Gần 33 năm kể từ ngày sản xuất, bộ phim Tây Du Ký 1986 đã mang đến cho khán giả biết bao giá trị nhân văn, những bài học triết lý về làm người, ứng xử đằng sau 81 kiếp nạn ấy. Tuy nhiên, vẫn còn đó những điều bí ẩn, những giả thiết khiến không chỉ người xem mà ngay bản thân ê-kíp làm phim vẫn không thể nào lý giải nổi.

3 diễn viên vào vai Ngưu Ma Vương

Có lẽ tới tận bây giờ, nhiều thành viên trong ê-kíp của đoàn làm phim Tây Du Ký năm 1986 cũng không thể nào lý giải được sự trùng hợp đáng ngạc nhiên liên quan tới sự ra đi của ba nhân vật liên quan tới vai diễn Ngưu Ma Vương. Họ cùng ra đi vì căn bệnh như nhau và thậm chí là liên quan tới người đóng cùng.

 Tây Du Ký 1986 và sự trùng hợp xung quanh con số 3: 33 năm, 3 bí ẩn, 3 người qua đời-1
Diêm Hoài Lễ không chỉ vào vai Sa Tăng, ông còn kiêm thêm rất nhiều vai phụ khác như Thái Thượng Lão Quân, Ngưu Ma Vương, Tây Hải Long Vương và rất nhiều nhân vật quần chúng khác.

Ít ai biết được rằng, dù nhân vật Ngưu Ma Vương chỉ xuất hiện trong 3 tập phim nhưng lại có đến 3 diễn viên đảm nhận vai diễn này. Khi ấy, Đại Lý Ba được chỉ định đóng vai này, thế nhưng ngay sau khi hóa trang ông bị tức ngực khó thở, đi đứng không vững. Lúc ấy, đoàn làm phim quyết định thay diễn viên này bằng Diêm Hoài Lễ. Ông vừa đảm nhận vai diễn Sa Tăng vừa diễn vai Ngưu Ma Vương.

Thế nhưng, ở tập 14 và 17, cùng lúc có sự xuất hiện của Sa Tăng và Ngưu Ma Vương nên Diêm Hoài Lễ chỉ đảm nhận được 1 trong 2 vai diễn. Lúc này, diễn viên Vương Phu Đường được mời vào vai Ngưu Ma Vương. 

Tây Du Ký 1986 và sự trùng hợp xung quanh con số 3: 33 năm, 3 bí ẩn, 3 người qua đời-2
Mã Đức Hoa bật khóc trong tang lễ của Diêm Hoài Lễ.

Đáng tiếc thay, đến năm 2005, Vương Phu Đường qua đời vì căn bệnh viêm phổi. 4 năm sau đó, Diêm Hoài Lễ cũng qua đời vì căn bệnh này! Trước sự trùng hợp hi hữu này, truyền thông Trung Quốc đưa ra bình luận rằng, với vai diễn Ngưu Ma Vương không chỉ hai diễn viên qua đời mà Thiết Phiến Công Chúa (vợ Ngưu Ma Vương) cũng qua đời sớm.

Diễn viên đóng vai Như Lai Phật Tổ: Người dân xem như Phật Tổ thật và càng về già ngoại hình càng giống

Trong bộ phim Tây Du Ký, Chu Quảng Long đóng vai Phật Tổ. Thời điểm ấy, ông là một diễn viên nổi tiếng và không phải bộ phim nào ông cũng nhận lời tham gia. Thế nhưng, chính bản thân nam diễn viên này cũng không hiểu rõ tại sao mình lại nhận lời mời đóng phim Tây Du Ký dù rằng chưa biết mình đóng vai gì. Trong thâm tâm ông lúc ấy, nếu là vai yêu tinh ông sẽ hết mực từ chối.

Tây Du Ký 1986 và sự trùng hợp xung quanh con số 3: 33 năm, 3 bí ẩn, 3 người qua đời-3
Càng về già, Chu Quảng Long có ngoại hình càng giống vai diễn để đời của mình.

Khi đóng vai Phật Tổ, chính Chu Quảng Long cũng thừa nhận rằng, trong ông dường như có một con người khác, danh vọng đối với ông dường như không còn quan trọng nữa. Nhiều người lại xem ông như một Phật Tổ mặc dù ông giải thích rằng mình chỉ là diễn viên đang hóa trang vào vai diễn. Thế nhưng, mọi người vẫn thành kính cúi lạy và dâng hoa quả lên cho ông. 

 Tây Du Ký 1986 và sự trùng hợp xung quanh con số 3: 33 năm, 3 bí ẩn, 3 người qua đời-4
Tạo hình trong "Tây Du Ký" 1986 của Chu Quảng Long được đánh giá là giống Phật Tổ trong trí tưởng tượng của mọi người.

Không chỉ vậy, càng về già, nhiều người lại cho rằng, diện mạo của Chu Long Quảng càng có nét giống với vai diễn để đời của chính mình.

Diễn viên đóng vai Bồ Tát: Mỗi lần hóa trang là “có biến”

Trong phim Tây Du Ký được sản xuất năm 1986, Tả Đại Phân vào vai Bồ Tát. Theo lời diễn viên này, có một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên là mỗi khi bà hóa trang vào vai Bồ Tát là thời tiết lúc ấy lại thay đổi: Có khi trời đang mưa to, gió lớn nhưng khi bà hóa trang bước ra thì trời quang mây tạnh. Đáng ngạc nhiên, không chỉ 1-2 lần mà sự trùng hợp này diễn ra rất nhiều lần khiến những người trong đoàn làm phim cũng kinh ngạc.

Tây Du Ký 1986 và sự trùng hợp xung quanh con số 3: 33 năm, 3 bí ẩn, 3 người qua đời-5
Trong phim Tây Du Ký được sản xuất năm 1986, Tả Đại Phân vào vai Bồ Tát

Theo lời bà kể, đáng nhớ nhất vẫn là cảnh quay trên núi Nga My. Ngày hôm ấy, trời mưa lâm râm từ sáng tới chiều. Nhiều người trong đoàn phim đùa vui với bà rằng, có lẽ Quan Âm hết linh rồi nên trời mưa kéo dài không ngớt. Thế nhưng, tới khi thông báo tới cảnh quay Quan Âm Bồ Tát thì trời tạnh hẳn, mặt trời ló dạng và nắng vàng rực rỡ.

Hay như ở cảnh quay Tôn Ngộ Không quật ngã cây “nhân sâm quả”, ngày hôm ấy trời cũng mưa rả rích cả ngày. Khi Tả Đại Phân xuất hiện với cảnh quay Bồ Tát “hồi sinh” cho cây quý thì trời mưa gió không còn. Thế nhưng, khi cảnh quay vừa xong thì trời lại mưa như trút khiến ai ấy đều kinh ngạc.

Tây Du Ký 1986 và sự trùng hợp xung quanh con số 3: 33 năm, 3 bí ẩn, 3 người qua đời-6

Trên đây là một số câu chuyện ngoài lề đằng sau ống kính mà vẫn còn được lưu truyền tới ngày hôm nay. Đã 33 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên được bấm máy, đến nay bộ phim Tây Du Ký năm 1986 đã trở thành một phần tuổi thơ của nhiều người. Có ai mà không từng mê mẩn theo dõi bộ phim kinh điển này cơ chứ.

Theo Yan