Dự án Saigon One Tower (34, Tôn Đức Thắng) nằm ở "đất vàng" giao lộ Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi, quận 1, trước đây do Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư được khởi công năm 2007 với tổng vốn đầu tư ban đầu là 256 triệu USD.
Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2009, từng được kỳ vọng là tòa nhà cao thứ 3 TPHCM ở thời điểm xây dựng. Khi hoàn thành được 80% vào năm 2011, dự án đột nhiên ngưng trệ.
Giờ đây, dự án thuộc về chủ đầu tư mới là Công ty CP Quản lý và Phát triển Viva Land (thuộc Vạn Thịnh Phát) và đổi tên dự án thành IFC One Saigon.
Khu cao ốc liên hợp gia cư và thương mại Thuận Kiều Plaza (quận 5) được xây dựng trên khu đất vàng, có diện tích 9.971 m2.
Công trình được thiết kế gồm 3 tháp (kiểu một con thuyền với 3 ống khói hay 3 cây nhang), mỗi tháp có 33 tầng. Trong đó có khu trung tâm thương mại, 648 căn hộ và các công trình tiện ích khác như hồ bơi, khu giải trí, nhà xe.
Thuận Kiều Plaza là một trong những cao ốc đa phức hợp đầu tiên được xây dựng và từng được coi là biểu tượng phát triển của TPHCM. Tuy nhiên, khi hình thành nơi này không mang lại sự phát triển như kỳ vọng mà thay vào đó là khung cảnh hoang tàn, không bóng người.
Năm 2015, Thuận Kiều Plaza được Công ty CP An Đông - thuộc Vạn Thịnh Phát mua lại với giá hơn 600 tỷ đồng để cải tạo lại thành một trung tâm thương mại mới mang tên The Garden Mall.
Căn biệt thự cổ ở địa chỉ số 110 - 112 Võ Văn Tần (quận 3, TPHCM) diện tích gần 3.000 m2 của bà Trương Mỹ Lan, có 3 mặt tiền là đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu.
Năm 2019, sau khi mua lại căn biệt thự này, bà Trương Mỹ Lan đã cho trùng tu lại và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, khi gần hoàn thành thì dự án phải dừng thi công do bà Lan vướng vào vòng lao lý.
Hiện tại, bên trong công trình, vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang, không có công nhân, chỉ có bảo vệ trông coi.
Hầu hết các doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát hoạt động trong mảng bất động sản với loạt dự án đắc địa, tập trung tại cung đường Nguyễn Huệ (nơi đặt trụ sở chính Vạn Thịnh Phát), Đồng Khởi cùng các địa điểm xung quanh ở trung tâm Sài Gòn (quận 1, quận 3…).
Nằm ở vị trí đắc địa nhất TPHCM, sau khi phố đi bộ được đưa vào sử dụng thì giá trị của các dự án dọc đường Nguyễn Huệ tăng lên gấp bội. Những dự án tầm cỡ mọc lên ngày một nhiều dọc tuyến đường và bà Trương Mỹ Lan là người sở hữu bộ sưu tập "đất vàng” nhiều nhất tại đây.
Báo cáo của Cushman & Wakefield xếp đường Đồng Khởi là con phố có mặt bằng bán lẻ cao thứ 13 thế giới giới. Giá thuê tại đường Đồng Khởi là 390 USD/feet vuông/năm (khoảng 101 triệu đồng/m2/năm), tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khu đô thị mới Saigon Peninsula (tên gọi khác là dự án Mũi Đèn Đỏ) nằm tại ngã ba sông Sài Gòn, quận 7, TPHCM từng được giới thiệu ra thị trường với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD.
Dự án này có tổng quy mô gần 178 ha thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula - pháp nhân trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Dự án này đến nay vẫn đang trong quá trình làm thủ tục đầu tư, chưa được phê duyệt dự án, chưa được giao đất.
Theo kết luận điều tra, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sài Gòn Peninsula tạo lập hoặc sử dụng khách hàng vay vốn khống, thuê nhờ người đứng tên tài sản bảo đảm để phù hợp với yêu cầu rút vốn.
Toạ lạc tại quận 5, An Đông Plaza – Winsor Hotel (18 đường An Dương Vương, quận 5, TPHCM) có tổng vốn đầu tư hơn gần 1.300 tỷ đồng với tòa nhà cao 25 tầng và trung tâm thương mại, hội nghị.
Trong đó, Windsor Hotel là khách sạn đầu tiên do tư nhân Việt Nam đầu tư và quản lý, đạt tiêu chuẩn 5 sao của Tổng cục Du lịch Việt Nam, gồm 400 phòng lưu trú, trung tâm thương mại, các nhà hàng đặc sắc, phòng hội nghị có sức chứa đến 1.800 người và nhiều tiện nghi giải trí.
Hiện tại, An Đông Plaza – Winsor Hotel vẫn hoạt động bình thường nhưng lại rơi vào trạng thái khá vắng khách.
SJC Tower nằm ở khu đất có 4 mặt tiền là đường Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực của quận 1, diện tích gần 4.000 m2. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Sài Gòn Kim Cương làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.
Năm 2005, dự án được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô tòa tháp cao 54 tầng, 6 tầng hầm. Tuy nhiên khu đất dự án đến nay chỉ được rào chắn bên ngoài, một số thời điểm làm bãi giữ xe, không hề diễn ra hoạt động xây dựng nào trong nhiều năm nay.
Tòa nhà Times Square Việt Nam sở hữu khu phức hợp gồm 2 tòa tháp đôi là khách sạn - khu căn hộ cao cấp. Đây là một trong những tòa nhà cao tầng nổi bật nhất khu vực trung tâm TPHCM.
Tòa nhà có 2 mặt chính hướng ra cả đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi.
Times Square Việt Nam với khách sạn 6 sao đầu tiên ở TPHCM. Năm 2015, khách sạn này được kênh CNN bình chọn là khách sạn mới hoành tráng nhất.
Khu phức hợp Union Square nằm ở vị trí "đất kim cương" 4 mặt tiền đường Đồng Khởi - Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Lê Thánh Tôn ngay trung tâm quận 1 nhưng Union Square suốt ngày vắng vẻ.
Trung tâm thương mại này có diện tích khoảng 8.800 m2, tổng diện tích sàn lên đến 91.000m2, quy mô 6 tầng hầm và 9 tầng nổi. Khu phức hợp Union Square từng được Vạn Thịnh Phát mua lại với giá 10.000 tỷ đồng.
Theo Tiền Phong