Thấy chó thả rông không rọ mõm, người dân có quyền đánh chết?

Theo luật sư, nếu để bảo vệ người khác mà đánh trả lại chó dữ khiến con vật chết ngay lập tức, trách nhiệm bồi thường sẽ không được nhắc tới do thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng.

Tối 27/3, con gái 5 tuổi của chị Trịnh Quỳnh Dung (ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) chơi trên vỉa hè thì bị một con chó lao tới, chồm lên người giằng xé. Sự việc khiến bé gái bị thương nặng, phải chuyển xuống bệnh viện ở Hà Nội trong đêm. Sự việc sau đó được đăng tải lên mạng xã hội khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Thấy chó thả rông không rọ mõm, người dân có quyền đánh chết?-1
Bé gái bị chó tấn công be bét máu (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Từ câu chuyện trên, nhiều người cho rằng nuôi chó thì gần như 100% chủ nuôi không tuân thủ các biện pháp an toàn cho cộng đồng. Độc giả Minh Tuấn nêu ý kiến: "Trước khi có sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền các cấp, nên chăng người dân cần tự bảo vệ mình bằng cách nếu thấy chó thả rông không rọ mõm thì bất cứ ai cũng có quyền chủ động đánh chết nó để phòng tình huống xấu xảy ra". 

Tuy nhiên ý kiến của độc giả Minh Tuấn đã vấp phải ý kiến trái chiều của độc giả Hoàng Linh khi anh cho rằng, "Dù chủ nuôi đã sai khi thả rông chó mà không rọ mõm nhưng nó là tài sản, nếu tự ý bắt với giết chó của họ là có thể bị kiện tội hủy hoại tài sản, theo tôi việc này phải đánh thật nặng vào ý thức của chủ".

Vậy trong trường hợp thấy chó thả rông không rọ mõm, người dân có quyền đánh chết con vật đó để phòng hậu họa hay không?

Giải đáp dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá trị và quyền tài sản. Trong đó, vật bao gồm động vật, thực vật và mọi vật thể khác tồn tại trong xã hội. Bởi vậy, đối với các loài động vật như chó, mèo, trâu, bò… nếu có người nuôi nhốt, chăn thả thì được coi là tài sản của những người đó.

Đối với trường hợp chó dữ tấn công người, nếu xác định đây là vật nuôi có chủ và được chủ thả rông, dẫn tới tình huống đáng tiếc, căn cứ khoản 1 Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu của súc vật có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Trường hợp người chiếm hữu, sử dụng súc vật gây thiệt hại thì người đó phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tuy nhiên, cần lưu ý ở chiều ngược lại, nếu ta phản kháng, tấn công lại khiến con vật bị chết, tùy thuộc tính chất của tình huống đó, trách nhiệm pháp lý về việc bồi thường dân sự cũng có thể được đặt ra. Cụ thể:

Thứ nhất, nếu một người bị con chó tấn công và người chứng kiến chống trả, tấn công lại hoặc sử dụng các vật dụng tấn công khiến con vật tử vong ngay lập tức, luật sư Hùng nhìn nhận đây là tình huống mà mọi người đã phòng vệ chính đáng.

"Thông thường, nếu so giữa một con chó hung dữ và một người không đủ sức để có thể chống trả, hay chí ít bỏ chạy để thoát thân khỏi con vật hung dữ. Khi đó, việc những người xung quanh đánh chết chó là nhằm mục đích phòng vệ, giúp bảo toàn về sức khỏe và tính mạng cho nạn nhân trước sự dữ dằn và mức độ tấn công mãnh liệt của con vật, thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng.

Căn cứ Điều 594 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp gây thiệt hại do phòng vệ chính đáng, người gây thiệt hại không phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Do đó, người tấn công chó không phải bồi thường cho chủ chó", ông Hùng phân tích.

Thứ hai, nếu con chó tấn công người và người xung quanh đứng ra bảo vệ, xua đuổi khiến con vật bỏ đi nhưng vẫn tiếp tục sử dụng hung khí để tấn công, đuổi đánh khiến con vật bị chết, đây không được coi là tình huống phòng vệ chính đáng.

Bình luận trường hợp này, luật sư cho biết: "Con chó dù tấn công người nhưng đã bỏ đi sau khi bị xua đuổi, tức không còn tấn công và không còn nguy cơ gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho người khác nhưng con chó vẫn bị đánh đến chết thì không được coi là phòng vệ chính đáng. Quyền phòng vệ chính đáng chỉ phát sinh khi hành vi tấn công trái pháp luật và gây thiệt hại đến các lợi ích đang hiện hữu xảy ra và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nếu hành vi tấn công, xâm hại đã dừng lại trên thực tế thì quyền phòng vệ không còn, việc tiếp tục tấn công, đánh trả ở thời điểm này là không cần thiết, không phù hợp với mục đích của phòng vệ chính đáng".

Trích dẫn quy định tại Điều 594 Bộ luật Dân sự 2015, luật sư nhấn mạnh nếu thuộc trường hợp này, người đánh chó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản cho chủ chó do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/ban-doc/thay-cho-tha-rong-khong-ro-mom-nguoi-dan-co-quyen-danh-chet-20240329070739966.htm?fbclid=IwAR1xMO6CXW8A40j-BfdvV-f_-g6BrhWKXiV9qD_I1-OoNavFXE_oyehPXiU_aem_AfcIpSMhrg3AAw9zwtCWvHzZmzylbELoutmLr7l9n3AXiw1osxYuFmtZ8ULWVwJrZZ_wlCpD_W-UtAK2OtbD3PAN

chó cắn

Tin tức mới nhất