Ngày 23 tháng Chạp hay còn gọi là ngày tiễn ông Công ông Táo về trời là một trong những ngày lễ quan trọng nhất đối với người Việt từ xa xưa. Người ta quan niệm rằng, mỗi căn bếp của các gia đình đều được ba vị Táo quân cai quản. Ông Táo (Táo quân hay Thổ Công) là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ, ông là vị thần quyết định sự may rủi, phúc họa của cả gia chủ, bên cạnh đó ông còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình.

Từ sau rằm tháng Chạp, người dân 3 miền Bắc - Trung - Nam bắt đầu chuẩn bị dọn dẹp bếp núc chuẩn bị tiễn ông Táo về trời. Việc cúng ông Công, ông Táo có một số nét chung nhưng theo tập tính văn hóa, mỗi miền vẫn có sự khác biệt nhất định.

Miền Bắc không thể thiếu bộ áo mũ các Táo và cá chép

Ở miền Bắc, người dân thường cúng ông Công ông Táo khá sớm, bắt đầu từ 20 và muộn nhất là trưa 23 tháng Chạp. Bởi người dân quan niệm sau giờ đó thì ông Công, ông Táo phải bay về trời, không còn ở dương gian nữa.

Bàn thờ Táo Quân của người miền Bắc thường bày cao hơn bàn thờ tổ tiên, trên đó gồm bộ mũ, hia. Trong mâm cỗ cúng Táo quân của người miền Bắc không thể thiếu bộ áo mũ các Táo và cá chép. Tùy theo từng địa phương, từng gia đình mà số lượng cá có sự khác nhau.

Tết ông Công ông Táo 3 miền Bắc - Trung - Nam có gì khác biệt?-1
Mũ các Táo và cá chép là thứ không thể thiếu trong mâm cúng ông Công ông Táo miền Bắc

Có nhà chỉ dùng 1 con, trong khi có nhà lại cúng tới 3 con cá chép vàng. Cá chép còn sống được đặt bên cạnh mâm lễ vật, sau khi làm lễ xong sẽ được gia chủ đem thả phóng sinh ở nơi sông suối, ao hồ với ngụ ý để cá chép hóa rồng, làm phương tiện đưa các Táo về trời.

Miền Trung cúng ngựa giấy cho các Táo về trời

Người dân miền Trung cúng ông Táo rất cầu kỳ. Họ thường dâng lên một con ngựa bằng giấy, có yên cương đầy đủ chứ không cúng áo mũ vàng mã cho các Táo như người miền Bắc.

Tết ông Công ông Táo 3 miền Bắc - Trung - Nam có gì khác biệt?-2
Miền Trung cúng ngựa giấy. Ảnh minh họa

Ông Táo trong văn hóa Huế và một số tỉnh lân cận cũng có vị trí cực kỳ quan trọng khi người dân vừa thờ ông Táo trên Trang Ông, vừa lập bàn thờ nhỏ ở bếp.

Cứ vào ngày 30, mùng 1, ngày 14 và ngày rằm hàng tháng, gia chủ sẽ dâng lễ cúng ông Táo với hoa quả, nhang đèn. Đặc biệt, người phụ nữ miền Trung nết na hiền thảo luôn được căn dặn phải giữ cho bếp núc sạch sẽ, gọn gàng và yên tĩnh.

Vì vậy, lễ tiễn ông Táo về trời ở vùng này cũng rất trọng thể. Dân Huế thường đốt vàng mã và dâng cúng nhiều lễ vật cho các Táo.

Ông Táo cũ được tiễn khỏi bàn thờ bếp và đặt bên cạnh các am miếu hoặc gốc cổ thụ cạnh ngã ba đường, sau đó gia chủ làm lễ rước ông Táo mới về nhà. Tượng ba ông Táo mới cũng được rước lên bàn thờ để gia chủ dễ bề hương khói.

Miền Nam tiễn ông Táo về trời vào ban đêm

Người miền Nam thường cúng Táo quân vào buổi đêm, trong khoảng từ 20h đến 23h.

Người miền Nam quan niệm, lễ cúng ông Công ông Táo chỉ được thực hiện vào thời điểm cuối ngày, sau khi cả gia đình đã dùng xong bữa tối, không cần phải dùng đến bếp núc để nấu nướng, phiền hà đến các Táo nữa thì mới có thể làm lễ tiễn Táo về chầu trời.

Tết ông Công ông Táo 3 miền Bắc - Trung - Nam có gì khác biệt?-3
Mâm cỗ cúng của miền Nam khá đơn giản

Do có sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền nên tục cúng ông Công ông Táo của người miền Nam cũng có nhiều nét tương đồng với người miền Bắc. Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo ngày 23 của người miền Nam khá đơn giản, gồm có bình hoa tươi, đĩa kẹo “”thèo lèo cứt chuột” làm từ mè đen và đậu phộng, nhang đèn, 3 chung nước nhỏ và đặc biệt là bộ “cò bay, ngựa chạy” - hình giấy con cò và con ngựa dùng để hóa sau khi cúng lễ với mong muốn tiễn Táo về chầu trời nhanh hơn.

Theo SaoStar