Bão số 1 giật cấp 13 đổ bộ vào Trung Quốc
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều nay (2/7), bão số 1 Chaba đã đi vào đất liền khu vực phía Đông Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc).
Hồi 16 giờ ngày 2/7, vị trí tâm bão cách Quảng Ninh khoảng 320km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 1 Chaba. (Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG)
Do ảnh hưởng của rìa phía Tây bão số 1, tại trạm đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, tại trạm Phù Liễn (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10, tại trạm Uông Bí và Bãi Cháy (Quảng Ninh) có gió giật cấp 8, tại Thái Thụy (Thái Bình) có gió mạnh cấp 6.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Trên biển, trong chiều tối và đêm nay (2/7) do ảnh hưởng của bão số 1, vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông còn có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4-6m, biển động rất mạnh.
Chiều tối và tối nay (2/7), khu vực huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2-3m, biển động mạnh; phía Đông Bắc vịnh Bắc Bộ có gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2-4m, biển động rất mạnh. Từ ngày mai (3/7) gió mạnh do bão giảm dần.
Khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Giữa Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động.
Trên đất liền, từ nay đến ngày 3/7, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, riêng khu vực Đông Bắc có nơi trên 100mm. Từ ngày 4-7/7, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, ở Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.
Nhiều tỉnh ứng phó khẩn cấp với bão số 1
Tỉnh Quảng Ninh là tỉnh chịu ảnh hưởng của sóng to, gió mạnh, từ trưa nay (2/7), tỉnh đã thông báo tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện vận tải du lịch biển, lưu trú qua đêm trên biển hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng yêu cầu các sở ngành và địa phương tập trung rà soát lượng khách du lịch, các tàu thuyền, ô lồng nuôi trồng thủy sản và các hồ chứa trên địa bàn và chủ động các phương án ứng phó với hoàn lưu của bão.
Tỉnh Hải Phòng ngoài kêu gọi các tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn tỉnh còn chuẩn bị 2 kịch bản ứng phó.
Kịch bản thứ nhất là mưa lũ, liên quan đến sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo cho ngành nông nghiệp và các địa phương kiểm tra hệ thống đê điều, thoát lũ của các địa phương.
Kịch bản thứ hai, khu vực nội thành thì liên quan đến ảnh hưởng nước triều dâng, ngập úng tại các quận nội thành. Thành phố đã chỉ đạo Công ty thoát nước cùng với các địa phương khơi thông, kiểm tra toàn bộ bơm sự cố và cơ bản vận hành tốt. Đồng thời chuẩn bị chỗ để có thể di chuyển 2.000 dân trong tình huống sự cố xảy ra.
Tỉnh Lạng Sơn cũng tiến hành họp khẩn với các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn để chỉ đạo ứng phó với bão số 1 và mưa lớn sau bão.
Bên cạnh sự chủ động, quyết liệt của các cấp, các ngành trong công tác ứng phó với mưa lớn thì người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các hộ dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm gần sông, suối, trũng thấp, nguy cơ sạt lở cao cần chủ động di dời hoặc có sự cảnh giác, biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.
Tỉnh Nam Định cũng yêu cầu, các huyện, thành phố, đặc biệt là 3 huyện ven biển gồm: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, chuẩn bị chỗ neo đậu cho tàu thuyền, di dời người dân trên các lồng bè… chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với mưa bão, triều cường nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo Dân Việt