Gần đây, nhiều người tiêu dùng nước ta đã bắt đầu sử dụng dịch vụ taxi mới và khác biệt gần như hoàn toàn so với các hãng taxi truyền thống, đó là Grab taxi và Uber taxi. Đây là loại hình kinh doanh taxi dựa vào ứng dụng công nghệ internet trên điện thoại di động.

“Gây rối loạn thị trường”

Cuối tuần qua, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã tổ chức hội thảo về hệ lụy của loại hình Uber taxi, Grab taxi và các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành nhằm hạ giá, nâng cao chất lượng vận tải. Tại hội thảo, đại diện hiệp hội cho rằng Grab và Uber không chỉ cung cấp phần mềm mà bản chất là kinh doanh vận tải bằng taxi.

Xe sử dụng dịch vụ của Grab taxi trên địa bàn TP Hà Nội Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Xe sử dụng dịch vụ của Grab taxi trên địa bàn TP Hà Nội Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Theo một lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội , Grab và Uber không tạo ra thị trường mới mà đơn giản là giành thị phần từ taxi truyền thống, tạo cạnh tranh không lành mạnh, trái pháp luật, làm các hãng taxi truyền thống gặp khó khăn, thậm chí có thể phá sản, đẩy nhiều tài xế taxi đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Trong khi cấm taxi truyền thống đi vào một số tuyến đường thì xe Uber, Grab lưu thông bình thường, góp phần gia tăng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP HCM.

Ông Phạm Duy Kính, đại diện VIC taxi, cho rằng Uber và Grab taxi hoạt động kinh doanh giống như taxi truyền thống nhưng lại không chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước; không cần phù hiệu, logo hãng, đồng hồ tính cước, thiết bị giám sát hành trình nên tự do phát triển số lượng. Đặc biệt, loại hình này thu tiền cước thấp hơn giá thành nên gây rối loạn thị trường.

Trước đó, cuối năm 2014, trong đơn đề nghị gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, kiến nghị cấm công ty Uber, Grab taxi và các tổ chức, cá nhân khác hoạt động kinh doanh vận tải hành khách dưới hình thức taxi trá hình. Ông Hỷ cho rằng Uber, Grab taxi sử dụng mọi “chiêu trò”, nhất là áp dụng chính sách khuyến mại cho tài xế, chủ xe, người giới thiệu..., đẩy taxi kinh doanh đúng pháp luật mất dần thị phần.

Cần minh bạch, công bằng

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, khẳng định hiệp hội không đề nghị cấm Uber, Grab hoạt động, chỉ kiến nghị nếu vi phạm thì xử phạt theo quy định pháp luật. Khi họ tuân thủ pháp luật, điều kiện hoạt động bình đẳng như các hãng taxi truyền thống mà giá rẻ thì phải hoan nghênh vì có lợi cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng taxi là loại hình vận tải khách công cộng nên những phương tiện vận tải không phù hiệu, tem mào, logo của Grab, Uber đang vượt tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Vì vậy, hiệp hội kiến nghị Chính phủ và cơ quan thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật quy định đầy đủ, rõ ràng về hoạt động của Uber taxi và Grab taxi. Đồng thời, tạm dừng hoạt động phương tiện không phù hiệu, không tem mào trong thời gian chờ ban hành các văn bản pháp luật nhằm bảo đảm sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết đến giữa tháng 11-2015, Hà Nội có 18.629 taxi và 2.364 xe hợp đồng được cấp phù hiệu (chưa kể taxi ngoại tỉnh và xe hợp đồng ngoại tỉnh về Hà Nội hoạt động). Sự xuất hiện loại hình vận tải mới thông qua ứng dụng phần mềm gọi xe như Uber, Grab taxi đã làm tăng đột xuất số lượng ô tô dưới 9 chỗ ngồi hoạt động.

Sở GTVT Hà Nội đề nghị Bộ GTVT khống chế số lượng, quy định rõ số ô tô dưới 9 chỗ được tham gia thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng; nếu không thì quy hoạch tổng thể của kinh doanh vận tải Hà Nội sẽ bị phá vỡ, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô còn tăng cao.

Theo Người lao động