Tôi bước vào nhà đã thấy vợ ngồi co ro ở phòng khách, dáng vẻ buồn bã. Mặc dù thấy chồng về, cô ấy không vồn vã chào hỏi như mọi khi.
Vợ nhìn về phía tôi, buông một câu lạnh lùng: "Với anh, không có gì quan trọng bằng kiếm tiền, phải không?".
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, tôi chỉ muốn về nhà, ăn một bát cơm do vợ nấu, nghe vợ vui vẻ hỏi han. Nhìn thái độ của vợ lúc này, tôi chán không muốn nói thêm gì.
Tôi và vợ lấy nhau từ thời còn tay trắng. Thời mà mỗi buổi tối đi chơi trên chiếc xe đạp cà tàng, cô ấy thường ngồi sau trêu tôi: "Anh ơi, khói xe máy sao thơm thế?" mỗi lúc có chiếc xe máy nào vụt qua.
Thời mà mỗi mùa hè nóng nực, mỗi đêm tôi phải chuẩn bị một chậu nước cạnh giường. Lúc nào nóng quá, vợ sẽ tẩm ướt khăn, lau qua người một lượt mới có thể nằm trước quạt mà ngủ.
Tôi nghĩ vợ sẽ vui khi tôi kiếm được nhiều tiền, nhưng không phải vậy (Ảnh minh họa: Getty).
Ngày đó, tôi và vợ đều làm việc có giờ giấc cố định, nhàn hạ nhưng lương "ba cọc ba đồng". Mỗi chiều, sau khi tan làm, tôi sẽ cùng vợ đi chợ, nấu cơm, chăm sóc con, chia sẻ việc nhà. Vợ tôi không vui vì so với những người khác, nhà mình nghèo quá.
Có lần, tình cờ tôi nghe vợ than thở với bạn về "chồng nhà người ta" đi sớm về muộn, lăn xả kiếm tiền, xây nhà, mua xe. Còn tôi chỉ biết quanh quẩn với đồng lương eo hẹp.
Mỗi lần nhận lương, vợ tôi lại ngồi chia ra từng khoản phải chi. Mỗi lần dắt con đi siêu thị, vợ tôi mân mê cái áo nhưng khi lật xem giá thì lập tức bỏ xuống. Tôi cảm thấy thương vợ, nghĩ mình phải thay đổi.
Tôi nghỉ việc ra làm ngoài. Vợ tôi ủng hộ bằng lời động viên: "Anh cứ yên tâm. Anh chỉ cần lo kiếm tiền, mọi việc còn lại em lo được hết".
Tôi may mắn gặp thời, việc buôn bán làm ăn sau bước đầu khó khăn dần trở nên thuận lợi. Có lẽ bởi tôi có hậu phương vững chắc là vợ nên không phải lo lắng chuyện gia đình và hai bên nội ngoại.
Đồng nghĩa với việc kiếm được nhiều tiền, tôi phải đi sớm về muộn, không có ngày nghỉ. Thời gian dành cho gia đình cũng trở nên hạn hẹp.
Sau hơn 10 năm kết hôn, ở tuổi 40, tôi tự hào có thể lo cho vợ con cuộc sống đầy đủ. Cô ấy không còn phải nghĩ quá nhiều về tiền bạc, muốn mua gì thì mua, muốn đi đâu thì đi.
Những tưởng vợ sẽ hạnh phúc nhưng không, dạo này cô ấy hay tỏ ra khó chịu, trách móc. Khó chịu vì tôi về muộn, có những ngày nghỉ nhà người ta đưa nhau đi chơi, còn tôi vẫn đi làm.
Khó chịu vì lâu lắm rồi, tôi không giúp cô ấy rửa bát, lau nhà hay động tay chân vào việc gì cả.
Vợ bảo trong nhà này, cô ấy không khác gì osin được trả lương cao hoặc giống như một bà mẹ đơn thân.
Tôi thấy suy nghĩ như thế không ổn. Ai cũng vậy, có cái này thì phải chịu thiệt cái kia. Tôi không thể vừa đi làm, vừa giúp vợ lau nhà.
- Tổng thống Mỹ bận trăm công nghìn việc vẫn rửa bát cho vợ được. Quan trọng là anh đặt gia đình ở đâu trong những việc quan trọng của anh.
- Em đem tổng thống ra so thì anh thua rồi. Em đừng "được voi đòi tiên", không phải em thích tiền nhất à?
Thế là hai vợ chồng giận nhau. Mấy hôm nay, hễ thấy tôi về muộn, vợ tôi lại móc mỉa.
Tôi thực sự không hiểu vợ tôi muốn gì? Lúc nghèo khó thì ước "chỉ cần anh kiếm được nhiều tiền, cả thế giới cứ để em lo". Thế nhưng, khi kinh tế dư dả, cô ấy lại muốn chồng có nhiều thời gian dành cho vợ con, chia sẻ việc nhà với mình như thời còn nghèo khó, rảnh rỗi.
Các bà vợ phải hiểu rằng: Muốn chồng kiếm được nhiều tiền thì phải chấp nhận chồng vắng nhà nhiều hơn, thời gian cho gia đình ít hơn.
Còn nếu muốn chồng có thể luôn cạnh bên, chia sẻ việc bếp núc, nhà cửa, con cái thì phải chấp nhận chồng mình kiếm được ít tiền.
Là vợ tôi đã đòi hỏi quá nhiều, hay đúng là do tôi không biết đặt gia đình là trọng tâm như vợ nói?
Theo Dân Trí