Quãng đường đi xe máy về quê của các công nhân làm việc tại Bình Dương, Đồng Nai tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Nhưng họ đành chấp nhận vì không thể tiếp tục bám trụ nơi đất khách.
Có người còn quyết định đi bộ theo đường Hồ Chí Minh để ra bắc. Không ít trường hợp bị thương, kiệt sức dọc đường.
"Nếu không về, không còn tiền để trụ lại"
Trong đoàn 500 người đi bộ từ huyện Tân Uyên (Bình Dương) về Hà Giang có nhiều trẻ em, phụ nữ mang thai. Sau nhiều tháng thất nghiệp, họ không còn tiền. Phương tiện vận tải hành khách không hoạt động, những người này đành đi bộ về quê dù quãng đường dài hơn 1.800 km.
Đôi chân của Chẩu Thị Kính (thai phụ 26 tuổi, dân tộc Mông) sưng tấy sau gần một ngày đi bộ. Tối 2/10, Kính cùng chồng hòa vào dòng người xuất phát từ huyện Tân Uyên.
Đến Đắk Nông, đoàn người dừng lại, trông chờ sự trợ giúp của địa phương. Chính quyền tỉnh Đắk Nông sau đó liên hệ các đơn vị vận tải huy động xe khách chở đoàn người đến địa phận Đắk Lắk.
Không có xe, chị Kính cùng chồng định đi bộ từ Bình Dương về Hà Giang. Ảnh: T.N.
Chẩu Thị Kính cho biết vợ chồng chị quê huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Đầu năm 2021, Kính gửi 2 con nhỏ cho ông bà nội rồi cùng chồng vào Bình Dương làm công nhân. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, họ mất việc sau 3 tháng, đúng lúc Kính mang thai đứa con thứ 3.
"Có bầu, chân em sưng to, đi lại khó khăn nên không mang được đồ đạc. Từ khi xuất phát, chồng em mang theo 3 túi hành lý, nhưng đi quãng đường dài không đủ sức nữa rồi. Đồ đạt giờ bỏ hết, chỉ mang theo mấy bộ quần áo", Kính thở dài, đưa đôi mắt nhìn chồng đang nằm ngủ thiếp trên nền đất.
Trước khi hòa vào đoàn người đi bộ, vợ chồng Kính đã cân nhắc rất kỹ. Cô bật khóc về hoàn cảnh của bản thân: “Ở lại thì không còn tiền ăn, ra về thì không có phương tiện. Em đã khóc rất nhiều khi phải lựa chọn đi bộ gần 2.000 km trong khi mình đã ở những tháng cuối thai kỳ. Nhưng nếu không về, trong người không còn tiền để trụ lại. Bây giờ, ngoài 50.000 đồng tiền mặt, vợ chồng em chỉ còn 5 gói mì tôm được phát dọc đường".
Chiếc xe máy không yên được anh A Mà thay bằng 3 chiếc gối để về quê. Ảnh: T.N.
May mắn hơn vợ chồng Kính, gia đình 4 người của anh A Mà (quê Nghệ An) tìm được chiếc xe máy cũ để làm phương tiện di chuyển. Gọi là xe nhưng phương tiện chỉ còn mỗi bộ khung.
Xe không có yên nên anh Mà dùng 3 chiếc gối làm đệm. Xác định xe chỉ đủ chỗ chở 4 người, họ mang theo những vật dụng cần thiết, nhiều đồ đạc đành bỏ lại Bình Dương.
Giống như vợ chồng Kính, Mà và vợ là công nhân thất nghiệp nhiều tháng nay. Lương họ chỉ đủ sống nên khi dịch ập đến, cả nhà phải chắt bóp. Được các mạnh thường quân giúp đỡ nhưng trước cảnh bữa thiếu, bữa đủ, cả nhà quyết định về quê.
Vợ và 2 con anh Mà bị xây xát nhiều chỗ trên cơ thể, kiệt sức khi về quê. Ảnh: T.N.
Trong lúc trò chuyện với phóng viên, con gái nhỏ của anh Mà khóc thét vì đau. Người đàn ông này cho biết cả nhà vừa té xe nửa tiếng trước. Hai con gái của anh bị xây xát nhiều nơi trên cơ thể. Bé 3 tuổi liên tục khóc quấy, còn đứa con lớn nằm trên đường nghỉ ngơi sau hành trình dài.
“Giờ không về quê thì biết sống sao. Tôi chỉ mong quãng đường gần 1.000 km còn lại cả gia đình được bình an”, người đàn ông này nói.
"Hỗ trợ người dân để họ không cảm thấy bị bỏ rơi”
Từ khi người dân về quê, dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh xuất hiện các địa điểm tiếp lương thực, nước uống. Nhiều trường hợp khó khăn được chính quyền và mạnh thường quân hỗ trợ.
Anh Nguyễn Hải Bắc, Trưởng nhóm tình nguyện Đắk R’lấp 24H ở Đắk Nông, thường xuyên giúp đỡ những người gặp khó trên đường về quê.
Ngoài giúp người dân thuê phương tiện, nhóm của anh Bắc còn mua xe máy cũ cho hàng chục trường hợp đi bộ. Nhóm cũng nhiều lần cùng mạnh thường quân góp tiền mua thức ăn, hỗ trợ công dân khó khăn khi đến huyện Đắk R'lấp.
"Họ lam lũ quanh năm, đến đường về nhà cũng nhiều trắc trở, thiếu thốn mọi bề. Người lớn đã đành, trẻ con cũng phải chịu lây, dầm mưa dãi nắng nên anh em bắt tay vào giúp đỡ. Bớt một người khổ là thêm một phần vui cho mình và xã hội", anh Bắc tâm sự.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cùng mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí cho người dân về quê. Ảnh: T.N.
Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết hơn 8.000 người đã di chuyển qua địa phương này trong 3 ngày qua. Lực lượng chức năng đã phát lương thực, nước uống và dẫn người đi xe máy qua địa phận.
Còn những người dân đi bộ về quê, tỉnh bố trí phương tiện chở đến cầu 110 giáp ranh Gia Lai để địa phương này tiếp tục hỗ trợ. Theo ông Nghị, Đắk Lắk quyết không để người dân phải đi bộ.
“Tôi đã chỉ đạo cán bộ làm việc tại các chốt kiểm soát dịch phải đảm bảo cho người dân có thức ăn, nước uống, không được để đói. Ngoài ra, cán bộ cũng phải niềm nở, không được để người dân tủi thân. Cần động viên, hỗ trợ người dân để họ không cảm thấy bị bỏ rơi”, ông Nghị nói.
Theo Zing