Viện KSND vừa TPHCM đã ban hành cáo trạng, truy tố bị can Đặng Thị Hàn Ni (46 tuổi, luật sư, nhà báo) và Trần Văn Sỹ (66 tuổi, luật sư) về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bà Hàn Ni tại phiên tòa xét xử bà Phương Hằng (Ảnh: Hải Long).
Kết quả điều tra xác định, bà Đặng Thị Hàn Ni và Trần Văn Sỹ lợi dụng các quyền tự do dân chủ, thực hiện nhiều buổi livestream (phát trực tiếp) trên không gian mạng vi phạm các điểm a, b, khoản 3, Điều 16; điểm b, khoản 1, Điều 17 Luật An ninh mạng năm 2018 (xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác, thông tin sai sự thật, bịa đặt) và điểm d, khoản 1, Điều 5 Nghị định số 71/2013/NĐ-CP (đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của người khác).
Cơ quan tố tụng xác định hành vi trên của bà Ni, ông Sỹ đã xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội. Hành vi này chỉ bị xử lý về 1 tội danh và các bị can đã bị khởi tố về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích của các tổ chức, cá nhân nên không có căn cứ để xem xét xử lý thêm các tội Làm nhục người khác và Vu khống.
Tại cơ quan điều tra, bà Ni khai lý do phạm tội là bà Nguyễn Phương Hằng đã ghi hình phát trực tiếp trên mạng xã hội có những lời lẽ xúc phạm bà Ni.
Do đó, bà Ni đã ghi hình phát vào ngày 3/9/2021 để phản biện lại những nội dung bà Phương Hằng nói không đúng về mình như tống tiền doanh nghiệp, phản động, bồ của ông Tất Thành Cang…
Nữ bị can này khai những phát ngôn trên nói đến thông tin cá nhân liên quan đời tư của bà Hằng là căn cứ vào một phần thông tin và nội dung trong các bài báo chính thống đã được đăng về bà Nguyễn Phương Hằng nên bà Ni không tự kiểm chứng, không cần hỏi ý kiến bà Hằng và không cần sự chấp thuận của cơ quan báo chí.
Hồ sơ vụ án thể hiện, từ tháng 9/2021 đến tháng 2/2022, Trần Văn Sỹ sử dụng tài khoản YouTube "LS Trần Văn Sỹ"; Đặng Thị Hàn Ni sử dụng tài khoản YouTube và Facebook "Nhà Báo Hàn Ni" để đăng bài, tổ chức nhiều buổi ghi hình phát trên mạng xã hội có nội dung sai sự thật, nhằm xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, uy tín của ông Huỳnh Uy Dũng và vợ là Nguyễn Phương Hằng. Việc này xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty cổ phần Đại Nam (Bình Dương) và Quỹ từ thiện Hằng Hữu.
Ngoài hành vi bà Hàn Ni, ông Sỹ, cơ quan tiến hành còn tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi của một số người chủ các tài khoản Facebook và Youtube.
Theo đó, đối với các tài khoản Facebook tên "Huỳnh Ngọc Thiên Hương", "Đàm Ngọc Tuyên", "Xóm Nhiều Chuyện", "Giác Tịnh Nhân", "Maria Trần", "Đinh Thu Hiền", "Vô Thường", "Đinh Lan", các tài khoản YouTube tên: "Kim Mao TV Hoàng Ngọc", "Hot News", "Happy Media", "Lan Đinh"… Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM tiếp tục điều tra, xác minh và thu thập thêm các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của những người trên để xử lý theo quy định pháp luật.
Từ đó, bà Nguyễn Phương Hằng làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng. Sau đó, nhà chức trách vào cuộc tới tháng 2/2022, bà Ni và ông Sỹ bị khởi tố, bắt tạm giam.
Về việc bà Nguyễn Phương Hằng có những phát ngôn xúc phạm bà Hàn Ni và nhiều người, vụ án đã được TAND TPHCM xét xử sơ thẩm. Theo đó, bà Hằng bị phạt 3 năm tù về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Sau bản án sơ thẩm trên, chỉ có Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo và đang thụ án tại một trại giam trên địa bàn tỉnh Bình Dương. |
Theo Dân Trí