Trong không khí vui Tết thì ăn không thể thiếu, chính vì thế người ta quen gọi ăn Tết... Tuy nhiên, với một số người có bệnh mạn tính nếu biết cách ăn uống hợp lý sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc phòng tránh và chữa trị bệnh này. Trong đó phải kể đến bệnh tăng huyết áp, là căn bệnh đang gia tăng hiện nay ở nước ta.

Do vậy trong những ngày Tết không thể không nhắc đến cách ăn uống của người tăng huyết áp để khống chế được bệnh và hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Vậy chế độ ăn nên thế nào?
Tăng huyết áp, ăn gì để ngăn biến chứng?

Tăng huyết áp, ăn gì để ngăn biến chứng?

Bổ sung lượng protit chất lượng cao một cách thích hợp


Người bị tăng huyết áp (THA) thường không cần hạn chế protit, nhưng trong trường hợp bệnh THA có kèm tổn thương thận, đặc biệt là khi hàm lượng urê và anhydric trong máu vượt quá mức cho phép thì cần phải giảm bớt lượng protid để giảm gánh nặng cho thận. Thông thường mỗi người chúng ta cần khoảng 1g protid/kg thể trọng mỗi ngày. Protid bao gồm 2 loại: protid động vật có trong thịt, cá, trứng, sữa và protid thực vật có trong đậu nành, lạc, vừng... Lượng protid nạp vào cơ thể tốt nhất là một nửa từ động vật và một nửa là từ động vật. Protid động vật chứa nhiều loại axit amin nên có giá trị dinh dưỡng cao, nếu cơ thể chúng ta thiếu hụt những axit amin cần thiết sẽ dễ sinh bệnh tật.

Hạn chế lượng calo

Những người bị THA kèm theo béo phì hoặc suy giảm khả năng phân giải đường đều nên giảm lượng calo nạp vào cơ thể bằng cách ăn nhiều gạo mỳ xát thô (gạo hẩm), ít ăn gạo xát kỹ (trắng), bớt ăn đường ngọt. Các thức ăn vào sẽ sản sinh nhiệt lượng sau quá trình tiêu hóa, hấp thụ quá nhiều nhiệt lượng rất dễ béo phì, thừa mỡ trong cơ thể sẽ khiến lượng cholesterol tăng cao, tích tụ trong thành mạch gây nên xơ cứng động mạch. Thể trọng tăng lên cũng khiến huyết áp tăng, thường thì thể trọng càng tăng nhiều thì huyết áp càng cao. Vì vậy cần tiết chế ăn uống, duy trì thể trọng không nên để thừa cân.

Vitamin - khoáng chất từ rau quả

Hoa quả tươi chứa nhiều vitamin C giúp chống xơ cứng động mạch. Các loại rau củ cũng chứa nhiều vitamin C, do đó khi nấu không nên nấu quá chín mà làm mất vitamin C. Trong quýt, chanh có chứa nhiều vitamin P giúp hạ lượng cholesterol trong máu, tăng cường sức đề kháng của thành huyết quản, có tác dụng phòng ngừa xuất huyết não. Còn vitamin E lại tăng cường công năng của thành mạch, giảm lắng đọng máu, giảm thiểu nhu cầu hấp thụ ôxy của cơ thể nên rất thích hợp với người bệnh THA kèm bệnh về van tim.

Tăng huyết áp, ăn gì để ngăn biến chứng?
Tăng huyết áp, ăn gì để ngăn biến chứng?
Muối là “kẻ thù” của bệnh tăng huyết áp.

Ăn quá nhiều muối rất không tốt cho người THA, thí nghiệm cho thấy những thức ăn nhiều muối khiến cho huyết áp tăng cao và ngược lại. Người bệnh THA được áp dụng chế độ ăn ít muối thì có khoảng 20-60% hạ được huyết áp rõ rệt. Người THA nên tăng lượng muối kali trong thức ăn song song với việc uống thuốc hạ huyết áp nhưng không được uống trực tiếp những thuốc bổ sung kali. Rau củ quả tươi chứa nhiều kali như quýt, chuối, khoai tây, rau bí... vì vậy rất tốt cho thành mạch. Rau quả còn chứa nhiều chất xơ giúp đại tiện dễ dàng, vì táo bón sẽ không tốt với người THA. Tuy nhiên, người bệnh THA kèm theo suy thận, phù thũng, ít nước tiểu thì không nên ăn quá nhiều đồ ăn chứa kali để tránh thừa kali trong máu.

Ngoài ra, thiếu canxi cũng có ảnh hưởng đến THA. Mỗi ngày uống khoảng 250 ml sữa bò hoặc sữa đậu nành sẽ giúp bổ sung lượng canxi thiếu hụt. Các loại rau như rau cải, cần tây, nấm, mộc nhĩ, tảo... cũng có lượng canxi lớn. Người THA nên ăn đồ biển chứa nhiều iod như rau câu, sứa biển, tôm tép, tảo biển... để tránh bị xơ cứng động mạch.

Tóm lại, những thực phẩm người bệnh THA nên chọn trong dịp Tết cũng như hằng ngày là ăn đủ cá, các chế phẩm từ đậu nành, rau quả và ngũ cốc chế biến thô. Những loại thức ăn này rất giàu protid, vitamin, nguyên tố vi lượng, chất xơ nên có tác dụng giảm mỡ, giảm huyết áp.

Theo SKĐS