Trong bất kỳ mối quan hệ nào của bản thân, tôi luôn nghĩ rằng trước hết hãy cứ cho đi đã, cứ tốt với người ta trước rồi sau đó sẽ bình tĩnh để xem xét rằng mối quan hệ đó có nên duy trì hay không bằng cách nhìn người ta đối xử lại với mình như thế nào.

Có thể không ít người nói tôi thực dụng nhưng tôi lại có quan điểm lòng tốt nên phải đặt đúng chỗ, nếu như đặt nhầm ở nơi không xứng đáng thì nên lấy lại để trao cho người đáng được nhận nó hơn.

Tôi là một cô gái phải tự thân lập thân từ rất sớm. Bố mẹ tôi ly hôn từ khi tôi còn chưa được sinh ra, ngay khi cất tiếng khóc chào đời, mẹ liền trao trả tôi cho bố. Cũng kể từ đó, tôi gần như không được gặp mẹ lần nào.

Năm tôi tròn 1 tuổi thì mẹ đi lấy chồng. Tôi sống với bố và mẹ kế, đương nhiên là những đứa trẻ như vậy dù không thiếu thốn vật chất thì cũng chẳng bao giờ được đủ đầy về tình cảm. Tôi vốn là một đứa trẻ sống nội tâm nên càng trở nên nhạy cảm hơn khi nhìn thấy những đứa trẻ khác có cả bố lẫn mẹ bên cạnh.

Lên đại học tôi liền chủ động xin ra ngoài ở trọ, vừa là gần trường học vừa là không muốn làm phiền đến gia đình riêng của bố. Cũng vào những năm này, tôi gặp mẹ nhiều hơn, lúc này bà đã có con riêng, kém tôi 12 tuổi.

Mặc dù gặp lại nhưng giữa tôi và mẹ vẫn có khoảng cách chẳng dễ gì mà lấp đầy. Lúc ấy tôi hiểu, giống như việc không muốn làm phiền gia đình riêng của bố, tôi cũng không muốn làm phiền đến gia đình riêng của mẹ. Chính vì vậy tôi cũng chưa bao giờ về nhà bà chơi mà chỉ thỉnh thoảng mẹ qua nhà trọ của tôi, dắt theo cậu em trai cùng mẹ khác cha, mấy mẹ con ngồi ăn một bữa cơm hoặc đi chơi đâu đó rồi ai lại về nhà nấy, sống cuộc sống không liên quan gì đến nhau.

Thấy tôi lấy được chồng khá giả, mẹ muốn anh phải chu cấp cho con riêng của bà du học-1

Tốt nghiệp đại học, tôi tìm được một công việc ổn định. Cũng vì thế mà kinh tế cũng chủ động hơn, thỉnh thoảng tôi cũng có biếu mẹ cái này cái kia. Thế nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở đấy, tôi và bà không có cách nào để có thể gần gũi nhau như những cặp mẹ con khác.

Đôi khi, tôi nghe thấy mẹ của chị đồng nghiệp mắng mỏ chị ấy vì không chịu dọn nhà cửa hay ăn uống xong không rửa bát thì bản thân lấy làm lạ lắm. Vì thật sự, giữa tôi và mẹ khách sáo đến mức bà chẳng bao giờ nhắc nhở tôi bất kỳ việc gì trong cuộc sống.

Mối quan hệ của mẹ con tôi cứ nửa gần nửa xa như vậy cho đến khi tôi đi lấy chồng. Khác hoàn toàn với đứa trẻ không ở gần bố cũng chẳng ở gần mẹ như tôi, anh là công tử bột từ trong trứng nước. Bố mẹ anh chỉ có một mình anh mà thôi nên khi cưới tôi về nhà, hai ông bà coi tôi như con gái. Biết hoàn cảnh của tôi, mẹ anh lại càng thương, càng muốn bù đắp cho tôi nhiều hơn.

Gia đình anh rất khá giả, thật ra bố tôi cũng vậy, chỉ là tôi không sống dựa vào gia đình của bố mình mà thôi. Chính vì vậy nên khi chưa cưới, tôi rất lo lắng vì nghĩ rằng mình là kẻ “đũa mốc đòi chòi mâm son”.

Vì cả hai vợ chồng đều tự chủ kinh tế lại được bố mẹ chồng hỗ trợ không ít nên so với mặt bằng chung thì gia đình nho nhỏ của chúng tôi cũng là diện có của ăn của để. Nhìn lên thì chẳng bằng ai nhưng nhìn xuống thì cũng có thể tự hào mình có chút của để dành cho các con sau này.

Cũng trong khoảng thời gian từ lúc tôi lấy chồng đến lúc sinh hai đứa nhóc con, tôi và mẹ gặp nhau thường xuyên hơn. Thời điểm này biết em trai cùng cha khác mẹ của mình đang đi học nên thỉnh thoảng tôi cũng cho em nó đồng quà tấm bánh. So với bố tôi, kinh tế của gia đình mẹ tôi yếu hơn hẳn.

Thế nhưng đôi khi lòng tốt của con người ta sẽ bị lợi dụng trở thành trách nhiệm bắt buộc phải làm. Tôi chưa từng gặp người chồng sau này của mẹ, thậm chí còn chẳng biết nhà biết cửa của mẹ tôi bây giờ nhưng khi mẹ và em cần tôi vẫn sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng cho phép.

Cho đến khi mọi chuyện vượt quá tầm kiểm soát của nó.

Sau vài lần tôi cho con riêng của mẹ tiền học, tiền mua máy tính, cái điện thoại thì càng này những thứ mẹ và thằng bé xin tôi lại càng nhiều. Đợt vừa rồi có xin tôi chiếc xe máy, tôi nghĩ rằng cũng không đi đến nữa thì cho em thôi. Nhưng tôi không thể ngờ suy nghĩ đơn giản của mình đã tạo tiền đề cho những đòi hỏi thái quá hơn.

Mẹ hôm đó đã đến nhà tôi gặp riêng chồng tôi và giấu không cho tôi biết để xin anh chu cấp cho con riêng của bà đi du học. Thằng bé không hề có học bổng, lực học không giỏi thậm chí còn hơi yếu kém, kinh tế gia đình mẹ tôi cũng không xuất sắc. Thế nhưng bà lại muốn cho con trai đi du học tự túc và bởi vì không có khả năng về kinh tế nên đã quyết định đến xin chồng tôi.

Chồng tôi hiểu rõ về mối quan hệ hờ hững nửa gần nửa xa của mẹ và tôi nên anh không tự quyết định và cũng không giấu giếm vợ như lời mẹ tôi đề nghị nên đã kể hết mọi chuyện với tôi.

Nghe xong tôi chỉ còn biết khóc. Tôi khóc vì tủi thân khi mà cũng là con cái một mẹ sinh ra nhưng bà chưa từng quan tâm đến việc tôi sống ra sao, những lần gặp gỡ giữa tôi và mẹ hờ hững hơn cả mối quan hệ của tôi và chị bạn thân. Thế nhưng bà lại sẵn sàng xin xỏ một người xa lạ học phí cho cậu con trai…

Lúc này tôi chợt hiểu ra hình như bà chưa từng coi tôi là con ruột. Tất cả các dấu mốc quan trọng của cuộc đời tôi và đều từ chối trách nhiệm và không hề có mặt. Hóa ra bao lâu nay, tôi chỉ đơn phương muốn cố gắng xây dựng tình cảm mẹ con mà thôi.

Sau đó, chồng tôi đã nhắn tin từ chối yêu cầu của mẹ về chuyện chu cấp cho con riêng của bà đi du học. Kể từ đó đến nay đã hơn nửa năm, mẹ không hề liên lạc với tôi nữa. Dù tôi có chủ động gọi điện hỏi thăm thì đều nhận lại sự thờ ơ mà thôi…

Theo Phụ Nữ Việt Nam