Có một câu nói cổ rất hay và ý nghĩa: "Trong ba người cùng đồng hành sẽ có một người là thầy của ta". Mỗi người đều có rất nhiều người thầy không phải cứ đứng trên bục giảng mà là những người thầy trong cuộc sống, những người thầy mà đôi lúc chúng ta không nhận ra.
Có lẽ đến cái thời khắc nào đó, tự bản thân mỗi người sẽ có lúc chiêm nghiệm lại thì mới ngẫm ra được những người thầy xung quanh ta, người thầy ấy có thể nhiều tuổi, có thể bằng tuổi hoặc thậm chí ít hơn tuổi mình.
Thầy Bình cho hay mình khá may mắn khi được gặp rất nhiều "người thầy". Lúc nhỏ, có lẽ ban đầu "người thầy" là cha mẹ, những người đã dạy cho thầy tiếng nói đầu tiên, những bước đi đầu tiên và những nụ cười đầu tiên. Khi lớn lên đi học thì "người thầy" đó chính là những người thầy cô, những người hàng xóm ở xung quanh hay bất kỳ ai đều để lại cho thầy một bài học quý giá.
Thầy giáo Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội.
Chú hàng xóm ngăn cản trận đòn roi của bố
Bài học đầu tiên mà thầy Bình nhận được lại chính là từ người hàng xóm ở ngay cạnh nhà. "Một lần chơi đánh khăng, tôi cầm nó tung lên và vụt nhưng lỡ tay đánh cái khăng đó vào mặt của bạn cùng xóm. Tôi còn nhớ khi đó đuôi mắt bị chảy máu rất nhiều, tôi hoảng sợ và cùng bạn mình tự băng bó thế nhưng máu vẫn chảy và mắt sưng to lên.
Trẻ con chạy toán loạn lên gọi bố mẹ đến. Bố tôi biết và khi về đánh tôi một trận khá là đau. Tuy nhiên trong khi đánh thì chú hàng xóm chạy sang can bảo thôi chuyện của trẻ con là chuyện trẻ con, chúng nó chẳng may lỡ rồi anh không nên đánh nó nữa.
Tôi thấy lúc đó được chú hàng xóm bênh để khỏi bị đánh làm tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì hồi bé chưa nghĩ được nhiều đâu. Ngày hôm sau tôi thấy bố và chú hàng xóm cùng nhau đưa bạn ấy đi bệnh viện, may mắn sau một thời gian chữa trị con mắt của bạn ấy không làm sao".
Thầy nhận ra đó là sự thông cảm, chia sẻ và đặc biệt là sự tha thứ của người lớn dành cho những lỗi lầm của trẻ con. Chính chú hàng xóm đã dạy cho thầy bài học về sự yêu thương, giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn.
Cậu bạn dũng cảm nhận lỗi và thầy Hiệu trưởng vị tha
Vào thời gian đi học, câu chuyện giữa thầy Bình và cậu bạn học sinh đánh nhau vì đá bóng khiến thầy không thể nào quên.
Sau khi đánh nhau xong, cả đội lên gặp thầy Hiệu trưởng để trình bày vụ việc. "Tôi nghĩ mình sẽ bị kỷ luật nặng và thầy sẽ quát mắng rất quyết liệt. Chúng tôi lúc đó mồ hôi nhễ nhại, đánh nhau xây xước mặt mày nhưng thầy vẫn mời ngồi, rót nước cho bọn tôi uống.
Sau đó thầy cho tự nhận lỗi nhưng đầu tiên tôi không nhận lỗi và ngồi im, bạn kia lại nhận lỗi. Tôi thấy rõ ràng mình sai, nhưng bạn kia lại dũng cảm hơn tôi. Sau khi được thầy hiệu trưởng động viên, sau một hồi tôi cũng đấu tranh và tự nhận lỗi.
Sau đó, thầy gọi tất cả đội bóng vào và giải thích việc rèn luyện thể thao là tốt nhưng nếu không rèn luyện đức tính làm chủ hành vi của mình sẽ dẫn đến những hành động không thể chấp nhận được".
Thầy Bình từ lúc đó nhận ra được bài học từ người thầy giáo có tấm lòng vị tha, hiểu biết và luôn yêu thương học sinh, ngay cả những lỗi lầm của học trò cũng đưa ra những lời khuyên bổ ích nhất.
Người dân chia sẻ từng củ sắn cho bộ đội
Thầy kể những "người thầy" đã dạy cho mình nhiều bài học quý giá trong cuộc sống.
Sau khi ra trường thầy Bình vào bộ đội. Những ngày ở biên giới phía Bắc, thầy gặp được nhiều người chỉ huy, đồng đội là những người hướng dẫn cho thầy về cuộc sống kỷ luật ngăn nắp, khoa học, có tính tự giác cao, kiên trì và chịu đựng khó khăn, gian khổ.
Thầy chia sẻ: "Có lúc chúng tôi rất đói vì gạo không có, chủ yếu ăn khoai, ăn sắn, có nhiều người đồng đội đã lấy của dân. Mặc dù người dân cũng rất đói nhưng họ lại ủng hộ bộ đội sắn thêm vào bữa ăn.
Những người dân bao giờ cũng thương yêu bộ đội. Những người thầy của cuộc sống đã hi sinh cả bữa ăn của mình cho người khác chính là sự chia sẻ, thương yêu mà tôi luôn kính trọng".
"Người thầy" chính là các em học sinh
Thầy Bình nói về việc học ở các em học sinh bằng giọng kể hào hứng. Những năm 1990 khi máy tính còn rất khan hiếm, thầy chưa được tiếp cận với máy tính nên phải vào học chung với các em học sinh: "Các em dạy tôi cách đánh máy, dạy những thao tác đầu tiên, kêu thầy luyện các ngón tay ra sao, đánh dấu vào đâu.Ngay cả bây giờ khi những chiếc điện thoại thông minh xuất hiện, tôi không biết sử dụng và các em học sinh là những người đã hướng dẫn tôi".
Thầy cho rằng, học sinh của mình chính là người dạy cho thầy nhiều thứ nhất.
Thầy còn bộc lộ, học sinh bây giờ có tính chủ động rất cao mà nhiều khi thầy phải học hỏi: "Có lần tôi phê bình các em về việc vứt rác bừa bãi trong sân trường, có một em đứng lên hỏi: ‘thưa thầy, thùng rác rất là ít chúng em không có chỗ để rác'. Tôi mới thấy đó là bài học do mình chưa quan sát, áp đặt ý muốn chủ quan.
Có những chương trình văn nghệ, các em mời tham gia vào nhảy flashmob, tôi cũng đâu biết những bài nhảy đó nhưng các em vẫn hướng dẫn tôi. Các em còn động viên thầy tập rất nhanh, thầy làm động tác rất chính xác, thầy tập nhanh mà mãi chúng em chưa thuộc. Đấy là các em động viên mình chứ, biết khuyến khích mình chứ. Sao mình là thầy mà không biết động viên các em làm, mình chỉ áp đặt rồi bắt các em phải thế này phải thế khác".
Thầy nhận ra rằng không phải những điều mình nói đều là đúng, là chân lý. Đôi khi cần phải lắng nghe suy nghĩ của học sinh để tìm ra biện pháp giải quyết đúng đắn nhất.
Mỗi "người thầy" đều có một bài học riêng mà chỉ cần tinh ý một chút thôi, chúng ta đều sẽ nhận ra được. Tuy nhiên để nhận được bài học quý giá đó, mọi người cần phải biết lắng nghe, chia sẻ và cảm thông. "Người thầy" không nhất thiết phải đứng trên bục giảng, "người thầy" là tất cả mọi người.
Theo Báo Đất Việt