Đông qua thu tới, vèo chớp mắt lại tới TẾT.
Lúc nhỏ tết sao mà vui thế, chỉ việc ăn với đi nhận mừng tuổi. Còn càng lớn càng thấy tết thật phiền phức. Nhìn mấy bà chị đi lấy chồng trước sao mà đến Tết cũng khổ, cứ vất vả ba ngày tết, cơm cơm nước nước thiết đãi họ hàng. Bà nào lấy chồng gần thì còn đỡ, lấy chồng xa mới khổ, một chốn mấy nơi, cứ tết là lo bồng bế con chạy như chạy giặc. Cô nhìn mình rảnh rang, một thân một mình xoay xở. Ở nhà với bố mẹ, thích ăn thì ăn, thích ngủ thì ngủ. Cuộc sống đang "bung lụa" thế này, dại gì mà đi lấy chồng?
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tàn gang. Thấm thoát thoi đưa rồi cô cũng 25 tuổi, lại 26 tuổi, lại 27 tuổi, và giờ thì là 30 tuổi. Đó cũng là thời khắc cô “thù tết”, "sợ tết”.
Đôi khi cô muốn hỏi bà con , xóm làng hai bên rằng "Ủa chứ tết và chuyện lấy chồng có gì liên quan không?" mà chưa kịp chúc mừng nhau lấy một câu đã liền hỏi ngay "bao giờ lấy chồng?", "sao mãi vẫn chưa lấy chồng?". Có một chuyện thôi mà gặp ai cũng hỏi. Hỏi từ năm này qua năm khác, từ mùa xuân này qua mùa xuân khác. Hỏi vậy dường như vẫn chưa hả dạ, không ít người còn phải phũ phàng thêm vế đằng sau “Già lắm rồi đấy, không lấy chồng đi thì tới khi nào mới lấy?”.
"Cuộc sống đang "bung lụa" thế này, dại gì mà đi lấy chồng?" - Ảnh minh họa
Mọi năm thì cô cứ lảng tránh, rồi cười cười cho qua chuyện, chứ riêng năm nay là cô quyết định đối diện, đáp trả thẳng thắn. Tâm lý của người Việt Nam, đôi khi cứ thích hỏi mấy chuyện “Khi nào lấy chồng?”, "Khi nào có con?”. Nhiều người hỏi không phải là tọc mạch mà chỉ là một thói quen. Họ không biết rằng thói quen này đôi khi hơi vô duyên trong cư xử. Và đã đến lúc phải có ai đó đứng dậy nói với họ rằng đừng nên hỏi những câu như thế nữa, như vậy kỳ lắm.
Tết năm nay, cô dự tính sẽ nói chuyện với chính bố mẹ và những người thân trong nhà. Vì chính bố mẹ, và những người thân trong nhà của cô, cũng hay mang bốn từ "Khi nào lấy chồng?" ra để hỏi. Cô giải thích để mọi người trong nhà hiểu rằng không nên hỏi những câu như vậy nữa. Hỏi một câu mà người được hỏi cảm thấy khó chịu, cảm thấy không vui, thì tốt nhất không nên hỏi.
Với riêng bản thân cô cũng thế. Nếu ai có hỏi cô “Sao mãi vẫn chưa chịu lấy chồng đi?, cô chẳng ngại ngần, chẳng cười cho qua quýt như mọi lần. Cô sẽ đáp trả luôn, nói thẳng với họ rằng từ nay trở đi đừng bao giờ mang những câu này ra hỏi. Đây là chuyện riêng của cô, cô không thích phải trả lời. Chẳng thà là mất lòng trước còn hơn, chứ nếu không tỏ thái độ thì họ còn hỏi từ năm này qua năm khác.
Chuyện cô hay bất cứ ai cũng thế, có lấy chồng hay không? Bao giờ lấy chồng? Là chuyện của cá nhân của mỗi người. Hoặc chí ít cũng là chuyện riêng của gia đình. Không phải là chuyện của hàng xóm bàn ra tán vào.
Chúng ta có nhiều kiểu để quan tâm, để hỏi han nhau. Không nhất thiết phải lôi những chuyện tế nhị như chồng con ra để hỏi. Hơn nữa, lấy chồng bây giờ đã chẳng còn là chuyện trọng đại của một đời người như quan niệm của các cụ ngày xưa. Lấy chồng bây giờ chỉ là một sự lựa chọn. Ai thích lựa chọn lấy chồng thì sẽ lấy. Có rất nhiều người như cô, chọn một cuộc sống độc thân. Và những người như cô vẫn cảm thấy hài lòng thoả mãn với cuộc sống hiện tại. Chỉ cần như thế là đủ rồi, đâu cứ nhất thiết phải lấy chồng. Lấy chồng làm gì, nếu như lấy chồng còn khổ hơn lúc còn độc thân? Lấy chồng để làm gì ? Nếu như chính bản thân mình còn chưa muốn.
Tết là dịp sum vầy đoàn viên bên gia đình, chứ không phải để hỏi han chất vấn nhau những chuyện riêng tư. Cô khuyến khích những người độc thân như cô chẳng việc gì phải ngại ngùng né tránh khi gặp phải những câu hỏi vô duyên. Cứ tốt nhất là thẳng thẳn tỏ thái độ là mình không thích bị hỏi. Để lần sau người ta biết thì tự khắc tránh đi mà không hỏi nữa.
Rút cuộc, đã đến lúc người Việt Nam cần biết rằng, hỏi chuyện chồng con của người khác, là một chuyện cực kì vô duyên chưa?
Theo Trí thức trẻ