Hành trình làm phim thiếu thốn đủ đường

Vào thời điểm năm 1986, khi những tập đầu tiên của Tây Du Ký được phát sóng, đã có nhiều người từng nghĩ đoàn làm phim Tây Du Ký đi khắp các tỉnh thành Trung Quốc, còn sang nước ngoài quay phim, hẳn rất có điều kiện. 

Thực tế, kinh phí để quay Tây Du Ký vô cùng ít ỏi. Mỗi bữa cơm, thành viên đoàn làm phim chỉ được trợ cấp vỏn vẹn nửa nhân dân tệ (khoảng 2000 đồng). 

Khi đến những thành phố lớn đắt đỏ để quay phim, chi phí ăn uống tăng cao làm thức ăn trong mỗi bữa cơm càng thêm ít, nhất là các diễn viên và nhân viên nam không bữa nào đủ ăn.

Tây Du Ký 1986: Đạo diễn bị chê cười và những kiếp khổ không thể tin nổi!-1
Đạo diễn Dương Khiết thường xuyên phải bỏ tiền túi để mua thực phẩm cho các anh em trong đoàn làm phim. 

Trong đoàn làm phim Tây Du Ký năm đó không hề có sự phân biệt giữa diễn viên và nhân viên, diễn viên chính và diễn viên phụ, hoàn toàn không có trợ lí riêng và không có sự đối xử đặc biệt nào với các vai chính. 

Thậm chí trong lúc thiếu diễn viên đóng vai phụ, thành viên đoàn phim cũng hóa trang vào vai luôn để kịp tiến độ quay. Chính nhân viên hóa trang của đoàn cũng phải tự hóa trang để diễn các vai quần chúng.

Tây Du Ký 1986: Đạo diễn bị chê cười và những kiếp khổ không thể tin nổi!-2
Chuyên viên hóa trang Vương Hy Trung.

25 tập phim Tây Du Ký quay mất 6 năm trời, đây quả là một quãng thời gian rất dài. Lý do không chỉ bởi vì độ phức tạp của các cảnh quay mà còn bởi cả đoàn làm phim chỉ có duy nhất một máy quay nên không thể quay được nhiều góc độ, hiệu suất làm việc rất thấp.

Trong một chuyến thăm Nhật Bản, đạo diễn Dương Khiết bị một đài truyền hình Nhật chê cười vì bà quay phim mất quá nhiều thời gian. Nữ đạo diễn liền đáp lời nếu có được 5,6 máy quay như các đoàn phim Nhật Bản thì bà có thể quay nhanh hơn họ gấp nhiều lần.

Tây Du Ký ban đầu dự định quay tất cả 30 tập phim nhưng do chi phí quá lớn nên mới quay được 15 tập đã phải quay luôn đoạn kết.

Nhà đài đã đưa ra tối hậu thư với Dương Khiết, nếu bà có thể tự kiếm được một khoản vay thì đài truyền hình sẽ cho bà tiếp tục hoàn thành bộ phim.

Khi đó, toàn bộ thành viên đoàn phim lại phải chạy vạy khắp nơi để kiếm nguồn tài trợ. Cuối cùng phó chủ nhiệm sản xuất Lý Hồng Tinh đã vay được 3 triệu nhân dân tệ từ một công ty đường sắt. Chỉ ngặt một nỗi, do vật giá tăng cao nên 3 triệu này cũng không đủ để đoàn phim quay hết 15 tập như dự kiến. 

Vì thế Tây Du Ký cuối cùng vẫn chỉ có 25 tập, thiếu mất 5 tập phim dù đã có kịch bản từ trước. 

Trong Tây Du Ký, phó chủ nhiệm Lý Hồng Tinh cũng được đóng khá nhiều vai phụ. Đạo diễn Dương Khiết còn trân trọng giao cho ông vai Rết Tinh là một vai phản diện quan trọng để thay lời cảm ơn ông đã tìm được người tài trợ cho phim, khiến bà có thể hoàn thành được tác phẩm.

Tây Du Ký 1986: Đạo diễn bị chê cười và những kiếp khổ không thể tin nổi!-3
Phó chủ nhiệm Lý Hồng Tinh trong vai Rết Tinh.

Hi sinh tất cả vì tác phẩm để đời

Trong lúc quay, thành viên đoàn cũng nhiều lần gặp nguy hiểm đến tính mạng. Bản thân đạo diễn họ Dương từng suýt ngã xuống vách núi, thầy trò Đường Tăng khi quay cảnh lội qua thác trượt chân bị dòng nước cuốn trôi, đến cả chú ngựa Bạch Long Mã cũng gặp nhiều tai nạn suýt mất mạng.

Đạo diễn Dương Khiết và quay phim Vương Sùng Thu vốn là hai vợ chồng. Hai vợ chồng bà vì quay Tây Du Ký mà dứt áo bỏ cô con gái khi đó mới 12 tuổi ở nhà đi suốt 6 năm liền. Đạo diễn Dương Khiết và chồng cùng chỉ đạo phim Tây Du Ký

Tây Du Ký 1986: Đạo diễn bị chê cười và những kiếp khổ không thể tin nổi!-4
Hai vợ chồng đạo diễn Dương Khiết và quay phim Vương Sùng Thu

Để thực hiện được những cảnh quay cưỡi mây cưỡi gió đặc trưng như trong phim, đạo diễn Dương Khiết và chồng phải đích thân sang Hồng Kông để học hỏi kĩ thuật treo diễn viên lên dây cáp. Phương pháp này vào những năm 80 là hoàn toàn mới lạ đối với giới làm phim tại đại lục.

Những cảnh quay sử dụng Cân Đẩu Vân của Tôn Ngộ Không bắt buộc phải dùng đến kĩ thuật treo mình trên dây.

Vì kinh phí eo hẹp nên các biện pháp an toàn trong khi quay phim cũng được tiết kiệm tối đa. Các thiết bị dây treo được sử dụng đến mòn vẹt nhưng vẫn phải tận dụng lại khiến các diễn viên thường xuyên ngã và bị thương.

Nhất là Tôn Ngộ Không Lục Tiểu Linh Đồng và Từ Thiếu Hoa Trư Bát Giới là hai nhân vật phải thực hiện nhiều pha treo mình nhất. Việc quay phim nguy hiểm đến nỗi sau mỗi cảnh quay thành công mà không có ai bị thương, các diễn viên lập tức vỗ tay ăn mừng.

Có lần, nam diễn viên đóng vai Sa Tăng nặng gần 90 kg đã ngã trúng vào quay phim Vương Sùng Thu khiến ông bất tỉnh ngay trên trường quay.  

Bên cạnh tài năng của đạo diễn Dương Khiết, linh hồn của bộ phim Tây Du Ký chính là diễn xuất của Lục Tiểu Linh Đồng. Nữ đạo diễn nhớ lại Lục Tiểu Linh Đồng ban đầu rất lạ lẫm với cách diễn tinh nghịch, hoạt bát của Tôn Ngộ Không. Bà phải bố trí cho Lục Tiểu Linh Đồng một đạo diễn riêng để hướng dẫn ông cách diễn tả các tư thế, ngôn ngữ của Mỹ Hầu Vương. 

Lớp hóa trang lông lá khắp người khiến Lục Tiểu Linh Đồng chỉ có thể thể hiện cảm xúc phức tạp của Tôn Ngộ Không qua ánh mắt. Ánh mắt tinh anh, sáng lấp lánh của ông đã khiến Tôn Ngộ Không bản 1986 trở thành tượng đài không ai có thể vượt qua.

Tuy nhiên khi nhìn kĩ các cảnh quay cận, các khán giả có thể nhận ra ánh mắt của ông đôi khi hơi đờ đẫn. Lí do là vì Lục Tiểu Linh Đồng vốn bị cận thị nặng, trong lúc quay phim ông đã phải vô cùng cố gắng để diễn xuất dù không nhìn rõ. 

Các bức ảnh hậu trường sau này cũng cho thấy Lục Tiểu Linh Đồng thường phải đeo kính để đọc kịch bản.

Tây Du Ký 1986: Đạo diễn bị chê cười và những kiếp khổ không thể tin nổi!-5
Lục Tiểu Linh Đồng thực ra bị cận thị nặng.

Theo Trí thức trẻ