Sân khấu Nghệ thuật Thiên Đăng ra mắt vở mới Duyên thệ do Nguyễn Thị Minh Ngọc chấp bút, NSƯT Hữu Châu đạo diễn.
Duyên thệ chuyển thể từ 2 cuốn tiểu thuyết Bỏ vợ (1938) và Bức thơ hối hận (1953) của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Tác phẩm mở màn bằng cảnh Huyền (Lê Phương) một mình chăm con vất vả được Cang (Thành Lộc) và ông Thanh hàng xóm (Hữu Châu) hết lòng hỗ trợ.
Chồng cô - thầy thông ngôn Võ Như Bình (Lương Thế Thành) đi làm xa không về cũng không cho vợ con xuống thăm. Một ngày nọ, Huyền nghe tin chồng ở Cần Thơ đã kết hôn với Hương - một góa phụ giàu có (Hoàng Trinh) nên tìm đến nhà xác minh.
Tạo hình luộm thuộm của Thành Lộc trong vai anh thợ máy.
Tận mắt thấy chồng tham phú phụ bần, Huyền ôm con trở về Sài Gòn. Dòng đời xoay chuyển đưa hai gia đình đến những kết cục khác nhau, không nằm ngoài triết lý chủ đạo thiện thắng ác, ở hiền gặp lành của truyện Hồ Biểu Chánh.
Nâng tầm truyện Hồ Biểu Chánh
Trước đây, 2 tác phẩm Bỏ vợ và Bức thơ hối hận từng được đạo diễn Hồ Ngọc Xum chuyển thể thành phim Gieo nhân. So với phiên bản truyền hình lê thê và biến tấu không hợp lý, vở kịch Duyên thệ được dựng khá cô đọng cùng một số điều chỉnh nội dung phù hợp.
Truyện Hồ Biểu Chánh đơn giản, không đào sâu tâm lý, các nhân vật hầu như hành xử bản năng: Võ Như Bình bỏ vợ vì tham tiền, Huyền vội vã tìm chồng mới chỉ để trả đũa người phụ bạc mình...
Ở Duyên thệ, Sân khấu Thiên Đăng thêm, bớt nhiều tình tiết để chân dung các nhân vật hiện lên sống động, có tính điển hình. Võ Như Bình xảo trá, tàn nhẫn, ngoài cư xử cạn tình với vợ còn lập mưu bắt con về nhà mới.
Thái độ của nhân vật Võ Như Bình bên vợ cũ, vợ mới.
Huyền trong bản gốc được khắc họa cục súc, bỗ bã, bật lên hình ảnh cô gái ít học đối lập với Bình học cao. Khi bị phản bội, cô không tỏ ra đau khổ, thay vào đó là giận dữ chửi rủa, văng tục rồi dứt áo trở lại Sài Gòn kiếm chồng khác.
Ngược lại, Huyền của Lê Phương là người vợ tào khang kiểu mẫu, một lòng tin yêu chồng nên đau khổ đến gục ngã. Cô ít học nhưng cư xử nhỏ nhẹ, nói năng có phần văn vẻ ảnh hưởng từ người chồng có học thức.
Nhân vật Cang từ "ông thợ máy ở nhà ngói nhỏ, hay mặc bộ đồ màu xanh đi làm" được vun đắp thêm tiểu sử: không người thân thích, từ Bắc lưu lạc vào Nam một ngày mưa lớn. Một mình gặp khó xứ lạ, người duy nhất chìa tay giúp đỡ anh là Huyền.
Vì vậy, tuyến truyện Cang và Huyền hợp lý hơn nhiều so với một đám cưới không tình yêu, chỉ để "có nơi nương dựa, có người nấu cơm cho ăn".
Một số nhân vật phụ như vợ chồng Tám Tồn (Thành Khôn) - Tư Lẽo (Phương Dung), Bảy Linh (Phi Phụng), chị em Mỹ Loan (Nghiêm Nhi) - Mỹ Phụng (Trang Tuyền)... được chỉnh sửa hoặc thiết kế lại nhằm thêm mảng hài và hợp lý hóa đường dây kịch bản.
Tương tác giữa Thành Lộc và Hữu Châu luôn được yêu thích.
Ngoài ra, phần lời thoại được nâng cấp từ giản đơn, thuần túy truyền đạt thông tin lên văn chương, có hồn và chiều sâu, một số câu chứa thông điệp.
Thành Lộc làm khó mình
Dựng kịch từ 2 tiểu thuyết có nội dung đơn giản, bộ ba Thành Lộc, Hữu Châu và Minh Ngọc bỏ nhiều công sức, tâm huyết gia cố nội dung.
Thành Lộc làm khó mình khi "hô biến" nhân vật Cang thành người Bắc, đồng nghĩa phải thoại giọng Bắc xuyên suốt gần 4 tiếng. Cách phát âm, nhả chữ cho thấy nam nghệ sĩ có đầu tư, nghiên cứu.
Khó thể đòi hỏi Thành Lộc giống hệt người Bắc nhưng đôi cảnh cao trào, anh dường như 'ngả nghiêng' giữa giọng Bắc và giọng thật. Ngoài ra, việc pha tiếng làm giảm hiệu quả diễn đạt cảm xúc, dễ khiến người xem nhớ đến các màn pha tiếng gây cười trước đây mà bớt nhập tâm, xúc động.
Lê Phương tròn vai người vợ hiền.
Kịch bản Duyên thệ thêm đất diễn cho các nhân vật phụ tỏa sáng, có đời sống riêng, trừ Mỹ Loan - con gái lớn của Hương. Vì thêm thắt góc khuất cho gia đình Hương, nhân vật Loan (bản gốc là Hoàng) xuất hiện chóng vánh, thể hiện vai trò then chốt trong hậu vận của ông Bình rồi bị bỏ lửng.
Bên cạnh đó, nhân vật Thanh được xây dựng khá mờ nhạt, thiếu điểm nhấn, dưới tầm thực lực diễn xuất của Hữu Châu. Anh không có phân đoạn để tỏa sáng cũng không đóng góp nhiều cho tác phẩm với vai trò diễn viên.
Theo VietNamNet