Theo SCMP, số lượng đồng hồ giả được phát hiện bởi Watchfinder & Co (nhà bán lẻ trực tuyến đồng hồ đã qua sử dụng) đang tăng lên. Trong đó, hàng nhái của thương hiệu Rolex chiếm khoảng một nửa số đồng hồ giả được lưu thông.

Giám đốc điều hành của Watchfinder - Arjen van de Vall - cho biết, có tới 10% đồng hồ được xác định là hàng giả trong quá trình xác thực.

Thật giả lẫn lộn: Đồng hồ Rolex nhái dùng tiểu xảo này để lừa người mua-1
Bộ sưu tập đồng hồ giả do Cục Hải quan và Tiêu thụ đặc biệt của Hong Kong (Trung Quốc) thu được trị giá hơn 30,5 tỷ đồng (Ảnh: SCMP).

Arjen van de Vall cho hay: "Rolex là thương hiệu đồng hồ xa xỉ được khao khát nhất và có nhu cầu cao. Do đó, hãng này bị sao chép nhiều nhất".

Hàng giả cũng ngày càng tinh vi và khó phát hiện hơn. Watchfinder từng có thể xác định khoảng 80% đồng hồ giả chỉ bằng mắt thường. Hiện tại, con số đó chỉ là 20%.

Các nhân viên của tập đoàn xa xỉ Thụy Sĩ Richemont hiện cần thực hiện nhiều cuộc kiểm tra chi tiết hơn, bao gồm mở nắp lưng đồng hồ và kiểm tra các chuyển động để xác định hàng nhái cao cấp.

Thật giả lẫn lộn: Đồng hồ Rolex nhái dùng tiểu xảo này để lừa người mua-2
Một nhân viên hải quan Thái Lan trưng bày những chiếc đồng hồ Rolex giả bị tịch thu trong các cuộc "đột kích" khác nhau ở Bangkok, Thái Lan (Ảnh: AFP).

Đồng hồ xa xỉ giả hoặc nhái là vấn đề ngày càng gia tăng trong thị trường đồng hồ thứ cấp trị giá 27,3 tỷ USD mỗi năm. Thậm chí, có một số phiên bản giả mạo đánh lừa cả những chuyên gia am hiểu nhất.

Hãng sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ Omega cho biết, 3 nhân viên cũ đã làm giả một chiếc Omega Speedmaster "Frankenstein".

Đại diện của thương hiệu nói với Bloomberg rằng, chiếc đồng hồ là sự pha trộn của các bộ phận chính hãng từ những mẫu đồng hồ cổ điển khác nhau.

Mẫu đồng hồ được bán đấu giá vào năm 2021 với giá 3,4 triệu USD (hơn 80,3 tỷ đồng), mức giá cao nhất từng được trả cho đồng hồ Omega. Bản thân công ty là người mua và họ nói rằng, mình là nạn nhân của âm mưu.
Thật giả lẫn lộn: Đồng hồ Rolex nhái dùng tiểu xảo này để lừa người mua-3
Rolex hiện có chương trình chứng nhận sở hữu trước để đảm bảo sự an tâm cho người tiêu dùng (Ảnh: Rolex).

Năm 2022, Rolex bắt đầu chương trình xác thực những chiếc đồng hồ đã qua sử dụng được bán thông qua các đại lý ủy quyền.

Không chỉ có đồng hồ Rolex bị làm giả hoặc thay thế bằng các bộ phận, linh kiện không chính hãng. Tình trạng làm giả gia tăng đối với đồng hồ đã qua sử dụng xảy ra sau khi giá của những mẫu được ưa chuộng tăng vọt lên mức chưa từng có trong thời kỳ đại dịch.

Giá thị trường thứ cấp đã giảm khoảng 18% trong năm qua, theo Bloomberg.

Arjen van de Vall cho biết, giá ít biến động hơn trên thị trường đồng hồ khi các nhà đầu cơ rút lui là điều đáng hoan nghênh.

"Chúng tôi không quan tâm đến đợt chạy tiền điện tử tiếp theo. Đối với chúng tôi, đó không phải là về đầu cơ, sự ổn định là tốt", ông cho biết.

Theo Dân trí