Hôn nhân là chuyện của hai người, muốn xây đắp nên một tổ ấm hạnh phúc thì cả vợ và chồng đều phải cùng nỗ lực và bỏ vào đó công sức, tình cảm. Nếu chỉ có một người xây, người còn lại thờ ơ, thản nhiên chẳng để tâm thì sớm muộn gì người còn lại sẽ nản lòng thoái chí.
Nguyệt (29 tuổi, Hà Nội) chia sẻ cô kết hôn đến nay được 4 năm và sinh được một bé trai đầu lòng. "Cuộc sống hôn nhân khó khăn và nhiều mâu thuẫn, cãi vã hơn tôi tưởng rất nhiều. Người đàn ông mà tôi tin tưởng chọn lựa lấy làm chồng cũng trở nên khác lạ, không còn là người đàn ông yêu tôi chân thành như khi trước...", Nguyệt chia sẻ.
Hôm trước, Thành - chồng Nguyệt, về muộn vì phải tăng ca. Cả người mệt mỏi, bụng thì đói cồn cào nhưng khi về đến nhà anh lại chẳng thấy cơm tối vợ để phần mình. Nếu Nguyệt không chờ anh về ăn cơm thì ít nhất cũng phải để phần cơm canh cho chồng chứ? Thành tức giận vô cùng, cả ngày đi làm vất vả nhưng đến tối muộn về nhà lại bị đối xử bạc bẽo như thế. Là người đàn ông nào thì cũng không thể chấp nhận được.
Ảnh minh họa
Khi vào phòng ngủ, Thành thấy Nguyệt đang nhàn nhã xem điện thoại, cơn phẫn nộ trong anh càng dâng cao. Anh chỉ thẳng vợ, gằn giọng quát: "Cô có đủ tư cách làm vợ không thế? Đến bữa cơm cho chồng mà cũng lười chảy thây không chịu nấu. Để mai tôi gọi điện hỏi bà ngoại xem cô làm như thế có nhìn được không!".
Trước sự phẫn nộ của chồng, Nguyệt chỉ đủng đỉnh đáp: "Anh thích gọi thì gọi. Nhưng tôi muốn hỏi anh, trong 4 năm vợ chồng có bao nhiêu tối anh về ăn cơm nhà? Anh trả lời đi rồi hãy kết tội tôi".
Thành lặng người vì câu hỏi vặn của vợ. Quả thực trong từng ấy năm chung sống, số lần Thành ăn cơm tối ở nhà với vợ con ít ỏi đến đáng thương. Anh luôn có những lý do khác nhau để vắng mặt ở nhà giờ cơm tối. Khi thì bận tiếp đãi đồng nghiệp, khi bù khú với bạn bè lâu ngày không gặp, khi thì đi tiếp khách... Đối với anh, việc ăn ở ngoài và hòa mình vào những cuộc vui ấy nhiều sức hấp dẫn hơn về nhà với vợ con sau cả ngày không được gặp nhau.
Ban đầu Nguyệt còn chờ cơm Thành và liên tục gọi điện giục anh về ăn cơm. Dần dần Nguyệt không chờ anh về nữa, hai mẹ con cô ăn cơm trước nhưng cô vẫn phần cơm cho anh. Cuối cùng thậm chí Nguyệt còn không phần cơm chồng, cô chỉ nấu đủ hai mẹ con ăn mà thôi. Song Thành không lấy đó làm phiền lòng, vì anh đâu cần thiết bữa cơm vợ để phần trong khi anh đã có những lựa chọn khác vui vẻ hơn.
Đến bây giờ, khi cần đến và không được như mình mong muốn thì nực cười là Thành lại bất mãn và trách móc vợ nặng nề như vậy. Anh không hiểu một điều rằng, sẽ chẳng có ai ngồi chờ ai mãi được cả. Nếu anh không về ăn cơm, lẽ tất nhiên Nguyệt sẽ chẳng để phần cơm cho anh nữa. Đó là điều vô cùng hiển nhiên, chẳng có lý do gì để anh oán trách Nguyệt.
Ảnh minh họa
"Anh cứ đi đi rồi sẽ có lúc về nhà còn chẳng thấy vợ con đâu ấy chứ, nói chi chỉ là không thấy cơm để phần", Nguyệt nhẹ tênh buông một câu rồi quay người ôm con ngủ. Đêm ấy Thành tự úp bát mì tôm ăn tạm, vừa ăn vừa suy nghĩ về tất cả mọi chuyện. Quả thực sự kiên nhẫn và tình yêu mà người ta dành cho nhau đều có giới hạn cả. Khi anh vượt qua ranh giới ấy thì tất cả sẽ tan vỡ, trở về nhà sẽ là cảnh tượng trống hoác chẳng còn ai chứ không đơn giản chỉ là khuyết thiếu bữa cơm tối vợ để phần.
"Sau chuyện tối hôm đó, chồng tôi dường như đã hiểu ra vấn đề hoặc anh ấy cũng sợ mất vợ con nên đã dần dần thay đổi bản thân. Anh ấy ít vắng mặt ở nhà buổi tối hơn, có đi đâu cũng thông báo với vợ, quan tâm hơn đến gia đình, con cái...", Nguyệt cho hay.
Câu chuyện chờ chồng về ăn cơm có lẽ là câu chuyện muôn thuở của những người vợ. Khi người vợ kỳ công nấu nướng bữa tối nóng hổi chờ chồng về thì người đàn ông còn mải mê với những cuộc vui bên ngoài. Nhưng chắc chắn cái gì cũng có giới hạn của nó, khi phụ nữ đã quen với việc vắng bóng người đàn ông trong gia đình, việc gì họ cũng tự làm một mình thì dần dần họ cũng sẽ chẳng còn cần người đàn ông ấy nữa.
Theo Pháp luật và Bạn đọc