẫn ngần ngại sử dụng tấm ảnh gốc. Tuy nhiên, tôi tin rằng rồi họ cũng sẽ đăng bức ảnh đầy đủ nhất. Họ không thể nào bỏ qua tấm hình vì tính quan trọng của nó.

Theo Zing