Ngày 22/3, sau khi lên sóng hai tập đầu tiên, Joseon Exorcist của đài SBS bị chỉ trích nặng nề khi để lên hình bàn thức ăn với nhiều món có xuất xứ Trung Quốc. Tác phẩm cũng bị tố cáo bóp méo hình ảnh vị minh quân Taejong và đạo nhái hình ảnh phục trang phim Trung Quốc.
Sau khi tranh cãi nổ ra, nhiều nhãn hàng lập tức thông báo rút quảng cáo khỏi Joseon Exorcist. Từ chỗ tạm dừng phát sóng trong một tuần để điều chỉnh nội dung, tới 26/3, đại diện SBS thông báo chính thức dừng chiếu vĩnh viễn tác phẩm dù đã hoàn thành 80% việc ghi hình.
Tiền lệ đã có nhưng không bị xử lý
Khán giả bức xúc, phản đối tình tiết trong phim truyền hình không còn là chuyện mới tại Hàn Quốc, nhất là khi xứ sở kim chi lên sóng hàng trăm series mới mỗi năm. Sai lệch về lịch sử là lỗi không phổ biến, nhưng nghiêm trọng và dễ khiến khán giả bức xúc hơn cả.
Năm 2013, bộ phim Hoàng hậu Ki từng bị dư luận, bao gồm cả giới sử gia, phản đối vì sai lệch lịch sử. Hình ảnh nữ hào kiệt của Hoàng hậu Ki do Ha Ji Won thủ vai trên màn ảnh mâu thuẫn với cuộc đời nguyên mẫu nhân vật trong lịch sử. Vì hận thù gia tộc, Hoàng hậu Ki đã phát động chiến tranh chống Cao Ly.
Hoàng hậu Ki gây tranh cãi nhưng lại được đón nhận rộng rãi. Phim là một trong các tác phẩm nổi tiếng nhất của Ha Ji Won.
Năm 2018, bộ phim Quý Ngài Ánh Dương bị sử gia chỉ trích khi làm sai lệch bối cảnh chính trị, xã hội Hàn Quốc trước và sau thời điểm những đoàn thám hiểm đầu tiên từ châu Mỹ ghé tới đây.
Tới năm 2020, bộ phim Quân Vương Bất Diệt của Lee Min Ho cũng từng bị chỉ trích vì Đại Hàn Đế quốc trong phim đã vay mượn nhiều hình ảnh từ văn hóa Nhật Bản.
Cuối năm 2020, Mr. Queen trở thành trung tâm tranh cãi khi chuyển thể tác phẩm của một nhà văn Trung Quốc từng phát ngôn kỳ thị người Hàn. Phim cũng xây dựng Thần Trinh Vương hậu, vợ của Hiếu Minh Thế tử thành một phụ nữ vô cùng mê tín.
Các bê bối lịch sử trên đều diễn biến theo cùng một kịch bản. Khán giả phản đối, nhà sản xuất lên tiếng giải thích, hứa chính sửa. Sau đó, phim tiếp tục ăn nên làm ra nhờ tiền bán quảng cáo. Một số còn giành chiến thắng sau khi nhận đề cử tại các giải thưởng truyền hình Hàn Quốc.
Tại sao phim trục quỷ thời Joseon phải ngừng sóng?
Việc Hoàng Hậu Ki, Quý Ngài Ánh Dương hay Mr. Queen dù vướng bê bối sai lịch sử vẫn “về đích an toàn” khiến Joseon Exorcist trở thành cá biệt.
Để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại lên một series phim, nhà sản xuất thường chỉ cắt bỏ các chi tiết hoặc nhân vật gây tranh cãi khỏi tập có vấn đề. Nhưng SBS lại lựa chọn phương án gây thiệt hại lớn hơn - dừng chiếu vĩnh viễn tác phẩm từ 26/3.
Theo Seoul Economic Daily, giá trị cổ phiếu của SBS và đơn vị đầu tư sản xuất bộ phim, YG Entertainment, đã giảm mạnh sau ngày 26/3. Tiếp đến, việc 80% phim đã quay xong cũng khiến 32 tỷ won tiền đầu tư của hai ông lớn “bốc hơi”.
Phục trang Joseon Exorcist bị cho là đạo nhái phim Tân Bạch nương tử truyền kỳ của Trung Quốc.
Bê bối của Joseon Exorcist cũng khiến một bộ phim khác, lấy bối cảnh phong trào đấu tranh dân chủ tại Hàn Quốc, là Snowdrop bị vạ lây.
Thế nhưng, dừng chiếu vĩnh viễn Joseon Exorcist về lâu dài lại là lựa chọn sáng suốt của SBS. Nó thực chất mang lại nhiều lợi ích hơn thiệt hại cho bộ mặt ngành giải trí Hàn nói chung.
Chiếm đoạt văn hóa là một chủ đề nhạy cảm. Khác với chiến tranh xâm lược, chiếm đoạt văn hóa diễn ra âm thầm, phi bạo lực nhưng để lại hậu quả không kém nghiêm trọng. Những năm trở lại đây, Hàn Quốc thường xuyên trở thành mục tiêu của những chiêu trò chiếm đoạn văn hóa trên sóng truyền hình Trung Quốc.
Tháng 10/2020, Naver đưa tin về thực trạng trang phục Hàn Quốc liên tục xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc, từ cuộc thi sắc đẹp tới phim truyền hình. Trang tin đặt câu hỏi có phải Hàn phục đang bị người Trung Quốc ăn cắp.
Tranh cãi nhanh chóng lan tới lĩnh vực ẩm thực, xoay quanh bản quyền món kim chi - quốc hồn quốc túy của Hàn Quốc. Mâu thuẫn càng gia tăng khi chương trình Thiên thiên hướng thượng của đài Hồ Nam giới thiệu kim chi như một món đặc sản địa phương, cố tình đánh đồng nó với món dưa muối của Trung Quốc.
Nếu hình ảnh văn hóa Hàn Quốc bị chiếm đoạt trên sóng truyền hình Trung Quốc nguy hiểm, thì các chi tiết văn hóa Trung Quốc xuất hiện trên phim Hàn cũng gây hậu quả nghiêm trọng không kém.
Với khán giả Hàn Quốc, đồ ăn Trung Quốc xuất hiện trong phim cổ trang Hàn gây bức xúc vì văn hóa truyền thống của họ bị xem nhẹ. Nhưng với người xem quốc tế, nhất là nhóm khán giả không quen thuộc với văn hóa Á Đông, họ dễ hiểu lầm châu Á chỉ có một nền văn hóa duy nhất “made in China”.
"Joseon Exorcist" khiến dàn diễn viên chính bị dư luận Hàn chỉ trích nặng nề.
Từ năm 2020, làn sóng đầu tư của các tập đoàn giải trí xử tỷ dân vào Hàn Quốc tăng mạnh. Cùng với nguồn tiền đầu tư dồi dào, các sản phẩm Trung Quốc bắt đầu được quảng cáo tràn lan trên màn ảnh nhỏ xứ kim chi. Đáng nói, những mặt hàng này bao gồm cả món ăn đặc trưng của Hàn Quốc.
Trong năm 2020, bộ phim True Beauty từng bị chỉ trích khi quảng cáo lộ liễu cho thực phẩm đóng hộp và ứng dụng mua sắm Trung Quốc. Tới 2021, cặp nhân vật chính trong phim truyền hình Vincenzo mất điểm khi dùng bibimbap ăn liền xuất xứ Trung Quốc mà không ngớt lời khen ngon.
Tới Joseon Exorcist, nhân vật người Hàn ăn uống no say bên một bàn tiệc có bánh trung thu và trứng bắc thảo.
Từ câu chuyện chiếm đoạt văn hóa tới sự “xâm lăng” của các sản phẩm Trung Quốc trên màn ảnh nhỏ Hàn Quốc, có thể thấy thái độ "đuổi cùng giết tận" của khán giả với Joseon Exorcist không chỉ bắt nguồn từ sự bức xúc với bản thân bộ phim. Nó là giọt nước tràn ly, khiến bức xúc đè nén bấy lâu trong dư luận Hàn Quốc tuôn trào.
184.000 chữ ký của người dân Hàn Quốc trong bức thỉnh nguyện thư gửi Nhà Xanh chính là minh chứng cho làn sóng ấy.
Tuy nhiên, việc Joseon Exorcist, và sau đó là Mr. Queen, bị gỡ bỏ và dừng chiếu vĩnh viễn cũng là tín hiệu tích cực với ngành giải trí Hàn Quốc. Một mặt, nó cho thấy lòng tự tôn dân tộc và trách nhiệm của người dân Hàn Quốc với các giá trị văn hóa cổ truyền chưa bao giờ phai nhạt.
Mặt khác, đây là lời cảnh tỉnh với chính các nghệ sĩ, đơn vị đầu tư và nhà làm phim về trách nhiệm mà họ gánh trên vai khi sáng tạo các sản phẩm văn hóa. Bởi xét cho cùng, điện ảnh và truyền hình chính là vũ khí tuyên truyền có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Hàn Quốc từng thành công trong việc sử dụng phim truyền hình làm “đại sứ”, giúp văn hóa của họ lan tỏa toàn châu Á. Giờ đây, họ đang phải đương đầu với tình hình mới, khi nền văn hóa họ luôn tự hào đang bị bóp méo và chiếm đoạt từ cả bên trong lẫn bên ngoài.
Từ cú sảy chân của Joseon Exorcist, có thể kỳ vọng các nhà làm truyền hình Hàn Quốc sẽ cẩn trọng hơn khi lựa chọn kịch bản phim cũng như những ảnh sẽ đưa lên màn ảnh. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cũng được một bài học nhãn tiền về gánh nặng trách nhiệm đi cùng quyền lợi trong từng quyết định sự nghiệp.
Theo Zing