Tình yêu từ lời thách đố
Năm 1985, sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông Lê Văn Khải (hiện 57 tuổi) trúng tuyển vào trường Đại học Sư phạm. Tại đây, ông gặp gỡ cô bạn cùng quê Bùi Thị Thanh Tuyền (hiện 57 tuổi).
Thời điểm ấy, bà Tuyền nổi tiếng xinh đẹp, luôn là tâm điểm của các chàng sinh viên cùng khóa. Thấy vậy, bạn bè thách nếu ông Khải tán đổ được bà, họ sẽ mất cho ông một số tiền.
Tự tin vào bản thân, ông nhận lời, tìm cách tán tỉnh cô bạn học cùng quê. Nhưng nhiều tháng trôi qua, ông vẫn không chiếm được cảm tình của cô sinh viên và phải trả gấp đôi số tiền thua cược.
Ông quyết tâm tán tỉnh bà “cho bõ ghét”. Thời gian theo đuổi cô bạn chung trường, ông nhận thấy bà Tuyền không chỉ xinh đẹp mà còn hiền lành nên dần có cảm tình.
Từ chỗ tán tỉnh cho hả cơn giận thua độ, ông rung động, bắt đầu yêu người con gái cùng quê Long An. Trong khi đó, sau nhiều thời gian được ông Khải theo đuổi, bà Tuyền cũng dần mở lòng.
Tháng 2/1987, nhà trường thực hiện công tác mở đường. Trong lúc tham gia hoạt động trên, ông Khải biết tin bà Tuyền sốt cao.
Vợ chồng ông Khải, bà Tuyền tại chương trình Tình trăm năm
Ông đến gặp người phụ trách y tế ở trường xin thuốc, đem đến cho bà. Hành động ấy khiến bà Tuyền xúc động, thầm chấp nhận tình yêu của người đàn ông từng muốn chinh phục mình để ra oai với bạn bè.
Tình yêu thời sinh viên được ông bà vun đắp cho đến ngày ra trường. Tốt nghiệp, ông Khải ở lại Long An dạy học, bà Tuyền đến TP.HCM làm việc. Yêu xa, ông bà tâm tình với nhau qua những lá thư tay lãng mạn.
Bẵng đi một thời gian, bà Tuyền nhận thấy thư từ người yêu ngày một ít đi. Bà không hề hay biết, ở quê nhà, ông Khải đã phải lòng cô học trò của mình. Thậm chí, ông còn nhờ cha mẹ đến hỏi cưới cô học trò này về làm vợ.
Tại chương trình Tình trăm năm tập 186, ông Khải kể: “Lúc ấy, tôi chỉ mới 20, 21 tuổi và thương một cô học trò của mình. Tôi nhờ bố mẹ đến hỏi cưới cô bé, nhưng mẹ tôi không đồng ý nên hôn sự bất thành.
Năm 1991, mẹ thúc giục tôi cưới vợ. Tôi nói với mẹ rằng bây giờ, con không biết cưới ai nữa. Thế là mẹ nhắc đến Tuyền và nói tôi liên hệ lại với cô ấy. Tôi đồng ý rồi nói, má muốn cưới cô đó thì con sẽ cưới”.
Ngay sau đó, ông Khải viết thư, báo tin cho bà Tuyền sẽ đưa người nhà đến hỏi cưới bà làm vợ. Đọc thư, bà Tuyền rưng rưng hạnh phúc. Bởi, từ lâu bà đã yêu và chờ đợi lời cầu hôn từ người đàn ông quen biết từ thời sinh viên.
Trái ngược với niềm vui, hạnh phúc của bà Tuyền, ông Khải vẫn dửng dưng. Ông chưa có cảm giác thực sự muốn cưới bà làm vợ và chỉ muốn cưới bà để làm đẹp lòng mẹ già.
Ông bà yêu nhau từ thời sinh viên và trở thành vợ chồng cách đây 32 năm
Sau khi đưa mẹ và người thân đến nhà bà Tuyền, ông bỏ ra quán uống nước. Dẫu vậy, khi gia đình thống nhất chuyện cưới xin, ông vẫn đồng ý cưới bà Tuyền làm vợ.
Cùng vượt qua gian khó
Ngày lấy chồng, bà Tuyền không được ngồi xe hoa. Gia đình chồng khó khăn, sau khi cưới, bà và chú rể ngồi cùng gia đình, người thân trên chiếc xe 16 chỗ.
Cưới xong không bao lâu, bà Tuyền đến công tác tại Bệnh viện Ung Bướu (TP.HCM). Trong khi đó, ông Khải tiếp tục đi dạy học tại quê nhà Long An. Mỗi tuần 2-3 lần, ông đạp xe từ Đức Hòa (Long An) đến TP.HCM thăm vợ.
Trong một lần đi dự đám cưới, ông gặp người thân bên vợ và được người này mời về làm thử tại công ty riêng của mình. Ông quyết định nghỉ dạy ở trường để tìm việc mới, có thu nhập cao hơn.
Sau ít năm dành dụm và được sự hỗ trợ của gia đình, năm 1996, ông mua đất, xây căn nhà nhỏ tại quận Gò Vấp (TP.HCM). Khi có con đầu lòng, thấy việc đi lại xa xôi, khó khăn, ông Khải quyết định chuyển đến quận Gò Vấp sinh sống cùng vợ con.
Tưởng chừng cuộc sống đã ổn định, bất ngờ ông Khải phát bệnh, phải vào bệnh viện điều trị. Sau cơn bạo bệnh, ông mất sức, không thể làm việc nặng nhọc rồi thất nghiệp. Cuộc sống gia đình của ông bà cũng vì thế mà gặp khó khăn.
Ông kể: “Tôi nhớ mãi Tết năm 2000. Năm đó, tôi thấy nhà cửa cũ kỹ quá, nên lấy hết số tiền dành dụm được khoảng 700.000 đồng mua sơn về sơn lại cho sáng sủa, với mong ước năm mới gặp nhiều may mắn.
Hiện, ông bà sống hạnh phúc cùng hai cô con gái hiếu thảo
Sơn nhà xong, tôi hết tiền đón Tết nên ngỏ lời xin con gái lớn cho mình lấy tiền trong heo đất của bé ăn Tết trước. Bé đồng ý nhưng khi đập heo ra, bé lại khóc. Thương quá, tôi mua heo đất khác, bỏ lại tiền vào đó đền cho con.
Thấy tôi khó khăn quá, bố vợ thương tình. Ông nhét 500.000 đồng vào túi cho tôi. Nhờ số tiền ấy, nhà tôi mới có tiền đón Tết”.
Chồng thất nghiệp, bà Tuyền không chỉ gánh trách nhiệm chăm sóc gia đình, mà còn phải chịu áp lực chồng buồn khổ, tự ti, mặc cảm vì không làm ra tiền. Thương chồng, nhiều lần bà lẳng lặng bỏ tiền vào ví cho ông, không dám đưa trực tiếp.
Mãi cho đến năm 2001, ông Khải thi đậu công chức, tiếp tục đi dạy lại, có lương, bà mới thoát khỏi áp lực sợ chồng tự ti, mặc cảm. Sự tế nhị và hy sinh của bà giúp cuộc hôn nhân của hai người luôn yên ấm.
Suốt 32 năm chung sống, ông bà luôn thương yêu, nhường nhịn nhau. Dù trong những thời khắc khó khăn nhất, ông bà chưa bao giờ to tiếng với nhau. Cả hai luôn sát cánh, cùng nhau nuôi dạy con cái, vượt qua gian khó.
Cuối chương trình, bà Tuyền bất ngờ gửi đến chồng bức thư tay đầy xúc động. Trong thư, bà khẳng định mình là người may mắn khi có ông Khải làm chồng. Bởi, ông luôn yêu thương, thấu hiểu và chia sẻ mọi buồn vui với bà.
Bà cũng không quên mong ước cả hai sẽ sống vui, sống khỏe và là tổ ấm, nơi nương tựa ấm áp của các con. Trước tình cảm của vợ, ông Khải xúc động tâm sự: “Tôi rất xúc động. Nếu không có bức thư của vợ, tôi cũng sẽ làm những điều bà ấy nói”.
Theo VietNamnet