Nghệ sĩ với những tố chất trời cho sau nhiều năm rèn luyện bao gồm cả may mắn có thể sẽ được nhiều khán giả hâm mộ và yêu mến. Còn khi áp dụng công nghệ thì sao?

Thành tựu Hàn Quốc

Kpop phát triển ồ ạt từ những năm 2000 phần nhiều do tìm ra quy trình “sản xuất” thần tượng. Họ có thể là những ca sĩ hoặc nhóm nhạc khác nhau bởi tên gọi (nhiều khi không khác gì những mã hiệu) nhưng đều được bảo chứng bởi một thương hiệu mang tầm quốc gia là Kpop.

Đỉnh điểm của làn sóng Hàn Quốc là sự kiện BTS chinh phục thị trường Mỹ vào 2019. Coi như hoàn thành sứ mệnh lịch sử, đầu tháng 6/2022, BTS ra thông báo tạm rã nhóm để tập trung cho cuộc sống cũng như sự nghiệp riêng của từng thành viên. Lý do trực tiếp là họ đã quá mệt mỏi về thể chất và tinh thần sau 6 năm cống hiến cho Kpop - nơi đòi hỏi họ phải không ngừng tạo ra âm nhạc.

Ngay cả các ban nhạc thành công khác trong Kpop cũng không ít lần phải đâm đơn kiện công ty đã tạo nên họ do bị bóc lột và ăn chặn bởi các “hợp đồng nô lệ” có thể kéo dài tới 17-18 năm.

Như Seung Gi còn bị công ty giữ toàn bộ lợi nhuận từ các hoạt động âm nhạc trong suốt 18 năm sự nghiệp. Trên sân khấu, sao Kpop là thần tượng của hàng triệu người, nhưng thực tế họ vẫn là những lao động “làm công ăn lương”.

Bên cạnh đó, lực lượng người hâm mộ hùng hậu cũng tích cực đóng vai trò cày lượt xem/nghe hoặc bình chọn góp phần đem lại cho thần tượng thành tích cùng những giải thưởng toàn cầu.

Quá trình tuyển chọn, đào luyện thần tượng từ những thực tập sinh của Kpop đã được cô đúc thành những format truyền hình thực tế như I-Land, Produce 101, Mixnine, The Unit, Win: Who is next, No.Mercy hay Fanpick… Những chương trình này có điểm chung là trao quyền chấm chọn cho khán giả và đầu vào là những tài năng trẻ vô danh.

Thấy gì từ hiện tượng cuồng các anh trai: Kỹ nghệ nhào nặn thần tượng-1
Anh trai say hi gặt hái thành công nhờ khai thác lực lượng nghệ sĩ trẻ đang khao khát khẳng định

Với Produce 101, kênh Mnet được cho là đã thu về ít nhất 80 tỷ won (hơn 1.600 tỷ đồng) sau 4 mùa tổ chức, sản sinh 45 thần tượng. Trong đó các thực tập sinh đã ra mắt nhận được mỗi người tầm 350 triệu won (hơn 7 tỷ đồng). Nhưng cũng có 12 thực tập sinh bị gian lận kết quả bình chọn. Kết quả là 2 nhà sản xuất của chương trình phải đi tù và nộp phạt.

Cải tiến kiểu Trung Quốc

Các format tuyển chọn nhóm nhạc kiểu Kpop thịnh hành ở Trung Quốc, có khoảng 10 chương trình diễn ra từ 2018 cho đến khi thoái trào vào 2021. Một sự kiện khiến chính quyền phải vào cuộc là khi khán giả mua sản phẩm sữa của nhà tài trợ để lấy mã bình chọn thần tượng, còn sữa thì đổ xuống cống. Việc vận động quyên góp bình chọn cho thần tượng (thực chất là cho nhà sản xuất) lên tới hàng trăm tỷ đồng cũng bị nghiêm cấm.

Nhưng thực ra, năm 2021 cũng là thời điểm mà đất nước tỷ dân có vẻ cạn kiệt tài năng sau khi bị các chương trình “tuyển tú” khai thác triệt để. Trung bình, mỗi kỳ gameshow sẽ sản sinh ra 10 thần tượng chỉ sau 3-4 tháng.

Nhưng khi họ chưa kịp khởi động sự nghiệp thì nhà sản xuất đã tổ chức mùa thi tuyển mới để còn kiếm tiền, dẫn đến tiêu chuẩn để làm thần tượng ngày càng chạm đáy.

Sau khi thành danh vẫn không đủ tài năng để làm ca sĩ chuyên nghiệp, một số thần tượng chuyển qua đóng phim. Thế mới có người cho rằng, tuyển chọn thần tượng kiểu Thanh xuân có bạn hay Sáng tạo doanh “không chỉ làm hại nền âm nhạc mà còn đầu độc cả nền điện ảnh”.

Tuy chưa có lùm xùm gian lận kết quả nào bị phanh phui, nhưng báo chí Trung Quốc chỉ ra, trong khi một số quán quân của các gameshow ca nhạc, thực lực hẳn hoi vẫn phải ra đường hát rong thì có những nhân tố “thành đoàn” tại các chương trình tuyển tú chủ yếu vì là con nhà gia thế. Họ được ưu ái chiếm sóng nhiều hơn hay bỗng nhiên thăng hạng vào phút chót.

Hai format Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng và Anh trai vượt chông gai của Mango TV ra mắt vào 2020 và 2021 vẫn đang ăn khách vừa áp dụng format sống còn, vừa tận dụng được tài nguyên sẵn có là các nghệ sĩ đã có phong độ ổn định.

Yếu tố này cũng đảm bảo cho đầu vào của chương trình sạch và ít rủi ro. Vì cho dù người tham gia có thể không giỏi hát múa nhưng đã được ghi nhận ở những công việc khác. Họ sẽ chín chắn hơn, ít có khả năng “manh động” dẫn đến bê bối.

Việt hóa công nghệ tạo thần tượng

Anh trai say hi (ATSH) tích hợp khéo léo để có một format khả thi, đảm bảo thành công. Gameshow này trước hết đã né được việc phải tuyển lựa từ cả ngàn thực tập sinh đầu vào (ở Việt Nam cũng chưa có những công ty cung cấp “mặt hàng” này) cùng những tài năng vô danh. Thay vào đó, họ tận dụng thế hệ nghệ sĩ Gen Z tài năng và sung sức chủ yếu đang hoạt động độc lập.

Nhà tổ chức VieOn còn chơi lớn khi sử dụng toàn bộ các sáng tác mới cho chương trình, đảm bảo kiểm soát tác quyền cùng phong cách âm nhạc ngay từ đầu. Kết quả, ATSH trở thành một hệ sinh thái thu hút khán giả trẻ - đối tượng cũng đang khao khát có một vài thần tượng để hâm mộ. Ngoại trừ một số lùm xùm đáng tiếc, chương trình đang lập những kỷ lục về tổ chức đêm nhạc ngoài trời.

Anh trai vượt ngàn chông gai (ATVNCG) lên sóng sau nhưng lại có lợi thế dựa vào format gốc cùng kinh nghiệm tổ chức thành công Chị đẹp trước đó. Việc chưa tổ chức được đêm nhạc cho mùa đầu Chị đẹp được giải thích do gameshow kết thúc vào thời điểm cận Tết, không kịp chuẩn bị.

Ngoài giá trị vật chất được đo bằng các con số, có thể thấy, ATVNCG do có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ ở các độ tuổi khác nhau mà câu chuyện được kể phong phú hơn, kết nối được nhiều thế hệ khán giả hơn. Các bà mẹ rủ nhau đi xem concert ATVNCG cho họ chứ không chỉ hộ tống con cái.

Mặt khác, việc mở rộng biên độ tuổi tác giúp các thế hệ nghệ sĩ có sự giao lưu, học hỏi và truyền thụ kinh nghiệm, giúp nhau phát triển trong thời gian ngắn. Những nghệ sĩ lớn tuổi và hoạt động trong lĩnh vực truyền thống như NSND Tự Long lần đầu tiên có hit “nhạc thị trường” là nhờ tham gia ATVNCG.

Thấy gì từ hiện tượng cuồng các anh trai: Kỹ nghệ nhào nặn thần tượng-2
NSND Tự Long và Cường Seven trong vòng vây hâm mộ. Ảnh: BTC

Các nghệ sĩ trẻ đang gây sốt cũng nhân cơ hội làm việc cùng đàn anh để thể hiện tình yêu với văn hóa truyền thống. Mặc dù khán giả cũng kêu gọi nhà sản xuất Yeah1 mở thêm đêm nhạc, nhưng vẫn chưa được hồi đáp. Có lẽ hướng đi của ATVNCG vẫn là chậm mà chắc…

Mới đây, đại diện Yeah1 cũng hé lộ sẽ mở sân chơi cho các tài năng trẻ. Sau mỗi gameshow, các bên đều cho ra những nhóm nhạc và trở thành công ty quản lý. Có thể tới đây, cuộc ganh đua giữa VieOn và Yeah1 sẽ vẫn tiếp tục căng.

Nhưng thế trận này được xem là có lợi cho thị trường, vì hai bên chỉ còn cách nâng cao chất lượng sản phẩm để hút và giữ khách. Còn khi nào khán giả chán với quá nhiều anh trai chị đẹp, sẽ lại có những format khác thôi…

Theo Tiền Phong