Chương trình Táo Quân 2022 lên sóng vào khung 20h đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chương trình ghi hình vào giữa tháng 1 mà không có khán giả.
Khi lên sóng vào tối 31/1 tức tối 29 Tết Nguyên đán, ê-kíp lồng ghép cảnh quay khán giả từ những năm trước đó để tạo hiệu ứng và thêm không khí vui vẻ cho chương trình.
Cách cắt ghép của chương trình được nhận xét khá lộ liễu vì tất cả khán giả đều không đeo khẩu trang. Điều này khiến nhiều người theo dõi chương trình trên sóng truyền hình thắc mắc.
Tuy nhiên, hầu hết thông cảm cho ê-kíp Táo Quân bởi giữa bối cảnh dịch bệnh bùng phát, việc cắt ghép là cần thiết để tạo không khí và tung hứng cho những màn báo cáo của các Táo.
Táo Quân 2022 ghi hình không có khán giả. Ảnh: VFC.
Trước đó, Tự Long cũng thừa nhận anh và các diễn viên của Táo Quân 2022 khá buồn khi ghi hình mà không có khán giả. Việc thiếu vắng người xem và những tràng pháo tay cổ vũ khiến NSND Tự Long thiếu chất xúc tác trong quá trình diễn.
Ngoài việc không có khán giả, nghệ sĩ Vân Dung cho biết trong quá trình ghi hình, ê-kíp tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống Covid-19 như test nhanh, đeo khẩu trang khi không diễn, đồng thời giữ sức khỏe để đảm bảo tiến độ sản xuất Táo Quân.
Táo Quân năm nay vắng bóng Công Lý và Xuân Bắc. Thay thế hai nghệ sĩ để đảm nhận vai Nam Tào, Bắc Đẩu là Đỗ Duy Nam, Trung Ruồi. Việc này đang gây tranh luận trên mạng xã hội.
Khán giả nhận xét Nam Tào, Bắc Đẩu phiên bản mới khó vượt qua cái bóng quá lớn của Công Lý và Xuân Bắc.
Năm nay, Táo Quân tiếp tục đề cập đến nhiều vấn đề nổi cộm của xã hội với những ngôn từ dí dỏm, châm biếm.
Sao kê của giới nghệ sĩ Việt, vụ việc ở Tịnh Thất Bồng Lai, test nhanh, diễn tập ở đường sắt trên cao, giăng dây phong tỏa, học online, giấy đi đường thay đổi liên tục hay trend trên mạng xã hội như nhìn bên trái… đều được đề cập trong chương trình.
Theo Zing