Có tài, có huy chương… không có danh hiệu

Thương Tín tên thật là Bùi Thương Tín, sinh năm 1956, tại Phan Rang, Ninh Thuận. Khán giả nhớ đến ông chủ yếu qua hàng loạt vai diễn ấn tượng như Sáu Tâm trong “Biệt động Sài Gòn”, thiếu tá Lưu Kỳ Vọng trong “Ván bài lật ngửa” hay tướng cướp Bạch Hải Đường trong “Săn bắt cướp”…

Nhưng Thương Tín còn là một “ngôi sao” trên sân khấu. Ông đã diễn khoảng 100 vai kịch, trong đó 2/3 là vai chính. Ông từng đóng cặp với kỳ nữ Kim Cương trong các vở gây tiếng vang như “Huyền thoại mẹ”, “Bông hồng cài áo”, “Vực thẳm chiều cao”, “Trà hoa nữ”… Tài năng của Thương Tín được nhiều người trong nghề thừa nhận.

Thật khó cứu Thương Tín?-1

Khi phóng viên hỏi về Thương Tín, NSƯT Lê Thiện không ngại ngần đánh giá: “Anh ấy ở Đoàn Kịch Cửu Long Giang, chính là Đoàn kịch Nam Bộ từ ngoài Bắc về. Tôi ở Đoàn Cải lương Nam Bộ, cũng từ ngoài Bắc về.

Về đây, nghệ sĩ chúng tôi mới bắt đầu được học hành, đào tạo tại chỗ. Anh Thương Tín là một trong những khoá diễn viên đầu tiên được đào tạo trực tiếp trong hoàn cảnh như thế. Anh ấy diễn rất hay, độc đáo lắm, là nghệ sĩ có tài”.

Thời vàng son của Thương Tín

Chính Thương Tín cũng tự hào về thành tích của mình trong nghề nghiệp. Ông từng khoe với phóng viên Tiền Phong, ông đã giành rất nhiều huy chương từ kịch đến phim ảnh: “Ở vai diễn trong phim “Bài ca không quên” tôi giành giải nam diễn viên xuất sắc nhất, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VI, 1982. Tôi cũng đoạt 5 huy chương vàng. Huy chương vàng đầu tiên dành cho vai diễn trong vở “Màu giấy mới”.

Huy chương vàng thứ hai ở vở “Đứng trước biển”. Huy chương vàng thứ ba ở vở “Huyền thoại mẹ”, khi tôi tham gia Đoàn kịch Kim Cương. Còn hai vai diễn ở hai vở nữa cũng giúp tôi đoạt huy chương vàng nhưng tôi quên tên rồi”.

Thật khó cứu Thương Tín?-2

Ông kể, hồi còn là diễn viên kịch ông đi diễn ở biên giới hay những vùng miền xa xôi khá nhiều và có nhiều kỷ niệm: “Hồi năm 79, tôi phục vụ ở Thái Nguyên, đang diễn phải chui xuống hầm”.

Thương Tín cũng từng thắc mắc: Tại sao ông nhiều huy chương trong nghề như thế mà chưa được phong tặng bất kỳ danh hiệu nào? Thế mới là Thương Tín!

Trong khi ai cũng hiểu vì sao ông không được phong tặng danh hiệu, chỉ riêng người trong cuộc lại không hiểu. Nói đến Thương Tín, NSƯT Lê Thiện trầm giọng: “Chỉ tiếc người có tài lại có tật…”.

Chỉ là người của Đoàn kịch Kim Cương?

Nếu Thương Tín không có tật thì đâu nên nỗi như hôm nay? Ban đầu, khi biết hoàn cảnh sống của nam tài tử một thời không ít nghệ sĩ đã giang tay giúp đỡ. Nhưng qua bao sóng gió có lẽ cũng chỉ còn NSND Kim Cương là chỗ dựa của Thương Tín. Năm nào ông cũng nhận được quà Tết từ đàn chị. Ông gọi kỳ nữ một thời là chị hai.

Không có chị hai Kim Cương là tôi khổ lắm”, Thương Tín nói trong dịp Tết vừa qua. Phóng viên liên lạc với NSND Kim Cương, hỏi bà vì sao không buông tay với người tài lắm tật. Bà cười, đáp vui: “Chắc tôi nợ Thương Tín từ kiếp trước”.

Thật khó cứu Thương Tín?-3

Có lẽ, Thương Tín là nghệ sĩ “chăm” thay số điện thoại nhất hiện nay. Đồng nghiệp hay người quen Thương Tín bây giờ cũng không rõ số điện thoại ông đang sử dụng. Vợ ông cũng giống ông, hay thay số điện thoại. Số điện thoại trước đây của Kim Chi, vợ ông, cũng không còn liên lạc được. Kết nối với ngôi sao “Ván bài lật ngửa” thật khó khăn.

NSND Kim Cương chia sẻ: “Tôi không có số điện thoại Thương Tín. Không biết cậu ấy đang ở với ai nữa”. Phóng viên hỏi: “Hồi Tết vẫn thấy Thương Tín nhận quà của bà cơ mà?”. Bà lại cười: “Cứ khi sắp chết cậu ấy mới kêu tôi. Khi tôi phát quà, Tín có tên trong danh sách thì tới lĩnh tiền. Khi Tín mệt, không có tiền thì cũng tới cửa kêu tôi. Chỉ một lần duy nhất, khi Tín nằm nhà thương thì tôi vô thăm. Ngoài ra, tôi chưa kịp tìm chàng thì chàng đã tìm tôi rồi”. Phóng viên bình luận: “Bà có tấm lòng Bồ Tát!”.

NSND Kim Cương không nhận lời khen: “Anh em sống chết có nhau, chứ không phải có tấm lòng Bồ Tát”. Phóng viên lại hỏi: “Thương Tín có là hội viên Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh không?”. Dừng một lát bà đáp: “Không. Thương Tín chỉ là người của Đoàn kịch Kim Cương thôi. Tín làm cho tôi mấy chục năm.

Thành ra bây giờ Tín đau ốm nếu trong khả năng tôi lo được thì tôi lo cho Tín. Tôi cũng lo cho 3-4 chục người. Tụi tôi gây lộn hoài nhưng anh em nghệ sĩ thương nhau lắm, sống cảm tính, dễ gây lộn, dễ giận mà cũng dễ thương nhau, khó bỏ nhau”.

Một lãnh đạo của Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh cũng nói: “Thương Tín không phải hội viên Hội Sân khấu, cũng chưa chắc là hội viên Hội Điện ảnh. Anh ấy không tham gia Hội nào của thành phố”.

Phóng viên kết nối với một vị lãnh đạo khác của Hội Điện Ảnh Việt Nam. Vị này từ chối những câu hỏi liên quan đến Thương Tín, chỉ bảo: “Không nói được đâu. Có nhiều vấn đề lắm. Chính tôi và anh em nghệ sĩ hỗ trợ nhiều rồi nhưng theo tôi bây giờ không ai dám nhào vô giúp đỡ đâu”.

Thật khó cứu Thương Tín?-4

Tại sao không dám “nhào vô”? Phải chăng vì ai cũng ngại làm ơn mắc oán? Sau vụ Thương Tín tố Trịnh Kim Chi, một nghệ sĩ tích cực với công tác thiện nguyện, nhiều người trong nghề đã… cảnh giác chăng?

Đến bây giờ, ông và nhạc sĩ ít nổi tiếng Tô Hiếu lại xảy ra ồn ào. Thương Tín tố: “Mình có chút tiếng tăm mà cũng bị lợi dụng để PR cho bản thân Tô Hiếu”; “Tiền cát-xê đi hát, tài khoản ngân hàng của mình cũng bị Tô Hiếu giữ”.

Phía người từng giữ vai trò cưu mang và phát ngôn thay Thương Tín cũng phản hồi gắt lại, còn dọa công bố video nam tài tử một thời chơi chất cấm để tên của ông bị xoá sổ. Đúng, sai chỉ những người trong cuộc biết. Những ồn ào này khiến những người có lòng càng e ngại việc giúp đỡ Thương Tín.

Một ngôi sao của sân khấu kịch phía nam nói với phóng viên Tiền Phong: “Từ trước tới giờ đâu có trường hợp nào như Thương Tín? Quá lùm xùm nên ai cũng ngại dây dưa”.

Đường vào viện dưỡng lão cũng “tắc”?

Phóng viên tiếp tục liên lạc với soạn giả Đức Hiền, người quản lí khu dưỡng lão nghệ sĩ Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh suốt 17 năm: “Liệu có thể đưa Thương Tín vào khu dưỡng lão của nghệ sĩ được không?”. Soạn giả đáp: “Ông ấy có vợ con, vô sao được? Mà bây giờ khu dưỡng lão cũng dẹp rồi”.

Phóng viên hỏi tiếp: “Vì sao trước đây khu dưỡng lão không mở cửa với trường hợp của nghệ sĩ Thương Tín?”. “Cha đẻ” của 200 vở cải lương nói: “Ông ấy không có liên lạc, liên hệ gì với khu dưỡng lão. Muốn vô thì ông phải làm cái đơn xin vô. Ngày trước ban ái hữu đông lắm, họ sẽ xét đơn, nếu thấy đúng tiêu chí thì mời vô. Nhưng những người không nằm trong Hội Sân khấu Thành phố thì không vô được”.

Soạn giả Đức Hiền bình luận: “Có những nghệ sĩ đương thời tiếng tăm chẳng cần vô hội hè gì hết. Họ không muốn vô. Nhưng không vô hội hè thì không vô khu dưỡng lão được. Hiện nay khu dưỡng lão nghệ sĩ chuyển về bên Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè hết rồi”.

Liệu Thương Tín có khả năng vào được Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè? Soạn giả Đức Hiền cho biết: “Có nhiều điều kiện lắm, người ta phải xét quá trình hoạt động nghệ thuật, lúc khoẻ thì sao, đương thời thế nào? Hồi trước vào khu dưỡng lão nghệ sĩ có ban ái hữu xét, bây giờ là việc của ngành thương binh xã hội.

Chỗ ấy đón nhận bà mẹ Việt Nam anh hùng hay những người có công với cách mạng. Phía nghệ sĩ chỉ gửi được số ít người, trong đó có anh Mạc Can, anh Huỳnh Thanh Trà”.

Tài tử “Loan Mắt Nhung”- Huỳnh Thanh Trà hay diễn viên, nhà văn Mạc Can dù hoàn cảnh riêng có nhiều khó khăn song luôn giữ hình ảnh sạch, được đồng nghiệp và khán giả trân trọng, yêu thương.

Cả hai nghệ sĩ đều bày tỏ niềm vui khi được sống ở viện dưỡng lão. Thương Tín cũng tuổi già, bệnh tật, bơ vơ, cũng từng đóng góp tích cực trên sân khấu và phim ảnh, có những vai diễn để đời. Chỉ tiếc…

Theo Tiền Phong