Thanh niên Việt bị đánh đập dã man, vứt xuống sông trên đất Nhật và những video gây phẫn nộ
Tối 2/8, trên mạng xã hội xuất hiện một loạt thông tin cùng nhiều video quay lại vụ một nam thanh niên người Việt bị đánh đập dã man ở bờ sông Nhật Bản.
Video kéo dài vài phút đã làm nhiều người cảm thấy không thở nổi, khi thấy cảnh chàng trai bị đấm, giẫm đạp liên tiếp vào người, vào mặt. Hung thủ thậm chí còn cố tình giằng tay nạn nhân - khi đó đang cố bám vào thành cầu - để ném cậu xuống sông rồi dùng chân dìm nạn nhân chìm sâu xuống.
Sốc hơn, những cảnh đó không phải được trích xuất từ camera an ninh, mà chính là do các nhân chứng quay lại. Điều gây phẫn nộ hơn cả chính là thái độ của nhân chứng - người quay clip.
Theo thông tin thì có ít nhất 4 người Việt có mặt tại hiện trường vào thời điểm thanh niên kia gặp nạn.
Hình ảnh nạn nhân bị đánh đập dã man trên clip do nhân chứng quay. (Ảnh cắt từ clip)
Đó là 2 cô gái nói tiếng Việt, vừa run rẩy quay phim vừa bình luận: “Sao mà nó ác quá vậy. Quay clip lại giao cho công an để làm bằng chứng”. Và ở một góc nhìn khác, là một cặp đôi nam - nữ.
Cặp đôi này theo dõi vụ hành hung dẫn đến cái chết thê thảm của nạn nhân với một vẻ khoái trá, còn hô hào cổ vũ: “Đúng rồi, đạp nó xuống", "uy tín luôn" kèm theo những lời văng tục, như thể đang xem phim.
Thế nhưng, mọi việc chỉ dừng lại ở đó. Không ai trong số 4 nhân chứng này, và có thể là cả những người khác có mặt trên cầu Namba lên tiếng can thiệp, không ai báo cảnh sát, không ai giơ tay kéo nạn nhân chới với giữa dòng sông lên, hoặc ném cho cậu ta cái phao.
Kết cục là, chàng thanh niên vừa qua tuổi đôi mươi, vừa hoàn thành chương trình du học tại Nhật, đang đợi ngày trở về bên mẹ, đã tử vong. Trong khi đó, hung thủ lẳng lặng bỏ đi, rất chậm rãi.
Khi được Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật Bản yêu cầu hợp tác điều tra, Bùi Đức Bảo, người được cho là đã livestream và đăng tải video lên nhóm của những người Việt sống tại Osaka, người này thản nhiên trả lời mình "chỉ đăng tải lại video để câu view". Danh tính của những nhân chứng khác vẫn chưa được tìm ra.
Nhưng bất luận ai thật sự là người quay lại clip đó, kẻ bình luận khoái trá trước cảnh bạo lực là ai, đó cũng là tận cùng của vô cảm. Tôi không dám tưởng tượng cảm giác bất lực, nỗi đau đớn, cơn khủng hoảng tâm lý của cậu du học sinh ấy.
Xung quanh em lúc đó, chỉ có kẻ sát nhân và vài người tò mò, livestream đăng lên mạng xã hội.
Tôi không dám chắc thanh niên ấy vẫn còn sống, nếu ai đó, thay vì chỉ quay phim thì trị hô gọi cảnh sát đến, hoặc hét ầm lên để khiến hung thủ chùn tay mà dừng lại. Tôi cũng không đoán được, nếu ai đó vứt điện thoại đó mà xông ra cứu em, kết cục sau đó sẽ thế nào.
Tôi không có cơ sở gì để chắc chắn, vì "nếu" là mệnh đề mãi mãi không có thật…
Khoảnh khắc kinh hoàng: Nạn nhân bị hung thủ ném xuống sông Namba. (Ảnh cắt từ clip)
Chúng ta không bao giờ biết được! Nhưng có một điều tôi dám tin, rằng nếu các phương án ấy có cơ hội để xảy ra, ngay cả chàng trai mới qua đôi mươi ấy vẫn không qua khỏi, thì ít nhất, trong trái tim mẹ em sẽ bớt đi một cơn quặn thắt.
Mẹ em sẽ chỉ nhận được tin con đã mất nơi xứ người, và (có thể) có một phần an ủi, rằng những người tử tế đã nỗ lực để cứu em; thay vì một nỗi đau kép, mà nỗi đau sau còn khủng khiếp hơn tin con chết: Những giây phút cuối đời của con mình bị đồng loại đem ra làm trò câu like.
Tôi muốn nhấn mạnh là đồng loại, chứ không phải là đồng hương. Đâu đó trên mạng, người ta bảo vì người đã khuất không kêu cứu bằng tiếng Việt, nên những nhân chứng người Việt kia không biết để giải cứu.
Đâu đó có người bảo rằng, giúp người bị nạn luôn kéo theo sự phiền toái, mất thời gian, rầy rà về pháp luật… mà có thể những người chứng kiến vụ hành hung không sẵn sàng đánh đổi. Ai đó nói rằng, việc đăng clip lên mạng câu like chỉ là sự bồng bột nhất thời của tuổi trẻ không biết nghĩ sâu xa…
Có 1.001 lý do có thể được viện dẫn, nhưng sao có thể biện minh cho sự vô cảm đến tột cùng của kẻ nhìn thấy một sinh mạng đồng loại đang lâm nguy mà không mảy may có ý định cứu giúp? Phàm là đồng loại, ấy đã là lý do quan trọng nhất để (tìm cách) cứu rồi!
Hãy nguyện cầu để khi mình sơ sảy, những người tử tế không đi vắng
Dân tộc nào, nền văn hóa nào, tín ngưỡng, tôn giáo nào cũng dạy trẻ con như thế, rằng phải biết yêu thương đồng loại. Có ai dạy chúng ta thờ ơ, vô cảm đến mức nhẫn tâm, nhìn thần chết từ từ cướp đi sinh mạng của đồng loại, nhìn người khác bị tổn thương, bị làm đau, bị rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm mà không mảy may nghĩ đến việc cứu hộ, chỉ vì đó "không phải việc của tôi"?
Cứu giúp người bị nạn trong khả năng của mình, đó không chỉ là vấn đề tình người, văn hóa sống hay ý nghĩa tâm linh, mà còn là "nghĩa vụ" của người có lương tri.
Thái độ ứng xử trước nỗi đau, tai họa của người khác là phản ứng tự nhiên mang tính người, là thước đo đạo đức, là sự sát hạch đạo đức xã hội một cách nghiêm khắc nhất. Trước nỗi đau, tai họa và bất công mà người khác phải chịu đựng trước mắt mình, ai đó không phản ứng được tức là đã bị tê liệt về tinh thần xã hội.
Trở lại với câu chuyện ứng xử trên mạng xã hội, khi những nút like và "mắt" xem livestream được đặt nặng hơn mạng người, điều đó cho thấy sự đứt gãy nghiêm trọng trong tâm hồn của một bộ phận người, khi người ta quên đi cách kết nối thật sự.
Khi sự gắn kết giữa người với người trong xã hội bị rạn nứt, khi sự ngờ vực lấn át bản năng cứu người, nó làm cho con người không dám tin vào điều thiện, không dám đứng lên chiến đấu chống cái xấu và cái ác.
Kinh hãi hơn, còn hùa theo cái ác, như những tiếng vọng: “Uy tín quá”, “Đấm nó đi”, “Ơ thằng kia ngất rồi, nó chết rồi à”... oang oang phát ra từ phía người quay phim.
Khi cảnh sát tiếp cận hiện trường, nạn nhân đã tử vong.
Có thể, việc chứng kiến ai đó bị hành hung đến chết là một sự vụ hy hữu vô cùng. Nhưng sự vô cảm có thể đã "nảy mầm" từ lâu, mà ta không thấy rõ. Vô cảm chính là sự trơ lì cảm xúc, dửng dưng, bàng quan với mọi sự.
Đó là khi người ta chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân, gặp cái tốt không ủng hộ, thấy cái xấu, cái ác không dám lên án, không dám chống lại... vì cho rằng điều đó không liên quan đến họ.
Không có cách gì khác để chữa lành rạn vỡ của lương tri, ngoài việc nuôi dưỡng lòng nhân ái và dũng khí trong mỗi con người, để vực dậy sự tử tế của tâm hồn xã hội. Trẻ con (và cả người lớn) phải được dạy rằng máu thịt của mình cũng quý giá như người khác, rằng sự an toàn của người khác cũng đáng được trân trọng không kém gì mình...
Đó là cách duy nhất để chúng ta tự bảo vệ bản thân và bảo vệ lẫn nhau, chẳng may một ngày những người tốt quanh mình "đi vắng".
Làm sao có thể chắc chắn rằng, người hả hê trước nỗi đau và cái chết của người khác sẽ không bao giờ gặp nạn? Làm sao có thể chắc rằng, chúng ta sẽ kịp thời có mặt khi người thân yêu của mình bị nguy nan?
Không ai chắc được, nhưng nếu sự thiện lương trở thành cổ thụ trong trái tim (thật nhiều) người, trong đó có chính chúng ta, rất có thể ta sẽ gặp được người tử tế ven đường.
Bạn của tôi ơi, bất kể bạn thuộc tôn giáo, tín ngưỡng nào, tin rằng ai là đấng sáng thế, năng lượng nào đang chi phối cõi người đầy phức tạp này, hãy nguyện cho hạt thiện lành trong mình có đủ mạnh mẽ để vươn cao; nguyện cầu cho những người tốt quanh mình mỗi lúc một đông; nguyện rằng họ đừng lướt qua hay im lặng với một người nguy khốn...
Hãy tưởng tượng, người nằm dưới lòng sông Namba ấy không phải là một ai xa lạ, mà là người thân của chúng ta, ta hy vọng mọi người sẽ làm gì ở trong thời khắc đó? Chắc chắn không phải là rút điện thoại ra livestream!
Theo Pháp luật và Bạn đọc