Cứ đi vài chục cây số, đoàn xe phải dừng lại chờ thông đường hoặc “thót tim” lúc phi thật nhanh, khi đi thật chậm để có thể vượt qua được những nơi dòng nước lũ đổ xuống như thác, sạt lở hoặc có dấu hiệu sắp sạt lở.
"Đồng hành" chặng đường đi là những khối đá lớn, cây cối đổ rạp choán hết đường, những đoạn đường dài ngập sâu trong nước lũ,…
Cơm vừa chia, trò chưa kịp ăn thì phải chạy lũ
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt là một trong những trường hứng chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề nhất của đợt lũ quét vừa qua tại Sơn La.
Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt khi đến nơi là trường học bốn bề nhuốm màu vàng đỏ của nước lũ.
Sân trường ngập đầy bùn lũ.
Sân trường như ruộng, bùn đất kéo về theo nước lũ phủ kín sân, dày hơn 2 gang tay và ồn ã, ngổn ngang không khác một công trường khi các lực lượng chức năng phải huy động máy xúc làm việc liên tục.
Trong các phòng học và thư viện, các thầy cô giáo đang hò nhau bơm nước, hỳ hụi lau dọn, quét lớp, đẩy những khối bùn ra khỏi lớp học. Những chồng sách vốn để thầy trò có thể bước vào năm học mới thì nay nhuốm đầy bùn đất, ướt nhẹp.
Thậm chí, theo lời kể của các giáo viên, chỉ ít ngày sau khi dọn dẹp đợt lũ trước thì trường phải đón trận lũ thứ hai.
Cô giáo Từ Thị Thu Hà đứng dựa mình vào tường phòng học mếu máo nhớ lại:
“Sau trận lũ hôm 28/8 nhà trường được người dân và lực lượng công an, bộ đội giúp đỡ, hỗ trợ dọn dẹp. Sau 2 ngày dọn xong được khu nhà ở của học sinh, lớp học và khu để thiết bị thư viện nhà trường thì ngày 30/8 lũ lại bất ngờ đổ về và mọi công sức đều trở về nguyên như cũ. Lượng bùn đất phủ sân trường càng nhiều và dày hơn”.
“Địa thế của nhà trường ở vị trí không mấy thuận lợi, tâm thế của các giáo viên luôn sẵn sàng trước việc sẽ phải hứng chịu những trận lũ, nhưng chưa bao giờ chứng kiến một trận lũ lớn như vừa qua. Hôm ấy cơm vừa chia xong, học sinh còn chưa kịp ăn mà cũng chẳng kịp bê khay cơm để chạy mà tất cả chỉ mong làm sao thoát khỏi trận lũ.
Các thầy cô liên tục hô học sinh chạy lên tầng 2 và 3 để tránh lũ và sau đó phải nhờ chính quyền địa phương bắc thang để thầy trò ra ngoài. Đợt này chưa xong đợt lũ khác lại đến, chúng tôi cũng có chút nản lòng nhưng rồi anh chị em vẫn động viên lẫn nhau cùng cố gắng để khắc phục, mong sao cho học sinh được đón khai giảng đúng ngày”, cô Hà nói.
Nước lũ lên rất cao những ngày cao điểm.
Gắng để học sinh được khai giảng đúng ngày 5/9
Thầy Nguyễn Trung Huấn, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ cao điểm có lúc mực nước ngập cao gần 3m. Thầy buồn bã khi toàn bộ trang thiết bị dạy học, máy tính, sách vở tại thư viện và phòng thực hành của nhà trường đều bị lũ cuốn trôi hoặc làm hư hại và tổng thiệt hại ước tính khoảng hơn 2 tỉ đồng.
Để chuẩn bị năm học mới đang đến rất gần, theo thầy Huấn, trước mắt nhà trường phải khắc phục hậu quả để học sinh có thể yên tâm đến trường và học tập.
Đặc biệt mong muốn lớn nhất của tất cả thầy cô là khai giảng cho các cháu được đúng 5/9.
“Từ hôm 28/8 đến nay, chưa thầy cô giáo nào được nghỉ ngơi, dầm bùn 5 ngày nay. Ngày 2/9 là tết Độc lập nhưng các thầy cô giáo vẫn ở lại trường để khắc phục và chúng tôi quyết tâm cố gắng để ngày 5/9 tổ chức được khai giảng cho các cháu”, thầy Huấn nói.
Những ngày qua, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt cũng nhận được sự hỗ trợ của các lực lượng quân đội, công an, thanh niên tình nguyện và ngành GD-ĐT toàn huyện chung tay dọn dẹp bùn đất, khắc phục hậu quả của cơn lũ.
Bộ trưởng động viên các giáo viên và lực lượng hỗ trợ khắc phục thiệt hại tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt- nơi mà bùn lũ phủ dày sân trường.
Ngày 1/9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã tới từng phòng học bị hư hại để động viên, chia sẻ với thầy trò nhà trường.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương bằng mọi cách hỗ trợ thầy kịp dọn dẹp vệ sinh, bổ sung đủ thiết bị, sách vở thiết yếu để kịp bước vào năm học mới 2018 - 2019 từ ngày 5/9.
Theo Vietnamnet