Vào những ngày này, trẻ em được ông bà, cha mẹ may cho những bộ quần áo sắc màu rực rỡ để mặc đi chơi Tết.
Tết Xíp Xí của người Thái trắng ở Sơn La được tổ chức trong một ngày duy nhất, thậm chí là một bữa cơm duy nhất vào trưa ngày 14.7 âm lịch hàng năm. Xíp Xí trong tiếng Thái khi dịch ra tiếng phổ thông có nghĩa là ngày 14. Ngày này, khắp các bản người Thái trắng đều rộn rã tiếng chiêng, tiếng trống, cầu mong cho mùa màng tươi tốt, cuộc sống dân bản ấm no hạnh phúc, đời đời bền vững.
Cũng giống như nhiều lễ hội truyền thống, Tết Xíp Xí có hai phần, là phần “mo” – tức phần lễ và phần hội – tức phần vui chơi. Phần “mo” - phần nghi thức thờ cúng tổ tiên, nhớ đến công ơn các thế hệ tiền bối.
Đồ vật cúng tế trong nghi lễ phần “mo” được tổ chức theo từng gia đình, có nơi theo dòng họ và tùy từng hoàn cảnh gia đình mà tổ chức to, nhỏ khác nhau. Lễ vật cúng bắt buộc phải có: Rượu, một con ngan, một con gà và bánh nếp - loại bánh được làm từ bột gạo nếp, gói lá chuối và đồ chín.
Anh Nùng Văn Ửng đang làm cỗ cúng tổ tiên.
Người dân đang bày cỗ để đón anh em dòng họ và khách đến chung vui ngày Xíp Xí cổ truyền.
Ông Nùng Văn Tấm, Trưởng bản Mai Quỳnh xã Mường Bon (huyện Mai Sơn, Sơn La) cho biết: “Hằng năm, cứ vào ngày 14.7 âm lịch, bản chúng tôi nhà nào cũng mổ ngan, mổ gà, gói bánh nếp đặt lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên mừng tết Xíp Xí. Chúng tôi cầu mong ông bà, tổ tiên phụ hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu. Con cháu ai ai cũng đều mạnh khỏe, vui tươi và thành đạt trong cuộc sống. Dịp này, anh em họ hàng, quen biết thường đến thăm nhà nhau và chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất”.
Cúng tổ tiên – phần việc quan trọng trong Tết Xíp Xí.
Sau khi cúng xong, gia đình cùng ngồi xum vầy bên mâm cơm. Con cháu chúc người già sống lâu trăm tuổi; người lớn cầu mong cho con trẻ mạnh khỏe, tươi vui và thành đạt. Đối với người Thái trắng Quỳnh Nhai, Tết Xíp Xí còn là dịp đồng bào dân tộc thể hiện lòng mến khách của gia đình.
Bạn bè thân quen thường được mời dự Tết. Bà con quan niệm gia đình nào mời được nhiều khách khứa đến dự càng may mắn.
Mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên bắt buộc phải có một con ngan, một con gà và bánh nếp để thể hiện lòng thành kính.
Tết Xíp Xí không chỉ có ăn uống, vui chơi mà gắn với hoạt động “khắp chúc muôn” - nghĩa là hát chúc mừng; “khắp sòn côn” - hát dạy làm người và “khắp báo sao” – tức hát giao duyên.
Đặc biệt là các chàng trai, cô gái đang ở tuổi đôi mươi cùng tham gia vui chơi các trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, múa, hát các bài dân ca mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là cơ hội để các cặp trai, gái đến tuổi xây dựng gia đình giao lưu, tìm hiểu tiến tới dựng vợ, gả chồng.
Các cô gái Thái Trắng đang cùng nhau gói bánh nếp để mừng tết Xíp Xí.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Nùng Thị Tích, bản Mai Quỳnh cho hay: “Nhà tôi chuẩn bị các nhu cầu thiết yếu và thức ăn đón Tết Xíp Xí trước đây 10 ngày. Nhà nào cũng phải gói xôi, thịt, bánh nếp và mua giấy màu đỏ, xanh, tím, vàng về cắt thành 15 bộ quần áo cúng gia tiên để tỏ lòng biết ơn”.
Ai từng được tham gia Tết Xíp Xí cùng đồng bào người Thái trắng ở Sơn La dù chỉ một lần sẽ khó mà quên được tình người lai láng cũng như những món ăn truyền thống trong dịp Tết này.
Theo Dân Việt