Táo Quân vi hành, phát sóng tối 17/1 trên VTV, đúng ngày 23 tháng Chạp “Ông Công Ông Táo về trời”. Do dịp Tết năm nay Táo Quân không còn được thực hiện, phiên bản Táo Quân vi hành trời Âu với sự tham gia của những nghệ sĩ quen thuộc được một bộ phận khán giả chờ đợi.
Song, sau khi lên sóng, chương trình nhận những ý kiến khen chê trái chiều. Nhiều khán giả cho rằng Táo Quân vi hành mang đến những cảm xúc mới mẻ khi đề cập đến cuộc sống của những người Việt xa xứ, qua đó lồng ghép nhiều câu chuyện vừa bi vừa hài.
Nhưng, cũng có không ít ý kiến nhận định chương trình “nhạt”, kém duyên, chưa được như kỳ vọng.
Quốc Khánh và Đỗ Duy Nam tung hứng trong chương trình.
Muôn hình vạn trạng của người Việt xa xứ
Táo Quân vi hành tiếp tục do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình của VTV sản xuất với sự tham gia của các diễn viên quen thuộc: Quốc Khánh, Xuân Bắc, Công Lý, Tự Long, Quang Thắng, Vân Dung, Minh Quân và hai diễn viên trẻ là Trung Ruồi và Đỗ Duy Nam.
Bộ ba Ngọc Hoàng – Nam Tào – Bắc Đẩu không đổi vai. Chương trình cũng mở đầu với hình ảnh thiên đình vốn quen thuộc với khán giả. Tuy nhiên, tình huống xảy ra là Bắc Đẩu (Công Lý) bị ảo giác, coi Ngọc Hoàng (Quốc Khánh) là cây cột. Từ đó, vấn đề chất kích thích được thiên đình bàn luận.
Bộ ba quyết định vi hành đến châu Âu tìm hiểu về thực tế người Việt trồng cần sa ở đây. Ngọc Hoàng, Bắc Đẩu, Nam Tào “hạ giới” xuống cầu Karl (cầu Charles) của cộng hòa Czech.
Để thâm nhập vào đời sống của người dân, Ngọc Hoàng, Bắc Đẩu vào vai người Việt vượt biên sang Czech, gặp nhiều tình huống trớ trêu. Cả hai sau đó gặp Trung Ruồi, người chuyên môi giới việc làm, giải quyết vấn đề giải tờ.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của “hai gà”, Trung Ruồi gạ gẫm đưa Ngọc Hoàng và Bắc Đẩu đi làm công nhân, rửa bát, làm nail… với mức phí là 80% lương hàng tháng.
Cứ thế, chương trình khắc họa phần nào cuộc sống của người Việt xa xứ. Tự Long vào vai bầu show chuyên tổ chức các cuộc thi nhan sắc không giấy phép, quảng cáo trá hình để bán vé show diễn.
Trong khi, Quang Thắng vào vai một người bận rộn kiếm tiền không có thời gian dạy con, dẫn đến con trai nói tiếng Việt nhưng chính anh cũng không hiểu. Vân Dung vào vai người phụ nữ đang mang bầu nhằm nói về thực trạng sinh con để được định cư ở nước ngoài.
Chương trình đề cập đến cuộc sống của người Việt xa xứ.
Chương trình xúc động ở những chi tiết cuối khi Đỗ Duy Nam trong vai con trai đã xin lỗi bố mình là Quang Thắng vì không hiểu hết sự vất vả của bố. Chi tiết này khiến nhiều người xem xúc động.
Ngọc Hoàng sau đó đưa ra những lời dặn dò bà con Việt kiều ở nước ngoài, cần chấp hành tốt luật pháp sở tại nhưng cũng phải giữ gìn văn hóa Việt. Ngọc Hoàng cũng dặn phải dạy cho con cái biết tiếng Việt và tự hào là người Việt Nam.
Xúc động nhưng mảng miếng hài đã cũ
Nhìn chung, Táo Quân vi hành được xây dựng nhằm hướng đến khán giả là Việt kiều, bên cạnh đó cũng giúp khán giả trong nước hiểu hơn về đời sống của người dân ở hải ngoài.
Trái với format đả kích các vấn đề xã hội vốn đã là thương hiệu của Táo Quân, Táo Quân vi hành là tiếng cười nhẹ nhàng, xen kẽ với những giọt nước mắt. Mỗi người có câu chuyện riêng, mỗi người có hoàn cảnh riêng để rồi tất cả đồng cảm với nhau vì cùng là người Việt, cùng mưu sinh trên đất khách.
Trên tinh thần đó, chương trình được một bộ phận khán giả ghi nhận. “Không hay bằng Táo Quân nhưng xem cũng khá xúc động. Có những chương trình như vậy mới hiểu hơn được cuộc sống của người Việt ở hải ngoại”, khán giả Dũng Minh nhận xét.
Trong khi, Hoa Trần chia sẻ: “Nhiều cảnh xúc động, xem chỉ muốn rơi nước mắt. Ấn tượng nhất với diễn xuất của Đỗ Duy Nam và những câu thoại của nhân vật này, rất chân thực”.
Tuy nhiên, cũng có một bộ phận khán giả cho rằng kịch bản chương trình chưa chặt chẽ, do vậy, tiếng cười gượng và chưa được duyên dáng. “Nhân vật của Minh Quân lố bịch, gây cười kiểu cơ học, không hấp dẫn”, người xem Minh Duy nêu quan điểm.
Tự Long đóng vai một bầu show trong chương trình.
Đồng quan điểm, khán giả Hồng Quyên bày tỏ: “Thực ra câu chuyện về người Việt xa xứ đã được kể rất hay ở nhiều bộ phim truyền hình. Tác phẩm này chủ yếu là nhắc lại, do vậy, nội dung không mới lắm”.
Dù có những ý kiến trái chiều, không thể phủ nhận Táo Quân vi hành là một chương trình có nhiều ý nghĩa dịp cuối năm, không chỉ với khán giả trong nước mà còn hướng tới khán giả Việt ở nước ngoài.
Chương trình mang đậm tính giải trí nhưng cũng đã lồng ghép nhiều câu chuyện thiết thực. Một số khán giả cho rằng, Táo Quân vi hành có thể được duy trì nếu phía sản xuất tiếp tục đổi mới và hoàn thiện format.
Theo Zing