Tại cuộc giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều nay, ông Nguyễn Văn Tốn - TGĐ công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cho biết, khi xảy ra sự việc nước sạch có mùi lạ, ngày 10/10, Viwasupco đã báo cáo sự việc đến Công an và tỉnh Hòa Bình.


Bảo nước ô nhiễm thì chứng cứ đâu

Theo ông Tốn, vì công ty nằm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nên Viwasupco báo cáo sự việc cho tỉnh.

“Tại sao công ty không báo cáo cơ quan chức năng Hà Nội? Thực sự báo cáo thì báo cáo cái gì, vì chất lượng nước vẫn đảm bảo”, ông Tốn nói.

Ông Tốn cho hay, ngày 9/10, đội vớt rong rêu phát hiện váng dầu tràn vào lúc 9h. Thời điểm đó công ty đã huy động toàn bộ cán bộ công nhân viên của công ty và người dân quây để dầu không lan ra ngoài hồ, sau đó dùng thiết bị chuyên dụng hút dầu, tránh ô nhiễm nguồn nước.

"Song song đó, công ty cũng cử người đi tìm lý do tại sao và đi lòng vòng khe núi mới phát hiện ra dầu thải đó vãi trên đường. Công ty huy động 2 xe cát để thấm, làm sạch đường, cách ly toàn bộ khu vực dầu tràn xuống. Ngày 10/10, huy động người dân ở đó làm sạch toàn bộ", ông Tốn nêu.

Trả lời thêm về việc báo cáo chính quyền địa phương, ông Tốn cho rằng, ngay lúc đó công ty đã gọi điện báo chính quyền địa phương và công an tỉnh truy tìm, lập biên bản, nhưng sáng hôm sau mới xuống, có biên bản ngày 10/10.

"Tại sao công ty báo cáo ngày 10, vì tất cả công nhân viên tập trung vớt dầu, kể cả văn thư, kế toán phải ra vớt dầu. Cái đó người dân chứng kiến", ông Tốn giải thích.

Ông nói thêm, bản thân đã cho anh em xét nghiệm và với máy móc đạt A cho kết quả, mùi vị vẫn cứ bình thường, nên công ty vẫn cho tiếp tục sản xuất, xử lý.

"Đêm 9/10, công ty đã súc xả tuyến ống khoảng 10km và bể tràn, bể chứa. Sau đó đến ngày 10, công ty nhận được phản ánh của khách hàng, báo chí về hiện tượng mùi đã cho phòng thí nghiệm đi kiểm tra. Thực ra, nước ra nhà máy vẫn đảm bảo, còn có thể là vì mùi clo.

Trên đó, kể cả ngày 11, liên ngành lên kiểm tra, có cả báo chí tham gia, trên nhà máy cũng có mùi", ông Tốn nói thêm.

Về việc không dừng cấp nước sạch sông Đà cho người dân ở phía tây nam TP Hà Nội, ông Tốn xin chia sẻ thật: "Thực ra lúc bấy giờ với thâm tâm của tôi 80% là dừng cấp nước vì nghĩ có thể chất lượng nước có vấn đề. Trong thâm tâm của tôi không bao giờ lấy tính mạng người dân để kinh doanh”.

Ông Tốn cho biết, công ty này đã tham khảo chuyên gia và cũng nhận được phản biện nếu tạm dừng sản xuất thì phải có lý do gì để cắt nước.

“Nếu bảo nước ô nhiễm thì chứng cứ đâu, trong khi đó kết quả kiểm tra nội hàm vẫn đảm bảo”, ông Tốn nói về chất lượng nước do công ty tự xét nghiệm.

Ông mong được thông cảm vì công ty không phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu mà đặt sức khỏe người dân, chất lượng nước lên trên hết.

“Qua đây thì cũng rút kinh nghiệm những phản ánh của khách hàng, vì khách hàng là thượng đế. Nhiều khi công ty không phản ánh kịp thời, giải thích cho người dân hiểu”, ông Tốn giãi bày.

Và đến lúc này ông Tốn mới nói, “Vâng! Xin lỗi”. Công ty sẽ họp rút kinh nghiệm, nếu sai sẽ chịu trách nhiệm.

Về việc chất thải có xử lý được không, ông Tốn cho hay, trong dây chuyền sản xuất của công ty có 1 máng hớt váng. Tuy nhiên, ông không dám chắc có xử lý được dầu tràn hay không vì đây là lần đầu xảy ra sự việc.

“Thực ra bản thân tôi cũng là Tổng giám đốc làm thuê. Nếu dừng cấp nước thì tôi quá an toàn, quá hay. Nhưng tôi có một cái tâm duy nhất là phục vụ người dân, vì người dân, không vì cái gì hết”, ông Tốn giãi bày.

Chưa xác định hàm lượng styren ảnh hưởng đến đâu

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, Sở đã chủ động giám sát các mẫu nước và lấy 8 mẫu, bao gồm cả trên nhà máy, cột và 4 mẫu ở hộ dân.

TGĐ nước sạch sông Đà: Tôi làm thuê, nếu dừng cấp nước thì tôi quá an toàn-1
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh

Kết quả xét nghiệm cho thấy, có chất styren và nồng độ cao hơn tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho phép (20mg/l).

Cụ thể, nồng độ cao dần hơn ở phía nhà máy, thấp dần ở phía nhà dân với mức cao hơn từ 3,6-1,6 lần mức cho phép.

Chất styren theo quy định nằm trong chỉ tiêu C và sẽ kiểm tra 2 năm một lần. Với sự cố vừa qua, đơn vị đã phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Y tế để kiểm tra.

Ông Hạnh nhận định, mùi "lạ" ở nước mà người dân cảm nhận được có thể do chất styren, do dầu chảy ra và mùi clo gây khó chịu.

"Với nước sạch có 2 tiêu chí, một là nước có mùi, hai là styren có nồng độ cao hơn thì không đảm bảo chất lượng. Còn chất styren có ảnh hưởng như thế nào thì hiện nay chưa có tài liệu chính thống nói rõ", ông Hạnh nêu.

Ông cũng dẫn lại tài liệu của cơ quan quản lý Mỹ, quy định nước uống đóng chai là không quá 0,1 mg/lít. Mỗi nước quy định khác nhau. Có những thông tin khác nhau ở những nước, những cơ quan khác nhau.

"Đúng là hàm lượng styren có cao hơn mức bình thường nhưng chưa có căn cứ để xác định ảnh hưởng đến đâu, ảnh hưởng thế nào đối với sức khỏe người dân", ông Hạnh nói.

Ông nêu rõ, kiểm tra có 2 phần, nội kiểm và ngoại kiểm. Nội kiểm do nhà máy làm và chịu trách nhiệm.

Còn ngoại kiểm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan kiểm soát bệnh tật và hàng tháng đều có xét nghiệm, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước là Sở Xây dựng, trên cơ sở đó có khuyến cáo.

Theo Vietnamnet