Nếu ví cuộc đời như một cuốn sách thì đời người nghệ sĩ có những chương rất lạ, những câu chuyện để rồi bây giờ khi kể ra, ai cũng thấy như chuyện “thần kỳ”.

Ấy vậy  mà… chúng có thật chứ chẳng phải là một vở kịch nào đang diễn ra trên sân khấu.

Thành Lộc từng tắt thở trên tay mẹ

Nghe má Thành Lộc kể ngày xưa khi mang thai anh, bà bị bệnh rất nặng. Chính vì vậy, khi Thành Lộc ra đời, cả nhà quyết định đưa anh cho người khác nuôi. Nhưng vì không đành lòng lòng, bà lại mang anh về nhà.

Vì má liên tục ốm đau ngày thai nghén nên Thành Lộc sinh ra đã có sức khỏe không tốt, bệnh tật liên miên, có lúc còn lên sởi rất nặng. Nghe người nhà kể lúc đó, khi má bế trên tay, anh đã tắt thở, cơ thể lạnh ngắt.


Quá tuyệt vọng, má ôm anh chạy đến ngôi chùa Tân Nghĩa ở Gò Vấp để hy vọng có một “phép màu”. Đón anh từ tay mẹ, sư trụ trì đã đặt anh dưới một cái chuông lớn và gióng một tiếng.

Kỳ lạ thay, sau tiếng chuông ấy, đứa bé quặt quẹo Thành Lộc bỗng bật dậy, cười khanh khách như chẳng có chuyện gì xảy ra. Nhìn con trai đang bệnh tật bỗng nhiên hoạt bát, khỏe mạnh, ba má anh sững sờ, không dám tin vào mắt mình.

Sau câu nói của sư thầy: “Thằng nhỏ đã đi qua một kiếp. Bây giờ sẽ là một kiếp khác của nó”, cả nhà mới dám tin là thật. Cũng từ đó, Thành Lộc được ba má gửi lên chùa, quy y cửa Phật với pháp danh là Thành Tâm.

Để dễ nuôi, má còn quyết định cho anh mặc đồ con gái và để tóc dài. Bởi vậy trong nhà đến giờ vẫn có mấy tấm ảnh Thành Lộc mặc áo bà ba chẳng khác gì con gái. Mãi đến năm 7 tuổi, anh mới được cắt tóc ngắn và mặc đồ con trai để đến trường.

Tên thật của anh dần dà cũng bị quên lãng, mãi cho đến khi Thành Lộc tốt nghiệp trường Sân khấu điện ảnh, anh mới quyết định lấy tên mình làm nghệ danh.

Cát Phượng được cứu sống bằng tình thương của mẹ

Cũng giống Thành Lộc, từ ngày chào đời Cát Phương đã hay đau ốm. Con người ta uống sữa để lớn chứ nhà Cát Phượng phải duy trì sự sống cho chị bằng các loại thuốc khác nhau.

Vì sức khỏe không tốt nên người Cát Phượng gầy nhom, khô đét như que củi. Nhìn con gái không đành, mẹ bế chị đi hết thầy nọ đến thầy kia nhưng chỉ thấy nặng thêm.

Chẳng hiểu Cát Phượng bị bệnh gì mà chén thuốc vừa uống vào miệng đã lập tức thông ra ở cửa hậu.


Mẹ khóc nhiều quá, bà nội và cha phải an ủi: “Nếu số con không sống được với mình thì thôi, đừng buồn” nhưng giọt máu do chính mình mang nặng đẻ đau, mẹ đâu thể mặc kệ.

Ai chỉ chỗ nào có thầy thuốc giỏi, mẹ cũng đưa chị đi, cực khổ vất vả bao nhiêu, bà cũng chịu, chỉ mong được ngày thấy chị khỏe mạnh như con nhà người.

Hy vọng thì mong manh trong khi tình mẹ lại rộng lớn. Có bữa đang trên xe đưa chị đi khám, nhìn Cát Phượng dặt dẹo trên tay, mẹ khóc òa, mặc kệ ánh nhìn thương xót của mọi người xung quanh.

Ngay lúc ấy, có một ông lão lại gần hỏi thăm, cầm bàn tay của chị lật coi rồi nói: “Cô đừng có buồn, đứa nhỏ này không chết đâu” rồi ông chỉ cho bà sang chỗ một thầy thuốc Nam nức tiếng.

Có lẽ tình thương của mẹ đã khiến ông trời động lòng và sắp xếp cho chị có được cuộc gặp gỡ định mệnh ngày hôm ấy. Nếu không có câu nói động viên và củng cố niềm tin đúng lúc, có lẽ cuộc đời của Cát Phượng còn những ngày dài thấm đẫm nước mắt của mẹ.


Theo Trí Thức Trẻ