Xin được lược dịch ý kiến của cây bút Michelle Chen trên trang The Nation về vấn đề có nên đổi iPhone mới hay không?
Tôi dám cá rằng mọi người đang đọc bài viết này trên những chiếc smartphone, tablet hoặc laptop đã được mua mới, thay đổi hàng chục lần.
Tất nhiên, những thiết bị điện tử bạn đã đầu tư hàng đống tiền ấy sau một khoảng thời gian nhất định, hiệu suất của chúng bỗng dưng sụt giảm đáng kể và việc nhờ cậy các hãng công nghệ sửa chữa là lẽ đương nhiên.
Cho phép người dùng sửa chữa smartphone vô tình làm giảm doanh thu các tập đoàn công nghệ. Ảnh: TheNation.
Nhưng điều duy nhất trong tâm khảm của những tập đoàn công nghệ lớn kia là làm cách nào để có thể cho ra nhiều sản phẩm mới và hiện đại hơn nữa, với dòng đời ngắn đủ để người dùng chịu chi tiền.
May mắn thay, một phong trào quốc tế được khởi xướng bởi những kĩ sư công nghệ cao lành nghề với mong muốn thay đổi cái cách mà nhiều tập đoàn hiện nay thâu tóm người dùng. Họ khuyến khích và giúp đỡ tín đồ công nghệ cao sửa chữa sản phẩm, thay vì mua mới hoàn toàn.
Tôn chỉ của phong trào xoay quanh việc biến người tiêu dùng trở thành nhà sản xuất của chính thiết bị họ đang sử dụng. Cụ thể, các tín đồ công nghệ sẽ được cung cấp nhiều kĩ năng cũng như công cụ sửa chữa thiết bị di động cần thiết.
Phương pháp "tái chế nâng cấp" giải quyết nhiều vấn đề lãng phí tài nguyên. Ảnh: TheNation.
Phương pháp này giúp giải quyết triệt để nhiều vấn đề tồn đọng như việc lãng phí tài nguyên mà các tập đoàn công nghệ gây ra.
Chúng ta ắt hẳn đã từng nghe qua nhiều quy trình tái chế sản phẩm công nghiệp, nhưng thực chất tất cả chúng đơn giản chỉ là quá trình loại bỏ rác thải từ nơi này ra khỏi nơi khác và chỉ có tác dụng hiện thời.
Phương pháp "tái chế nâng cấp" ra đời cho phép loại bỏ hoàn toàn vấn đề lãng phí nguyên vật liệu, thay đổi cách vận hành của những chuỗi cung ứng sản phẩm theo hướng đi tiết kiệm.
Vấn đề đặt ra ở đây là, phong trào "tái chế nâng cấp" này vô tình đi ngược và có phần chống đối chính sách "hút máu" của nhiều tập đoàn công nghệ khổng lồ, vốn dĩ đều được chống lưng bởi nền kinh tế tư bản độc quyền lạc hậu.
Tư tưởng chế tạo ra càng nhiều smartphone hay các đồ chơi công nghệ tích hợp hằng hà sa số chức năng tiên tiến với mục đích độc chiếm thị trường nhưng đoản thọ đã không còn phù hợp với thời điểm này, khi người dùng đang dần mất lòng tin vào các nhà sản xuất. Thế thì tại sao không tái chế?
Hình ảnh của một nhà máy tái chế smartphone. Ảnh: TheNation.
Bên cạnh đó, việc thay đổi tâm thức các nhà sản xuất và đặt họ trên phương diện của người dùng cũng cần thiết. Có nhiều sản phẩm công nghệ tích hợp nhiều phần mềm độc quyền ngăn chặn người dùng tự ý thay thế, sửa chữa mà không có sự cho phép từ nhà sản xuất.
Hầu như tất cả các thiết bị công nghệ hiện nay đều bị ảnh hưởng bởi những điều khoản bản quyền vô lý, từ các thiết bị di động cho đến nhiều thiết bị gia dụng hàng ngày.
Tổ chức The Repair Association ra đời trong lúc phong trào "tái chế nâng cấp" lan rộng khắp thế giới, tập hợp một đội ngũ gồm nhiều kĩ sư tình nguyện từ dân chuyên nghiệp cho đến người tìm hiểu chỉ vì sở thích. Tổ chức hoạt động tích cực nhằm mở rộng chính sách Fair Repair vốn được áp dụng ở nhiều bang, đề nghị các tập đoàn công nghệ chia sẻ thông tin và cho phép chủ nhân sản phẩm có toàn quyền sửa chữa.
Đương nhiên, tất cả những gì đụng chạm đến quyền lợi của chính các tập đoàn, ảnh hưởng đến lợi nhuận đều sẽ bị loại bỏ. Tuy nhiên, đối với một thương hiệu lớn và "định hướng xã hội" như Apple, việc tạo ra sản phẩm nhằm tận thu lợi nhuận từ người dùng nhưng lại ngốn quá nhiều linh kiện, nguyên liệu từ chính sách sửa chữa của hãng làm người dùng ngày càng xa lánh.
Trong những năm gần đây, nhiều nhà sản xuất thiết bị di động dường như đã nhận thức được vấn đề, họ "phủ xanh" nhãn hàng của bản thân bằng cách cho ra mắt nhiều sản phẩm có thể tái chế dễ dàng, bao gồm nhiều chiến dịch thu nhập thiết bị cũ sau đó xử lý chúng thành nguyên vật liệu thô.
Tuy nhiên, cái mác sản phẩm "chuẩn xanh" mà các tập đoàn công nghệ gán ghép cho sản phẩm của họ chỉ là một cách đánh lạc hướng người dùng khỏi chỉ trích việc các sản phẩm có tuổi thọ ngắn ngủi ra mắt tràn lan.
"Tôi không hiểu tại sao việc tái chế, biến đổi một thiết bị còn y nguyên thành một đống nguyên vật liệu thô lại được xem là món hời. Quá trình này chẳng khác gì tự thừa nhận sản phẩm có độ bền kém. Trong khi cái mà người dùng cần là một sản phẩm đủ khỏe để họ gắn bó lâu bền, hoặc đủ bền để họ có thể truyền lại cho người khác cần hơn", Gay Gordon- Byrne, đồng sáng lập tổ chức Repair Association cho biết.
Chia sẻ các thông tin và cách sửa chữa sản phẩm làm người dùng linh động hơn trong việc sử dụng sản phẩm. Ảnh: TheNation.
Theo bản phân tích của tổ chức MacArthur Foundation, kéo dài tuổi thọ smartphone trong mô hình kinh tế tuần hoàn kiểu mẫu mang lại lợi ích về kinh tế và môi trường: sửa chữa và tái sử dụng 95% tổng lượng sản phẩm thải hồi sẽ ngăn chặn 3 triệu tấn khí carbon thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, toàn bộ thị trường cung ứng smartphone cả Châu Âu dựa vào các tập đoàn linh kiện ở châu lục khác, tận dụng nguyên liệu có sẵn giúp tiết kiệm hơn 2 tỷ USD tiền xuất nhập khẩu.
Các tập đoàn công nghệ đều biện minh về những sản phẩm khó thay thế, sửa chữa của mình là để ngăn chặn nguy cơ xâm phạm, đánh cắp thông tin. Nhưng tổ chức Repair Asscociation cho rằng mục đích của họ chẳng có gì tốt đẹp ngoài thu được lợi nhuận nhiều nhất có thể.
"Các nhà sản xuất có xu hướng ngăn chặn người dùng khỏi việc tự sửa chữa smartphone của họ, bởi vì điều này sẽ làm giảm doanh số bán hàng. Tuy nhiên, theo từng giai đoạn, họ lại tìm cách giảm chi phí sản xuất sản phẩm mà không cần phải tái chế, điều này khá là mâu thuẫn", Godorn-Byrne cho hay.
Repair Association còn cho rằng phương pháp tái chế đúng đắn và tiết kiệm nhất là chế tạo ra sản phẩm có tuổi thọ cao hoặc cho phép người dùng toàn quyền sửa chữa thiết bị của họ, chứ không phải đổ tiền vào đầu tư các dây chuyền tái chế một cách lãng phí.
Để thực hiện phương thức trên, các nhà sản xuất có thể đơn giản hóa thiết kế, đặc biệt là cho phép thay thế các cục pin sạc, hoặc cung cấp hướng dẫn đơn giản và chi tiết về cấu tạo của thiết bị.
Đã có một vài nhà sản xuất đồng tình với phong trào trên. Fairphone, một nhãn hiệu chế tạo smartphone thân thiện với môi trường và tuân thủ theo kinh tế tuần hoàn. Công ty tập trung vào các thiết bị có thể thay thế và sửa chữa cũng như khả năng thải khí carbon ít nhất trong quá trình tái chế.
Xem người dùng như một công cụ gây lợi nhuận là điều mà tập đoàn nào cũng hướng tới, nhưng làm thế nào cho chính xác mà không làm mất lòng họ là điều không phải ai cũng làm được. Cách đơn giản nhất là hãy cho phép người dùng toàn quyền sử dụng sản phẩm mà họ đã bỏ tiền ra mua.
Cụ thể, việc để người dùng thoải mái mày mò sửa chữa các thiết bị còn giúp họ làm giàu kĩ năng công nghệ thông tin từ đó dẫn đến nhiều cơ hội công việc tiềm tàng. Các ngành tự động hóa trong hệ thống giáo dục có khả năng được củng cố và nâng cấp vì số lượng người có nhu cầu tự sửa smartphone càng gia tăng.
Theo Zing