Hai việc mà phụ nữ độc thân thời nay luôn cảm thấy e ngại đó là đi dự tiệc cưới và về quê ăn Tết.
Ngày xuân là dịp để sum họp gia đình và vui vầy bên bạn bè, nhưng đó cũng là lúc mà chuyện tình cảm của hội độc thân, nhất là phái nữ bị đem ra mổ xẻ không thương tiếc.
Tôi có một người chị họ, năm nay đã ngoài ba mươi. Sau hơn chục năm ra trường chị đã tự mua được nhà ở TP HCM và bây giờ chuẩn bị sắm thêm một căn hộ nữa. Khách tới nhà chơi, nhắc đến tên chị, ai cũng xuýt xoa khen ngợi.
Nhưng sau đó họ làm nụ cười đang chớm nở trên khóe môi bác tôi tắt lịm bằng câu hỏi: “Thế bao giờ nó cho mọi người ăn cỗ đây! Các em nó đi lấy chồng cả rồi mà nó cứ bình chân như vại thế à?”.
Là cha mẹ, thấy con gái thành công trong sự nghiệp, có cuộc sống dư dả, ban đầu hai bác tôi cũng tự nhủ: “Đã là duyên số thì có vội cũng không được”. Nhưng dần dần, khi chuyện hôn nhân của chị tôi được hàng xóm quan tâm nhiều tới mức không cần thiết thì nhị vị phụ huynh cũng thấy nóng ruột. Khuyên nhủ, hỏi han không ăn thua, hai bác tôi quyết định phải hành động.
Những câu hỏi về chuyện hôn nhân luôn làm các cô gái chưa chồng cảm thấy mệt mỏi. Ảnh: Youtube.
Chiều 28 Tết mới về nhà, nhưng sáng 29 Tết chị tôi đã phải đi xem mặt. Mới gặp nhau được hai lần, tính tới chiều mùng 1 Tết, thì sáng mùng hai gia đình anh kia đã tới chúc Tết và hỏi một câu xanh rờn: “ Hai đứa tính xem, đầu tháng hai mà cưới được thì tốt”. Chị tôi tròn mắt chẳng nói được câu nào. Cảm giác bố mẹ giục con gái cưới chồng mà còn gấp gáp hơn đuổi trộm.
Đã vậy, suốt ba năm nay chị tôi đi du lịch để trốn Tết. Năm thì sang Campuchia ngắm quần thể Angkor cổ kính, năm lại du hí xứ sở Chùa Vàng. Tết vừa rồi chị tới đón nắng ở đảo Bali. Nhìn những bức ảnh ghi dấu chân của chị trên khắp nẻo đường tôi cảm thấy thật ghen tỵ.
Nhìn xung quanh mình nào là: gạo, đỗ và thịt lợn, tôi buột miệng: "'Chị L. sướng thật! Độc thân, lương lại cao, thoải mái đi du lịch khắp nơi'”. Mẹ tôi quay lại, nhìn tôi bằng ánh mắt sắc như dao, sắc hơn khi bố đi nhậu nửa đem mới về. 'Sướng cái gì? Từng ấy tuổi đầu, chồng con chưa có. Nhìn chị T, chị M, chị Q kia kìa! Chồng đẹp, con khôn, ngày Tết cả gia đình về thăm bố mẹ có phải đầm ấm không. Mấy năm nữa, chị cứ lấy được tấm chồng tử tế là mẹ mừng lắm rồi'".
Nghe tới đây, tôi ngẩng đầu lên nhìn con đường ở phía xa. Chẳng biết mấy năm nữa có nơi nào cho tôi trốn Tết không?
Đi du lịch vào dịp Tết trở thành lựa chọn của nhiều cô gái trẻ.
Tôi quen chị phóng viên, sang năm là chị chào tuổi 30. Hôm trước, đến quá nửa đêm vẫn phải lọ mọ làm việc. Tôi mới lên Facebook cho đỡ chán, vô tình đọc được đôi lời than thở, xen kẽ giãi bày cõi lòng của chị. Hóa ra, tối hôm nay mẹ lên hỏi thăm con gái. Mở đầu vẫn là quan tâm tình hình sức khỏe, ăn uống, nhưng đến đoạn sau là bài ca muôn thuở “Bao giờ lấy chồng?”.
Đang lúc công việc căng thẳng, chị muốn đổi chủ đề đành buông câu quen thuộc: “Mẹ kệ con. Bao giờ gặp người phụ hợp con sẽ cưới”. Thế là mẹ của chị tuôn ra một tràng. Nào là: “Mẹ thấy xấu hổ với hàng xóm, ai gặp cũng hỏi sao nuôi con gái ăn học tử tế mà mãi nó chẳng định lấy chồng”. Rồi lại tới: “Lấy chồng đi con ạ, vài năm nữa mới lấy sinh nở lại khó ra”.
Và cuối cùng bác kết lại bằng một câu mà tí nữa con gái giật mình đanh rơi cả điện thoại: “Bây giờ, mẹ nghe nói cái gì mà les, les nó nhiều lắm! Thế mày có làm sao không để mẹ còn biết đường”.
Chị còn kể, mẹ chị cực đoan tới nỗi đã tuyên bố một câu xanh rờn: “Lấy nhau không hợp thì ly hôn! Còn hơn cả đời ở vậy không lấy chồng”. Mỗi lần chị về quê, thấy con gái nói chuyện điện thoại hay chát chít với anh nào là mẹ chị lại để ý, căng tai ra nghe ngóng. Chị vừa cúp máy đã buông một câu: “Thôi lấy nó được đấy con ạ”.
Này con gái, hãy đón Tết vui vẻ dù chỉ có một mình!
Ở nhà đã thế, ở cơ quan cũng chẳng được tha. Khổ nỗi, ở tòa soạn còn mỗi chị là chưa lên xe bông. Thấy chị ngồi sau xe ai đó, trông không giống xe ôm là mọi người xúm vào điều tra. Vài hôm lại có người ngỏ ý muốn giới thiệu người này người nọ. Chị bảo nhiều lúc cảm giác như việc “ế chồng” là một thứ bệnh nguy hiểm mà ai cũng muốn tìm phương pháp để điều trị. Có lẽ, nếu tình trạng độc thân còn dài dài, chắc phải dọn ra ngoài đảo để ở cho đỡ mệt đầu.
Trong các điều luật và quy định của các bộ luật nói chung có phân định rõ về hai cụm từ “quyền” và “nghĩa vụ”. Trong đó quyền là hành động có thể thực hiện, hoặc không, tùy theo nhu cầu của đối tượng. Còn nghĩa vụ là thứ bắt buộc phải thực hiện. Nếu bạn muốn, bạn có thể ra đường, đó là quyền tham gia giao thông của công dân, còn nếu không muốn đi đâu, có thể ung dung nằm ngủ ở nhà. Chẳng ai bắt bạn phải dắt xe ra ngoài cả. Còn việc đội mũ bảo hiểm là nghĩa vụ, không thực hiện sẽ bị phạt.
Hôn nhân là một vấn đề tương tự. Kết hôn là quyền chứ không phải là nghĩa vụ. Nếu thấy hứng thú với hôn nhân và tìm được một nửa phụ hợp chúng ta có thể kết hôn. Còn nếu thấy hôn nhân là một thứ ràng buộc gây phiền phức, người ta cũng có thể chọn cuộc sống độc thân.
Và hơn hết, hôn nhân là vấn đề cá nhân, những người ngoài cuộc, ngay cả người thân có thể quan tâm và cho lời khuyên khi cần, chứ đừng nên can thiệp quá sâu. Bởi những người phụ nữ độc thân chưa chắc đã cảm thấy mệt mỏi khi đi về lẻ bóng. Nhưng chắc chắc chắn họ sẽ muốn nổ tung khi bị soi mói, và bị hỏi quá nhiều một câu "bao giờ lấy chồng?".
Theo Zing