Tây Du Ký 1986: 30 năm vẫn là tượng đài “bất khả chiến bại”

(2Sao) – Nhiều phiên bản sau đó đã không vượt qua được “cái bóng” quá lớn của bản 1986.

Năm 2016 này, “Tây Du Ký 1986” tròn 30 năm phát sóng. Dù đã có nhiều bản “Tây Du Ký” được làm lại trong suốt thời gian qua thì đối với độc giả của tiểu thuyết cũng như các fan, phiên bản 1986 do đạo diễn Dương Khiết chỉ đạo vẫn là bộ phim kinh điển nhất.với các thế hệ. Hãy cùng 2Sao điểm qua các nguyên nhân khiến bản 1986 này có sức sống mãnh liệt qua 30 năm:

“Tây Du Ký 1986” là phiên bản kinh điển được nhiều thế hệ yêu thích.


Nội dung bám sát nguyên tác

Nếu đã từng đọc qua tiểu thuyết “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân thì chắc chắn độc giả sẽ choáng ngợp trước sự đồ sộ của tiểu thuyết, từ bối cảnh cho đến nhân vật. Bản 1986 không có những ưu điểm về kỹ xảo hay bối cảnh hoành tráng như những bộ sau nó, song việc bám sát nguyên tác từ tiểu thuyết thì bản 1986 lại làm tốt nhất. Không hề thêm thắt bất cứ tình tiết nào để câu khách, cùng lắm là giảm bớt những tình tiết thừa không cần thiết. Đó chính là ưu điểm của bộ 1986 mà có lẽ các bộ sau này đều không thể sánh bằng.

Bản 1986 bám sát nguyên tác, dàn dựng súc tích gãy gọn.

Nói về các bộ “Tây Du Ký” sau này, thì tất cả không ít thì nhiều đã có những cải biên cho phù hợp với thời đại. Như bản “Tây Du Ký” của TVB đã thay đổi gần như 70% nội dung, khi xoáy sâu vào tính cách Tôn Ngộ Không như Tôn Ngộ Không biết yêu, hay kể rõ về số phận của Đường Huyền Trang hơn.

Bản của TVB năm 1996 bị phàn nàn vì cải biên quá nhiều


Bản “Tây Du Ký 2011” của Trương Kỷ Trung được đánh giá cao về phục trang, phong cảnh tốt song về nội dung thì cũng có những cải biên bị ném đá. Điển hình như việc loại bỏ thân thế quá khứ của các thầy trò Đường Tăng, rồi cho Đường Tăng mạnh mẽ tự lập hơn. Khán giả cho rằng mọi chi tiết trong tiểu thuyết đều có dụng ý và nếu sửa lại thì chẳng khác nào không tôn trọng nguyên tác.

Bản năm 2011 thay đổi nội dung cũng khá nhiều

Các bản “Tây Du Ký” điện ảnh thì bị cải biên quá mức, nội dung chỉ giống vỏ ngoài, còn bên trong hoàn toàn khác biệt. Việc này khiến các fan của nguyên tác hoàn toàn lắc đầu và họ lại tìm về bản 1986 như một hoài niệm tuổi thơ và hoài niệm về thời các tác phẩm phim ảnh được làm ra một cách nghiêm túc.

Các bản điện ảnh tùy ý thay đổi nguyên tác khiến khác giả ngán ngẩm.


Kỹ xảo thô sơ nhưng chân thực

Các phim ngày nay đều có sự hỗ trợ của kỹ xảo vi tính cũng như các công nghệ làm phim hiện đại, nên thường diễn viên sẽ diễn với phông nền xanh, mọi việc còn lại do máy tính lo hết. Các phim bom tấn của Mỹ hiện tại, việc lạm dụng kỹ xảo là chuyện hiển nhiên để thu hút khán giả theo dõi. Riêng với “Tây Du Ký 1986” thì ngược lại, phim thu hút khán giả bởi những gì mộc mạc và chân thực nhất.

Các cảnh võ thuật đều do các diễn viên tự thực hiện trong điều kiện thiếu kinh phí


Theo đạo diễn Dương Khiết kể lại, đoàn phim đã rong đuổi rất nhiều nơi để có được những ngoại cảnh đặc sắc nhất. Phim được quay trong điều kiện thiếu thốn kinh phí vào bấy giờ, cũng như không có được sự hỗ trợ về công nghệ như hiện nay. Do đó, các cảnh hành động, đánh nhau trong phim đều do các diễn viên cùng các diễn viên đóng thế thực hiện. Phiên bản 1986 cũng đã quay phim trong một thời gian nhiều năm, không thua kém gì chuyến đi của các thầy trò Đường Tăng trong phim. Vì vậy quay được tập nào thì đều đưa về đài để làm hậu kỳ và phát sóng ngay. Chính vì sự thiếu thốn kinh phí, không có kỹ xảo hỗ trợ mà đoàn phim càng cố gắng hơn nữa. trong việc mang lại sự chân thực cho khán giả. Tất cả thể hiện qua diễn xuất, các pha hành động đẹp mắt… 

Không có công nghệ vào thời điểm ấy, phim trở nên chân thực vì không lạm dụng kỹ xảo


Dàn diễn viên hợp vai, diễn xuất sinh động

Không thể phủ nhận rằng “khí chất” phù hợp vai diễn là một trong những yếu tố quyết định thành công của phim. Dàn diễn viên 1986 như bước ra từ tiểu thuyết, khi họ đều có những điểm phù hợp với các nhân vật trong nguyên tác.

Lục Tiểu Linh Đồng là linh hồn của phim.

Thành công lớn nhất của bản 1986 chính là có Lục Tiểu Linh Đồng trong vai Tôn Ngộ Không. Xuất thân là con nhà nòi với người cha chuyên diễn kịch qua vai Tôn Ngộ Không, nghiệp diễn của Lục Tiểu Linh Đồng cũng đã gắn bó với vai diễn này như một duyên phận. Vai diễn trong bản 1986 đã đưa anh nổi tiếng khắp châu Á, đến nỗi bản thân ông cho tới 30 năm sau vẫn phải thừa nhận đây là vai diễn kinh điển của mình. Ông không thể thoát khỏi hào quang của vai diễn, vì vậy Lục Tiểu Linh Đồng đã chọn tiếp tục gắn bó với vai diễn này qua các vở kịch về Tây Du Ký.

Các diễn viên như bước từ tiểu thuyết ra.

Các diễn viên khác như Mã Đức Hoa (vai Trư Bát Giới), Diêm Hoài Lễ (vai Sa Tăng), hay 3 diễn viên đóng Đường Tăng là Uông Việt, Từ Thiếu Hoa, Trì Trọng Thụy cũng rất hợp vai. Họ đã hóa thân thành các thầy trò Đường Tăng, cùng Tôn Ngộ Không rong đuổi trên cuộc thỉnh kinh ở Thiên Trúc xa xôi.

Lời kết

30 năm đã trôi qua và mỗi mùa hè về, thiếu nhi Việt Nam vẫn được xem lại “Tây Du Ký 1986” qua tivi. Dù có nhiều phiên bản thì bộ phim năm 1986 vẫn sống mãi trong lòng khán giả, bởi sự chân thực, bám sát nguyên tác cùng dàn diễn viên hợp vai hơn bao giờ hết. Chắc chắn bản 1986 sẽ còn tồn tại trong nhiều năm rất lâu nữa.


Nhân Sư
Theo Vietnamnet


Tin tức mới nhất