Victoria Kaʻiulani (1875 - 1899) sinh ra trong gia đình vương tộc ở Honolulu, Hawaii. Mẹ cô là công chúa Miriam Likelike, em gái của vua Hawaii bấy giờ, còn cha là doanh nhân nổi tiếng người Scotland, Archibald Scott Cleghorn.
Cha mẹ của Victoria Kaʻiulani
Ngay từ khi lọt lòng, Kaʻiulani đã hưởng một cuộc sống giàu sang, phú quý và được xếp đặt là người thừa kế ngai vàng vì vua không có con. Thời bấy giờ, Hawaii còn là một quốc đảo theo chế độ quân chủ lập hiến.
Tuổi thơ giàu sang, xa xứ và cô đơn
Kaʻiulani sống trong một dinh thự lớn ở Waikiki, phía Đông thủ phủ Honolulu. Trước khi mẹ cô qua đời năm Kaʻiulani 11 tuổi, hai mẹ con đã có quãng thời gian vô cùng hạnh phúc. Nhiều nghệ sĩ, thi nhân, quan khách muôn phương thường tới dinh thự Kaʻiulani để thăm mẹ cô.
Tại đây, tác gia Robert Louis Stevenson sáng tác một bài thơ nói về vẻ đẹp của tiểu công chúa Kaʻiulani cũng như quốc đảo xinh đẹp này. Từ đó, người dân Hawaii nhớ đến Kaʻiulani như một "bông hồng Hawaii".
Kaʻiulani mồ côi mẹ khi 11 tuổi
Hai năm sau khi mẹ qua đời, Kaʻiulani được gửi tới một trường nội trú ở Anh vì Hoàng gia Hawaii muốn người thừa kế phải nhận được nền giáo dục tốt nhất. Kể từ đây, Kaʻiulani xa quê hương suốt nhiều năm đằng đẵng, và khi trở về quê nhà, Hawaii không còn là một quốc đảo độc lập nữa.
Năm 1889, cô theo học tại trường tư Great Harrowden Hall ở Northamptonshire, Anh. Tại đây, Kaʻiulani học tiếng Latin, văn học, toán học và lịch sử. Năm 1892, Kaʻiulani tới Brighton và theo học nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, Đức. Suốt quãng thời gian học tại Anh, cô được đánh giá là một học sinh xuất sắc.
Người thừa kế không được hưởng ngai vàng
Năm 1893, Kaʻiulani đột ngột hủy bỏ chuyến du lịch châu Âu sau khi nhận được điện tín từ quê nhà thông báo Hawaii sắp được sát nhập vào Mỹ. Năm đó, khi mới chỉ 18 tuổi, người thừa kế tương lai của Hoàng gia Hawaii thẳng tiến tới New York, với tư cách là công chúa đại diện cho nhà nước Hawaii, kêu gọi người Mỹ trả độc lập cho quê hương.
Trong cuốn sách Princess Ka'iulani: Hope of a Nation, Heart of a People của tác giả Sharon Linnea (tạm dịch là Công chúa Ka’iulani: Hy vọng cho một quốc gia, trái tim cho cả dân tộc) có viết: "Từ New York, công chúa Ka’iulani trực tiếp đến Washington D.C. Cô là khách mời đặc biệt của Nhà Trắng, được đích thân Tổng thống Grover Cleveland và đệ nhất phu nhân Mỹ đón tiếp. Chưa có người phụ nữ nào được đích thân Nhà Trắng quan tâm tới vậy".
Không chỉ dừng lại ở đó, giới truyền thông - báo chí cũng rất quan tâm tới công chúa Kaʻiulani. Câu chuyện vận động độc lập cho Hawaii của người thừa kế trẻ tuổi này đã giành vị trí trang nhất trên nhiều tờ báo phụ nữ bấy giờ.
Một phóng viên còn nhận xét rằng: "Đoá hoa rực rỡ của nền văn minh Hawaii. Công chúa Ka’iulani thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên".
Được ví như "Bông hồng Hawaii", Kaʻiulani để lại ấn tượng mạnh cho vợ chồng Tổng thống Mỹ Grover Cleveland cũng như cánh nhà báo
Trang Wikipedia dẫn lời phát biểu đanh thép của Kaʻiulani ở Nhà Trắng: "Cách đây 70 năm, Thiên chúa giáo Mỹ đã phái những nhà truyền giáo đến để truyền đạo và đem nền văn minh cho dân tộc Hawaii. Ngày hôm nay, 3 người con trai của những nhà truyền giáo đó đã ở Thủ đô của bạn, hỏi bạn rằng cha của họ đã làm gì với dân tộc chúng tôi.
Tôi chỉ là cô gái bé nhỏ, yếu đuối nhưng tiếng nói của tôi đủ mạnh mẽ để khẳng định chủ quyền cho đất nước Hawaii. Thậm chí ngay lúc này đây, tôi đã có thể nghe được tiếng khóc đòi độc lập của dân tộc tôi và chính nó đem lại sức mạnh cho tôi".
Mặc dù Kaʻiulani đã để lại ấn tượng sâu sắc tới Tổng thống Grover Cleveland và ông đã hạ lệnh cho Thượng viện Mỹ gỡ bỏ Hiệp ước sáp nhập Hawaii vào Mỹ, nhưng tình hình không thay đổi.
Dù việc đấu tranh đòi độc lập cho Hawaii không thành, nhưng Kaʻiulani vẫn được người dân Hawaii nhớ tới như một nữ anh hùng
Năm 1897, Kaʻiulani quay trở về quê nhà. Tuy việc đòi độc lập cho Hawaii không thành nhưng trong mắt người dân quốc đảo bấy giờ, Victoria Kaʻiulani vẫn là một nữ anh hùng, dám đứng lên cất tiếng nói vì độc lập và chủ quyền của dân tộc.
Tháng 8/1898, Hawaii chính thức sát nhập vào Mỹ. Vào ngày đó Hoàng gia Hawaii cùng nhiều người dân đã mặc trang phục tang lễ như một cách bày tỏ sự phản đối, không phục với quyết định của Thượng viện Mỹ.
Dù tuổi còn trẻ nhưng sức khỏe của Kaʻiulani khá yếu, có thể do nhiều biến cố lớn xảy ra trong đời ảnh hưởng không tốt tới tình trạng của cô. Ngày 6/3/1899, Kaʻiulani qua đời khi mới 23 tuổi.
Kaʻiulani qua đời ở tuổi thanh xuân khiến nhiều người thương tiếc
Mộc
Theo Vietnamnet