Mới đây, cộng đồng mạng đăng tải những bức ảnh trong đó một số nghệ sĩ nổi tiếng ký tên lên một bức tranh. Bức ảnh được chụp tối 30/8, trong đêm nhạc “Tình nghệ sĩ” nhằm gây quỹ hỗ trợ 2 diễn viên Lê Bình và Mai Phương bị ung thư phổi.
Ngoài biểu diễn nghệ thuật, chương trình có bán đấu giá từ thiện. Trong số các vật phẩm đấu giá là bức tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình được quyên góp từ một nhà hảo tâm giấu tên. Người này nhờ Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên đứng ra đấu giá, thu về 200 triệu đồng.
Sau khi đấu giá xong, các nghệ sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên ký tên lên mặt trước bức tranh. Hình ảnh này lan truyền rộng rãi trên mạng, chịu sự chỉ trích nặng nề từ giới mỹ thuật.
"Dù không cố ý, nhưng ký tên lên tranh là hủy hoại tác phẩm"
Họa sĩ Lê Thiết Cương nói anh không ở trong chương trình nghệ thuật khi sự việc diễn ra, nhưng qua những hình ảnh trên mạng thì thấy việc ký tên lên tranh là “việc không hay”.
“Về mặt văn hóa, đó là việc không nên. Nó chẳng khác gì việc người ta ký, vẽ linh tinh, viết bậy lên các di tích”, họa sĩ Lê Thiết Cương so sánh.
Các nghệ sĩ trong buổi từ thiện bên bức tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình. Ảnh: FB
Với anh, làm biến dạng bản gốc tác phẩm là một hành động phạm pháp. Anh phân tích: Cho dù bạn mua bức tranh đó, mục đích rất tốt để làm từ thiện, nhưng bạn nên nhớ khi bạn sở hữu tranh, bạn có thương quyền chứ không có bản quyền. Thương quyền là bạn mua bức tranh đó 10 đồng, khi bán lại bạn có thể hoàn toàn bán 10 đồng, 20 đồng mà không phải trả thêm đồng nào cho tác giả. Tác quyền là chuyện khác, đó là quyền của tác giả sinh ra tác phẩm.
Trước đây, có một số trường hợp tranh bị ký tên lên, vi phạm tác quyền, như trường hợp tác phẩm của họa sĩ Thành Chương bị tẩy chữ ký, bị làm giả chữ ký của Tạ Tỵ (một họa sĩ Đông Dương danh tiếng) rồi ký đè lên trên. Hoặc gần đây, nhà đấu giá Chọn có đưa ra đấu giá bức tranh vốn của một sinh viên mỹ thuật, nhưng ký lên đó chữ ký của họa sĩ Vũ Giáng Hương.
Cả hai trường hợp trên đều vi phạm quyền tác giả, tuy nhiên họ cố tình làm giả, cố tình vi phạm. Còn trường hợp ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên ký lên (theo đề nghị của người mua bức tranh muốn xin chữ ký của hai ca sĩ nổi tiếng như lời các ca sĩ phản hồi trên báo chí) là một sự vô tình. Hai ca sĩ không cố ý vi phạm, làm hỏng hay hủy hoại tác phẩm.
“Có một lý do có thể thông cảm, là các ca sĩ đã thiếu kiến thức trước tác phẩm nghệ thuật. Họ là nghệ sĩ ‘tên tuổi’. Nhưng tên tuổi không có nghĩa là sự bảo đảm cho phông văn hóa của ai đó”, Lê Thiết Cương nói.
Trước một luồng ý kiến cho rằng người bỏ tiền ra mua bức tranh, họ muốn làm gì với tranh thì làm; họa sĩ Lê Thiết Cương đánh giá suy nghĩ như vậy là thiếu văn hóa. “Nếu chủ sở hữu bức tranh đó hâm mộ nghệ sĩ, muốn nghệ sĩ ký lên tranh, thì người chủ sở hữu cũng thiếu kiến thức, thiếu văn hóa. Anh không biết thì anh mới có đề nghị, hành động như vậy”.
Lê Thiết Cương cho rằng, trong giới họa sĩ trong đó có anh đều thận trọng khi đặt chữ ký lên một tác phẩm. Anh kể: “Không phải tất cả tranh, nhưng đôi ba bức có bố cục chặt tới mức chỉ cần thêm một chữ ký nhỏ màu đen cũng làm hỏng tranh, nên tôi phải ký vào mặt sau bức tranh”.
Từ sự việc các nghệ sĩ ký tên lên bức tranh, nhìn rộng ra câu chuyện tiếp nhận nghệ thuật, họa sĩ Lê Thiết Cương bình luận: “Đó là nghệ sĩ, có tên tuổi trong xã hội mà còn như thế, với số đông trong xã hội thì sao?”
Theo anh, văn hóa nói chung trong đó có nghệ thuật là một quá trình cực kỳ dài. Anh nói: “Người ta có thể đá vào một cái túi, trong đó có cục vàng, ngày mai trở thành người cực kỳ giàu. Nhưng riêng văn hóa, không bao giờ bắt được cái túi chứa đầy văn hóa mà trở nên có văn hóa ngay được”. Muốn có văn hóa, phải tích lũy từng li từng tí một, từ mẫu giáo, lên tiểu học, trung học, phải sống, nghe, đọc…
Xử lý xâm phạm hay không phụ thuộc vào tác giả tranh
Khi những bức tranh các ca sĩ ký vào tranh lan truyền trên mạng, nhiều người trong giới mỹ thuật bức xúc. Đối với họ việc bảo vệ toàn vẹn tác phẩm là rất thiêng liêng. Một số người dẫn luật sở hữu trí tuệ ra và cho rằng việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên ký tên lên tranh là vi phạm quyền nhân thân, đề nghị xử lý.
Trong ảnh, ca sĩ Lệ Quyên ký tên vào tranh. Theo luật sư, xử lý xâm phạm hay không phụ thuộc rất lớn vào họa sĩ sáng tác ra bức tranh. Ảnh: FB.
Luật sư Sở hữu trí tuệ Tám Trần - Công ty IPCom Việt Nam - nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý. Luật sư cho rằng trong số các quyền nhân thân của tác giả thì có quyền nhân thân vĩnh viễn thuộc về tác giả, không thể chuyển giao cho người khác.
Điều này có nghĩa mặc dù tác giả có thể bán tác phẩm của mình đi (trao quyền kinh tế cho người khác) thì quyền nhân thân gắn với tác giả vẫn không thay đổi, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là loại quyền nhân thân như vậy.
Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ quy định quyền nhân thân của tác giả bao gồm quyền: “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.
Tuy nhiên, như thế nào là gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả là khái niệm gây nên nhiều tranh luận mà đa phần phụ thuộc vào chính tác giả của tác phẩm đó, nói nôm na là tác giả có cho phép hay không, dù tác phẩm đã được bán đi (chuyển nhượng quyền kinh tế).
Trong trường hợp sự việc này, một số họa sĩ có đề cập đến việc xử lý xâm phạm. “Theo tôi, việc xử lý xâm phạm phụ thuộc rất nhiều vào họa sĩ Hứa Thanh Bình - tác giả của bức tranh bị các nghệ sĩ ký tên lên - bởi đây là một loại quyền dân sự, phải có yêu cầu thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới xử lý xâm phạm được”, luật sư nói.
Theo Zing