Sau khi nhận được thông tin vụ việc bé sơ sinh là con của sản phụ Nguyễn Thị Tình (sinh năm 1982, Hà Tĩnh), tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ với 8 vết khâu dài trên cổ, ngày 1/7, Sở Y tế Hà Tĩnh có công văn yêu cầu bệnh viện này tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ. 

"Không đúng quy trình"

Chiều 2/7, theo thông tin từ Sở Y tế Hà Tĩnh, Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ đã tạm thời đình chỉ kíp trực thăm khám và đỡ đẻ cho sản phụ Nguyễn Thị Tình.

Đánh giá về vụ việc, Sở Y tế Hà Tĩnh cho rằng việc thăm khám, theo dõi, chăm sóc của kíp trực đối với sản phụ Nguyễn Thị Tình không đúng quy trình của Bộ Y tế, dẫn đến việc không phát hiện thai chết lưu trước khi vào viện.

Cụ thể, bác sĩ trực không chỉ định siêu âm thai dẫn đến không chẩn đoán được tình trạng của thai nhi. Hộ sinh không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo dõi chuyển dạ và đỡ đẻ thai lưu.

Sau khi vụ việc xảy ra, Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ tiếp tục thực hiện tốt việc chăm sóc, theo dõi, điều trị, miễn toàn bộ viện phí cho sản phụ trong thời gian điều trị tại bệnh viện. Ngoài ra, bệnh viện có trách nhiệm động viên, chia sẻ với gia đình sản phụ.

Tạm đình chỉ kíp trực vụ bé sơ sinh bị kéo đứt cổ-1
Sản phụ Tình đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: VietNamNet.

Thai nhi đã chết lưu 7 ngày?

Báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh gửi Bộ Y tế kết luận: "Tình trạng thai nhi sau khi sổ: Da đầu bị bong trợt, da bàn tay, bàn chân, bị bong tróc, phồng rộp; da bụng, da bìu bị bong trợt, hình ảnh của thai chết lưu trên 7 ngày".

Văn bản này cũng nêu rõ sản phụ Tình nhập viện và được chẩn đoán đau bụng, chuyển dạ sinh lần 5, tình trạng lúc vào viện tỉnh táo. Việc khám sản cho thấy sản phụ có cơn co tử cung tần số 2/20 giây; cổ tử cung mở 4 cm. Sau đó, ê-kíp trực tiếp tục ghi nhận sản phụ có 2 cơn co vào 12h và 15h ngày 30/6.

Tuy nhiên, theo Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, 18h35 ngày 30/6, ê-kíp trực tại khoa Sản lại ghi nhận "tim thai âm tính; cơn co tử cung tần số 5/50 giây; cổ tử cung mở hết; ối vỡ, nước ối có màu xanh; đầu lọt".

Nhận định về kết luận này, ThS.BS Lê Thế Vũ, Trưởng khoa Sản nhiễm trùng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho rằng thai đã chết lưu 7 ngày rất khó để sản phụ có cơn co tự nhiên, chuyển dạ. Thông thường, các bác sĩ phải tiêm thuốc để sản phụ có cơn co, đẩy thai ra ngoài.

Để làm rõ vụ việc, Sở Y tế Hà Tĩnh nhấn mạnh bệnh viện, các đơn vị liên quan phải cung cấp thông tin trung thực, chính xác tới cơ quan truyền thông. Bên cạnh đó, bệnh viện cần khẩn trương làm rõ trách nhiệm, xử lý các cá nhân liên quan; báo cáo về sở trước ngày 12/7.

Theo Zing