Sáng 12/7, 5 ngày sau khi xảy ra án mạng khiến 6 người ở huyện Chơn Thành (Bình Phước) thiệt mạng, phía Công ty Quốc Anh có gọi công nhân làm việc tại đây đến họp.

Theo một công nhân, đến nay công ty vẫn chưa thể hoạt động trở lại nên công nhân có thể tạm nghỉ hoặc tìm việc khác. "Nếu không tìm được việc, phía công ty sẽ giới thiệu. Khi nào hoạt động, mọi người có thể quay lại làm việc bình thường", nam công nhân nói sau buổi họp.

Dẫn giải nghi can Nguyễn Hải Dương từ trụ sở công an huyện Chơn Thành về cơ quan CSĐT công an tỉnh Bình Phước. Ảnh: Pháp luật TP HCM.

Những công nhân làm việc ở Công ty Quốc Anh đều nhận xét ông, bà chủ doanh nghiệp là người tốt. Họ luôn lo lắng cho cuộc sống của công nhân và trả lương thưởng đầy đủ.

Nhắc đến vụ thảm án, anh Minh (đề nghị đổi tên ) - người làm lâu năm trong công ty kể, anh có nhiệm vụ chở gỗ thành phẩm cho ông chủ vào khoảng 3-4h hàng ngày. Sớm 7/7, anh nhận được cuộc điện thoại của bà chủ Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (45 tuổi) với nội dung: "Giờ đừng đến nữa, 7h hãy đến" rồi cúp máy.

"Giọng bà Nga lúc đó khá bình thường, không có biểu hiện đang bị khống chế", người tài xế nói.

Sáng ra, nhân chứng này mới hay tin ông bà chủ cùng 4 thành viên trong gia đình bị sát hại. Anh tỏ ra bất ngờ khi hung thủ gây án là Nguyễn Hải Dương (bạn của nạn nhân Lê Thị Ánh Linh, 22 tuổi, con gái bà Nga) cùng một đồng phạm khác.

Minh cho biết, anh từng gặp Dương vài lần tại ngôi nhà xảy ra thảm án và nhận thấy nghi can này là người hiền lành, ít nói. Dương nhiều lần được vợ chồng chủ nhà đưa đi du lịch cùng.

"Tôi chưa nghe vợ chồng bà Nga có ý định ngăn cản tình cảm giữa Dương và Linh bao giờ", anh Minh chia sẻ.

Do là người quen biết lâu năm với gia đình nạn nhân nên tối 7/7, anh Minh có đến phụ giúp gia đình tổ chức tang lễ cho những nạn nhân xấu số. Trong những người có mặt tại đây, người tài xế khẳng định gặp cả Dương và Tiến.

"Dương thì ngồi nơi linh cữu các nạn nhân than khóc thảm thiết, còn Tiến phụ giúp lặt vặt rồi vào nhà ăn của xưởng gỗ ngủ qua đêm. Lúc đầu tôi chỉ biết Dương, còn Tiến thì tôi không để ý. Sau này thấy báo đài đăng hình ảnh lên mạng tôi mới nhớ ra", nhân chứng kể.

Minh cung cấp thêm, sau ngày xảy ra vụ thảm sát, anh được cơ quan điều tra triệu tập làm việc vài giờ. Sau khi lấy lời khai, anh trở lại đám tang thì có gặp Tiến và Dương. Lúc này hai thanh niên này cứ đi lẩn quẩn phía sau lưng anh.

Lúc đầu, tài xế nghĩ họ là các trinh sát hình sự nên không để ý. Khi thấy Dương và Tiến vẫn bám riết sau lưng nên người đàn ông khoảng 40 tuổi sinh nghi và báo lực lượng điều tra.

Ngay hôm sau, Dương bị cảnh sát triệu tập lên rồi cho về. Lần triệu tập tiếp theo, thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an) trực tiếp trò chuyện, động viên Dương khai trung thực về di biến động của mình trong thời điểm vụ án xảy ra.

"Lúc đầu, Dương tỏ ra lì lợm, đưa ra nhiều chứng cứ ngoại phạm. Anh ta tuyên bố im lặng cho đến khi có luật sư bào chữa", thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến kể về nghi phạm 9X.

Tuy nhiên, trước vị tướng dày dặn kinh nghiệm, những chứng cứ "ngoại phạm" của Dương lần lượt bị bẻ gãy. Bị khuất phục, thanh niên này khai nhận mình chính là hung thủ.

Qua lời khai của Dương, chiều 10/7, lực lượng trinh sát thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) bắt giữ khẩn cấp Tiến ở khu vực cầu Nhum (xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP HCM) khi hắn đang lẩn trốn tại phòng trọ ở xã Nhị Bình.

Nguyễn Hải Dương đã chuẩn bị tự tử

Theo tờ Tuổi trẻ, Dương nhờ Tiến mua một hộp thuốc ngủ, nhưng do nhà thuốc chỉ bán số lượng giới hạn nên Tiến mới mua được 10 viên. Cả hai liên lạc định mua đủ 30 viên thì Dương sẽ tự tử ngay sau đám tang của các nạn nhân.

“Nếu vụ án không kịp thời được khám phá, sau đám tang, Dương tự tử thì gần như vụ án đi vào ngõ cụt, dư luận xã hội sẽ không hoặc phải rất lâu sau mới nắm được đầy đủ bản chất vụ án”, một cán bộ điều tra nói.

Theo Trí Thức Trẻ