Thần đồng tiên tri Ấn Độ Abhigya Anand trong vài năm trở lại đây được truyền thông săn đón bởi những dự báo khá chính xác của cậu về đại dịch Covid-19.
Những tiên tri dựa trên chiêm tinh học của Abhigya Anand thường được đăng tải trên kênh Youtube CONSCIENCE với hơn 1,1 triệu lượt theo dõi.
Cách đây 5 tháng, Abhigya Anand đã đăng video dự đoán tựa đề "Global Energy Crisis and Economic Challenges" (tạm dịch: Khủng hoảng Năng lượng và Thách thức Kinh tế Toàn cầu) ngày 22/10/2021.
Trong video này, thần đồng tiên tri Ấn Độ Abhigya Anand dự đoán 7 thách thức lớn mà thế giới phải đối mặt cùng lúc trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022.
Ngạc nhiên thay, vài vấn đề trong số 7 thách thức đó đang dần trở thành hiện thực!
Thần đồng tiên tri Ấn Độ Abhigya Anand.
Trước tiên, Abhigya Anand dự báo 7 thách thức lớn mà thế giới phải đối mặt bao gồm:
- Khủng hoảng năng lượng
- Khủng hoảng kinh tế
- Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu
- Đại dịch Covid-19
- Thời tiết khắc nghiệt
- Thiếu than
- Nạn đói hoành hành
Cùng phân tích các dự đoán của Abhigya Anand dưới góc độ chuyên môn và hiện trạng của thế giới.
Trong báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) công bố ngày 11/3/2022, các chuyên gia của FAO cho biết cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến thị trường nông nghiệp toàn cầu.
Không chỉ vậy, bản báo cáo dài 41 trang của FAO còn đưa ra những rủi ro kinh tế và nhân đạo liên quan đến cuộc xung đột này. Báo cáo có được từ bài thuyết trình của Tổng giám đốc FAO Qu Dongyu và các bộ trưởng nông nghiệp G7, Thefencepost thông tin.
1. Đứt gãy chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu
FAO phân tích: Nga và Ukraine là một trong những nước sản xuất hàng hóa nông nghiệp quan trọng nhất trên thế giới. Cả hai quốc gia đều là nhà xuất khẩu ròng các sản phẩm nông nghiệp và cả hai đều đóng vai trò cung cấp hàng đầu trên các thị trường thực phẩm và phân bón toàn cầu.
Năm 2021, Ukraine được xếp hạng trong số ba nhà xuất khẩu toàn cầu hàng đầu về lúa mì, ngô, hạt cải dầu, hạt hướng dương và dầu hướng dương, trong khi Nga cũng đứng đầu trong số các nhà xuất khẩu phân đạm hàng đầu thế giới và là nhà cung cấp thứ hai thế giới về phân bón kali và phốt pho.
Ảnh minh họa: IFC
Riêng tại Ukraine, xung đột leo thang gần đây đã dẫn đến việc đóng cửa cảng, ngừng sản xuất hoạt động nghiền hạt có dầu và đưa ra các yêu cầu cấp phép xuất khẩu đối với một số loại cây trồng... tất cả đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và dầu thực vật của quốc gia này trong những tháng tới.
Còn đối với Nga, lĩnh vực xuất khẩu gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt cho nước này.
Kết quả: Nhiều nước thuộc nhóm Quốc gia kém phát triển (LDC) và nhóm Quốc gia thiếu hụt lương thực có thu nhập thấp (LIFDC) - phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp lương thực của Ukraine và Nga để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của họ - đang phải vật lộn với những tác động tiêu cực của giá lương thực và phân bón quốc tế tăng cao.
2. Nạn đói hoành hành
Cũng trong bản báo cáo của FAO, các chuyên gia nêu rõ những rủi ro nhân đạo liên quan đến những căng thẳng leo thang ở Nga và Ukraine.
Xem thêm:
Cụ thể, trên quy mô toàn cầu, nếu xung đột Nga-Ukraine tiếp tục thì vấn đề này có thể gây thêm áp lực gia tăng đối với giá hàng hóa thực phẩm quốc tế, đặc biệt là gây tổn hại cho các nước dễ bị tổn thương về kinh tế.
Các tính toán của FAO cho thấy rằng, số người thiếu dinh dưỡng trên toàn cầu có thể tăng từ 8 đến 13 triệu người vào năm 2022/23, với sự gia tăng rõ rệt nhất diễn ra ở Châu Á - Thái Bình Dương, tiếp theo là Châu Phi hạ Sahara, và Cận Đông và Bắc Phi.
Riêng tại Ukraine, do hạn chế trực tiếp sản xuất nông nghiệp, hạn chế hoạt động kinh tế, và tăng giá, cuộc xung đột sẽ tiếp tục làm giảm sức mua của người dân địa phương, với hậu quả là gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng.
3. Khủng hoảng năng lượng
FAO đánh giá, Nga là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong thị trường năng lượng toàn cầu.
CNBC hôm 2/3/2022 bình luận, những căng thẳng giữa Nga và Ukraine để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu.
Liên minh Châu Âu (EU) phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga và sự phụ thuộc đó đã buộc Mỹ và châu Âu, cho đến nay, duy trì kẽ hở trong các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với Nga.
Ngày 16/3/2022, Bloomberg cho hay, khủng hoảng Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga đã làm chao đảo thị trường năng lượng, khiến giá dầu thô vượt 100 USD/thùng và gây áp lực lên Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để tăng sản lượng.
4. Các vấn đề khác
Những dự báo của Abhigya Anand phần lớn đúng với thời điểm hiện nay khi Trái Đất đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu/nóng lên toàn cầu do lượng CO2 và CH4 (từ các hoạt động nhân tạo) phát thải ồ ạt vào bầu khí quyển. Điều này khiến thiên tai nhiều hơn, gây mất mùa, hệ quả là gây ra nạn đói ở nhiều nơi trên thế giới.
Với việc đại dịch Covid-19 diễn ra liên tục trong vài năm qua đã khiến cho sức khỏe của nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng, chuỗi cung cứng toàn cầu vì thế cũng bị tác động.
Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng của con người ngày càng cao thì khủng hoảng năng lưỡng/thiếu nhiên liệu đang là bài toán của nhiều chính phủ. Đã đến lúc, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo/năng lượng sạch phải được đưa lên hàng đầu.
CNBC cho biết, khủng hoảng Nga-Ukraine không chỉ gây tổn thương cho thị trường năng lượng toàn cầu, mà còn ảnh hưởng đến một vấn đề khác là biến đổi khí hậu.
Như báo cáo nghiêm trọng công bố hồi cuối tháng 2/2022 của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của LHQ (IPCC) được đưa ra khẩn cấp và rõ ràng rằng: Hiện tượng nóng lên toàn cầu là một mối đe dọa cấp bách đối với hạnh phúc của con người.
"Gần một nửa nhân loại đang sống trong vùng nguy hiểm - ngay bây giờ. Nhiều hệ sinh thái đang ở điểm không thể quay trở lại - ngay bây giờ. Ô nhiễm carbon không được kiểm soát đang ghì buộc những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới rơi vào sự hủy diệt - ngay bây giờ" - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres tuyên bố trên website chính thức của Liên Hợp Quốc (LHQ).
"Nhiên liệu hóa thạch chính là 'ngõ cụt' cho hành tinh của chúng ta, cho nhân loại, cho các nền kinh tế" - ông António Guterres nói thêm.
Theo Trí Thức Trẻ